GS Nguyễn Ngọc Trân: Không còn thời gian và lý do để trì hoãn làm cao tốc trên cầu cạn ở ĐBSCL

GD&TĐ - GS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng việc làm các cao tốc ở ĐBSCL phục vụ phát triển kinh tế, xã hội là bức thiết hơn bao giờ, song việc xây dựng phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội trên từng cung đoạn để có được các cao tốc đúng nghĩa và lâu bền.

GS Nguyễn Ngọc Trân.
GS Nguyễn Ngọc Trân.

GS Nguyễn Ngọc Trân cho biết, nhiều báo điện tử đã lược dẫn phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp ở tổ vào chiều 12/2/2025, trong khuôn khổ Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khoá XV.

Theo Báo Pháp luật TPHCM, thảo luận tại tổ về Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (TCQH), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh “phải quý trọng thời gian và trí tuệ”.

“Nêu nguyên tắc cần phải có quy trình nhanh để ra quyết định nhanh, Thủ tướng nói thời gian, trí tuệ cần được quý trọng. Nắm chắc luật pháp, quy luật tự nhiên, tiết kiệm thời gian, phát huy trí tuệ là ba vấn đề mang tính quyết định thành công”, Báo Pháp luật TPHCM dẫn.

GS Nguyễn Ngọc Trân bày tỏ rất đồng tình với Thủ tướng Phạm Minh Chính và cho rằng ý kiến trên phù hợp với Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về "đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia".

Theo Giáo sư, từ tháng 3/2023, khi biết sẽ triển khai các cao tốc ở ĐBSCL, Tây Nam sông Hậu, xây dựng trên mặt đất, ông đã viết nhiều bài báo, trả lời phỏng vấn, thuyết trình tại hội thảo khoa học về vấn đề này (1).

“Tôi đã cảnh báo nếu xây dựng cao tốc, tất cả trên mặt đất ở khu vực ĐBSCL thì có nguy cơ sẽ "sa lầy về thời gian, về kinh phí và dẫn đến các tai họa môi trường", bởi lẽ toàn cục là sạt lở ở khu vực ngày càng nghiêm trọng do tận vét cát sông Tiền, sông Hậu để san nền vẫn không đủ; cục bộ nơi cao tốc đi qua là các đồng lũ cao trình thấp, nền đất yếu, sẽ xảy ra sụt lún, cản lũ, chia cắt cảnh quan, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân” GS Nguyễn Ngọc Trân nhấn mạnh.

gs-nguyen-ngoc-tran-14.jpg
GS Nguyễn Ngọc Trân.

Giáo sư cũng cảnh báo hậu quả khó lường của việc mang yếu tố mặn vào các vùng sinh thái ngọt khi dùng cát biển để san lấp thay cát sông.

“Có giải pháp thay thế không? Từ 2 năm nay, cùng với các chuyên gia về xây dựng và giao thông, qua thực tế chúng tôi cho rằng tại các đồng lũ cao trình mặt đất thấp, nền đất yếu nơi tuyến cao tốc đi qua, thì "xây dựng cao tốc trên cầu cạn là khả thi, có nhiều ưu điểm, kể cả về kinh phí" nếu hạch toán đầy đủ các chi phí cho cả vòng đời của cao tốc”, GS Nguyễn Ngọc Trân khẳng định.

Ngày 15/6/2024, chủ trì Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu chỉ đạo “tăng tỷ lệ lựa chọn phương án sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như vùng ĐBSCL”.

“Rất tiếc cho tới nay các cao tốc vẫn nằm lỳ trên mặt đất”, GS Nguyễn Ngọc Trân nhận xét.

cao-toc-dbscl.jpg

Hãy xem xét hai cột trong ảnh trên đây, bên trái là một đoạn cao tốc Vũ Hán - Dương Tân (Hồ Bắc, Trung Quốc) xây dựng trên cầu cạn; bên phải trên là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (xây dựng trên mặt đất) đang thi công và bị “sa lầy” vì thiếu cát san nền. Bên dưới là Cao tốc CT02, đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang hoạt động và xuống cấp ngày càng nghiêm trọng vì sụt lún mặc dù được sửa chữa liên tục. “Hai thực tế trái ngược nhau”, GS Nguyễn Ngọc Trân so sánh.

Theo Giáo sư, ngày 12/2/2025, Thủ tướng đã phát biểu như trên, thì với bất cứ lý do gì việc trì hoãn xây cao tốc trên cầu cạn ở ĐBSCL, ở các đoạn băng qua các đồng lũ cao trình thấp, nền đất yếu “là không thể chấp nhận”.

Giáo sư nhấn mạnh, nếu xây dựng cao tốc trên mặt đất ở ĐBSCL, toàn cục là lãng phí thời gian, lãng phí vốn đầu tư công, lãng phí trí tuệ, sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Tại địa bàn sẽ lãng phí đất nông nghiệp, chia cắt cảnh quan, gây khó khăn cho sinh kế của người dân. Tất cả để đổi lấy “cao tốc giả - Pseudo Expressway”.

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân sinh ngày 6/1/1940, quê quán ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ Quốc gia Khoa học tại Đại học Paris năm 1970, là nghiên cứu viên tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học (CNRS), Giáo sư Đại học Poitiers (Pháp). Ông về nước tháng 9 năm 1976.

Ông giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp TPHCM (1976-1980), được công nhận Giáo sư tháng 5/1980. Ông là Chủ nhiệm Chương trình khoa học cấp Nhà nước “Điều tra cơ bản tổng hợp Đồng bằng sông Cửu Long” (1983-1990), Ủy viên (1992-2009) rồi chuyên gia cao cấp (2010-2017) của Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia, cơ quan tư vấn về khoa học và công nghệ của Thủ tướng Chính phủ.

Ông là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (1980-1992), là Trưởng Ban Việt Kiều Trung ương, sau là Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan thuộc Chính phủ (1992-1995), là Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban Quốc gia tổ chức Hội nghị cấp cao Cộng đồng Pháp ngữ tại Hà Nội (1996-1997).

GS Nguyễn Ngọc Trân là Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI (1992-2007), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội (1997-2007).

Ông cũng là nguyên Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (1977-1994).

(1): Trong "Những hòn đá nhỏ vì sự phát triển bền vững, Q.2. Đồng bằng sông Cửu Long", Nguyễn Ngọc Trân, NXB Đại học Quốc gia TPHCM, 12/2023, ISBN: 978-604-479-309-2, 4 bài, trang từ 293 đến 326.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh.

Học ngoại ngữ là một hành trình thú vị

GD&TĐ - Đây là chia sẻ của Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, cựu học sinh Trường THPT Việt Đức tại lễ kích hoạt Tháng tự học ngoại ngữ năm 2025 ngành giáo dục Hà Nội.