Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc quản lý, giám sát cho điểm học sinh - không chỉ lớp 12 mà ngay từ lớp 10 - nhằm có những đánh giá kết quả học tập của học sinh tốt nghiệp khi xét tốt nghiệp chính xác, tin cậy.
Ông Lê Trung Chinh - GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng: Nghiêm khắc xử lý nếu có bất thường về điểm
Chúng tôi đã chỉ đạo các trường nắm tình hình để kịp thời định hướng học sinh, giúp các em chọn môn thi đúng sở trường. Tuy nhiên, học sinh nghiêng về chọn thi các môn khối A.
Quan điểm chung của chúng tôi là dạy học hết chương trình, không nghiêng về bất kỳ môn học nào. Khi Bộ GD&ĐT ban hành lịch chính thức mới chỉ đạo ôn tập theo đối tượng.
Trước điểm mới trong cách xếp loại tốt nghiệp năm nay, chúng tôi yêu cầu Hiệu trưởng các trường phải nghiêm túc đánh giá theo đúng quy định, không được dễ dãi, nâng điểm. Sở sẽ thành lập các đoàn kiểm ra và những điểm số sửa chữa bất thường sẽ bị xử lý.
Ông Trần Trung Dũng - GĐ Sở GD&ĐT Hà Tĩnh: Quản lý bảng điểm các trường THPT trong toàn tỉnh
Năm nay, muốn đạt kết quả tốt, mỗi học sinh phải có quá trình học tập nghiêm túc để xét công nhận tốt nghiệp, phương án này căn bản giải quyết được việc học lệch. Mặc dù chỉ thi 4 môn nhưng đòi hỏi học sinh không được lơ là, chểnh mảng, học lệch những môn không chọn thi.
Ngay từ khi kết thúc học kì 1, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã làm đợt tổng kiểm tra tất cả các trường THPT trên địa bàn tỉnh để nắm tình hình, quản lý bảng điểm và các bài kiểm tra của học sinh. Nếu có trường hợp tự ý sửa học bạ hoặc việc điểm số của học sinh tăng bất thường trong học kì 2, Sở sẽ kiểm tra và có biện pháp xử lý nếu có sai phạm.
Hiện các trường THPT tại Hà Tĩnh đã bắt đầu quá trình ôn tập cho học sinh thi theo phương án mới của Bộ.
Ông Lê Ngọc Bữu - GĐ Sở GD&ĐT Bến Tre: Bám sát quy chế trong chấm điểm
Việc kiểm tra đánh giá chất lượng học tập của học sinh được coi là một nhiệm vụ thường xuyên mà Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre yêu cầu các trường THPT toàn tỉnh thực hiện.
Kinh nghiệm của chúng tôi là đầu năm học và kết thúc học kỳ I, Sở tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến nhằm tăng cường công tác quản lý trong việc dạy và học.
Đồng thời yêu cầu các trường và giáo viên phải chấm điểm, đánh giá học sinh nghiêm túc, đúng thực chất. Các bài kiểm tra, đánh giá và vào sổ điểm và giao nộp sổ điểm phải được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy chế.
Theo đó, các trường cần thành lập đoàn kiểm tra, giám sát việc chấm điểm và vào sổ điểm cho học sinh. Yêu cầu các trường không để giáo viên tự ý nâng điểm cho học sinh. Trường hợp phát hiện ra sai phạm sẽ kiên quyết xử lý theo đúng quy chế.
Ông Vũ Văn Trà - Phó GĐ Sở GD&ĐT Hải Phòng: Ứng dụng phần mềm quản lý điểm số của học sinh
Việc đánh giá dựa vào kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 bên cạnh kết quả của điểm thi tốt nghiệp là hợp lý. Điều này sẽ tránh được tình trạng học lệch của học sinh, chỉ chú trọng vào học những môn thi.
Sở GD&ĐT Hải Phòng đã có phần mềm quản lý tất cả các thông tin về điểm của HS, nên hoàn toàn có thể phát hiện ra việc sửa chữa điểm tăng hoặc giảm một cách bất thường. Vì vậy, việc xét tốt nghiệp bằng kết quả học lực lớp 12 với trọng số 50% không phải là vấn đề đáng lo ngại phát sinh tiêu cực.
Ông Ngô Văn Hợi - Phó GĐ Sở GD&ĐT Quảng Ninh: Quán triệt giáo viên nhận thức đúng trong chấm điểm
Chúng tôi đã lên kế hoạch tập huấn cho cán bộ của các trường về việc hoàn thành sớm kết quả của học kỳ II năm lớp 12. Qua đó, sớm có kết quả đưa vào phần mềm, kết hợp với kết quả thi để phần mềm tự đánh giá truy xuất kết quả đỗ hay không đỗ cho học sinh.
Để công tác ôn tập cho học sinh đạt hiệu quả, Sở yêu cầu các trường không được phép cắt xén chương trình. Sau khi kết thúc chương trình thi học kỳ II, trên cơ sở đăng ký môn thi của học sinh, các trường sẽ biên chế lại lớp theo môn thi để ôn tập cho học sinh.
Đồng thời, yêu cầu các trường tổ chức làm việc với giáo viên bộ môn, phụ huynh và học sinh để định hướng môn thi phù hợp với học lực của các thí sinh.
Do 50% kết quả tốt nghiệp phụ thuộc vào học lực lớp 12 nên các trường đã có kế hoạch chấn chỉnh tâm lý chung của học sinh lẫn giáo viên bộ môn. Sở sẽ xử lý nghiêm những trường hợp tự ý nâng điểm học bạ.
Ông Trần Quang Ánh - Phó GĐ Sở GD&ĐT Ninh Bình: Quản lý nghiêm học bạ, cho điểm từ các nhà trường
Việc chọn môn thi giúp các em phát huy được thế mạnh, năng khiếu nên việc ôn tập sẽ nhẹ nhàng hơn. Đặc biệt với những em chọn môn thi trùng với khối thi đại học, các em sẽ có thời gian, sức khoẻ đầu tư nghiên cứu sâu hơn, vì thế kết quả thi tốt nghiệp và đại học chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Về công nhận và xếp loại tốt nghiệp năm nay, để có kết quả tốt, học sinh không thể lơ là 3 năm học tất cả các môn khác trong 3 năm học THPT. Chúng tôi đã chỉ đạo các trường THPT quản lý chặt chẽ học bạ của học sinh, tránh trường hợp cho điểm cao bất thường và sửa học bạ tùy tiện.
Bà Triệu Thị Chính - Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Giang: Báo cáo ngay những trường hợp bất thường về điểm số
Mặc dù chưa có thống kê chính thức về số lượng học sinh đăng ký môn tự chọn. Nhưng qua nắm bắt sơ bộ hầu hết học sinh của Hà Giang đăng ký môn thi thuộc khối xã hội.
Để đảm bảo khách quan, trung thực, đúng thực chất ngay từ đầu năm học Sở GD&ĐT đã tăng cường kiểm tra giám sát khâu thi học kỳ sao cho chặt chẽ hơn.
Theo đó, Sở yêu cầu các trường chỉ đạo giáo viên tổ chức cho học làm bài kiểm tra theo đúng số lượng quy định. Đồng thời kiểm tra giám sát thường xuyên liên tục việc vào sổ điểm của các giáo viên. Cập nhật điểm thường xuyên đối với các bài kiểm tra định kỳ.
Yêu cầu các trường quản lý các sổ điểm cá nhân, sổ điểm lớn theo đúng hướng dẫn. Trong trường có sai sót về điểm số phải báo cáo lãnh đạo nhà trường để có hướng xử lý kịp thời, giáo viên không được tự ý nâng điểm, hoặc hạ điểm của học sinh.
Bà Phạm Thị Hằng - GĐ Sở GD&ĐT Thanh Hóa: Quản lý chặt sổ điểm điện tử của học sinh
Qua nắm bắt sơ bộ, nhiều khả năng phần lớn học sinh tỉnh Thanh Hóa sẽ chọn các môn thi tự nhiên để dự thi tốt nghiệp THPT.
Về công nhận và xếp loại tốt nghiệp năm nay, chúng tôi đã chủ động ban chỉ đạo các trường đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh.
Theo đó, yêu cầu các trường quản lý chặt chẽ sổ điểm điện tử của học sinh. Trong trường hợp phải sửa điểm phải có chữ ký xác nhận của hiệu trưởng. Nếu phát hiện sai phạm thì tùy theo mức độ sẽ có hình thức xử lý kỷ luật.
Theo TS Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre, thăm dò bước đầu cho thấy tất cả 6 môn học được phép chọn thi đều có học sinh chọn thi.
Trong đó: Sẽ có nhiều học sinh chọn thi các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học hơn các môn Lịch sử, Địa lý và Ngoại ngữ; Học sinh các trường THPT ở vùng nông thôn sẽ ít chọn thi môn Ngoại ngữ; Trong các môn tự nhiên, thứ tự môn học được chọn là: Hóa học, Sinh học, Vật lý; Trong các môn xã hội, thứ tự môn học được chọn là: Ngoại ngữ, Địa lý, Lịch sử.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đều công phu chuẩn bị một cuốn cẩm nang phát đến từng hội đồng thi, giám thị. Năm nay, với một số điểm mới, cẩm nang sẽ được làm kỹ càng hơn, chi tiết hơn.
Trong đó có hướng dẫn chi tiết từng hội đồng thi làm những việc gì, rồi lịch thi, biểu mẫu, báo cáo... Tài liệu phân công rất cụ thể nhiệm vụ từng phòng, ban; quy định về giám thi coi thi cũng được phát đến từng tay giám thị. Các thầy cô cứ căn cứ vào đó triển khai công việc cho chính xác, khoa học.