Các nước trên thế giới tuyển sinh THPT thế nào

GD&TĐ - Kỳ thi tuyển sinh THPT tại Trung Quốc do chính quyền các địa phương lên phương án tổ chức, còn tại Nhật Bản, kỳ thi này chia làm ba giai đoạn.

Học sinh Trung Quốc ôn luyện cho kỳ thi tuyển sinh zhongkao. Ảnh: INT.
Học sinh Trung Quốc ôn luyện cho kỳ thi tuyển sinh zhongkao. Ảnh: INT.

Tỷ lệ cạnh tranh cao

Tại Trung Quốc, kỳ thi tuyển sinh THPT, còn gọi là zhongkao, là một trong hai kỳ thi quan trọng nhất đối với học sinh, bên cạnh kỳ thi tuyển sinh đại học gaokao.

Thường tổ chức vào tháng 6 hàng năm, zhongkao là kỳ thi bắt buộc dành cho học sinh lớp 9 và cũng để đánh giá tổng kết về chương trình giáo dục bắt buộc 9 năm tại Trung Quốc. Kết quả của kỳ thi này sẽ quyết định thí sinh trúng tuyển vào trường trung học hay chuyển sang học nghề. Tỷ lệ phân luồng này từng ở mức cạnh tranh 50/50.

Khác với gaokao là kỳ thi tuyển sinh chung, kỳ thi zhongkao được giao về cho các địa phương tự lên phương án tổ chức và lựa chọn môn thi. Ba môn chính trong kỳ thi zhongkao gồm Toán, Tiếng Trung và Ngoại ngữ và đánh giá Giáo dục thể chất. Việc đánh giá có thể thể hiện qua kiểm tra thực hành Giáo dục thể chất hoặc xét điểm trung bình học tập môn Thể dục của thí sinh.

Bên cạnh thi 3 môn chính và xét điểm Giáo dục thể chất, các địa phương thường bổ sung thêm môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử hoặc Chính trị vào kỳ thi. Mỗi môn thi được chấm theo thang điểm 100.

Chế độ ưu tiên được tính thang điểm 30 và chỉ áp dụng cho một số trường hợp gồm con thương binh, học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nước ngoài.

Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết việc đưa môn Giáo dục thể chất vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 nhằm thúc đẩy học sinh tập thể dục nhiều hơn và nâng tầm quan trọng của môn Thể dục trong nhà trường. Điều này phù hợp với bối cảnh hiện nay khi tỷ lệ thanh, thiếu niên béo phì tại Trung Quốc tăng cao.

Học sinh Vương quốc Anh thi ba môn bắt buộc gồm Toán, Tiếng Anh và Khoa học. Ảnh: INT.

Học sinh Vương quốc Anh thi ba môn bắt buộc gồm Toán, Tiếng Anh và Khoa học. Ảnh: INT.

Tại Vương quốc Anh, học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh chung (Common Entrance Examination) khi đăng ký vào các trường trung học tư thục. Kỳ thi thường được tổ chức vào mùa hè hàng năm, dành cho học sinh lớp 8 tức từ 13 tuổi trở lên.

Kỳ thi do Hội đồng Khảo thí các trường phổ thông tư thục (ISEB) tổ chức. Ngoài ba môn bắt buộc gồm Toán, Tiếng Anh, Khoa học, thí sinh lựa chọn một môn từ các môn sau: Tiếng Latinh, Tiếng Hy Lạp, Tiếng Đức, Tiếng Pháp, Tiếng Quan thoại, Tiếng Tây Ban Nha, Địa lý, Lịch sử, Nghiên cứu Tôn giáo, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Hình thức thi gồm tự luận, trắc nghiệm và vấn đáp.

Kỳ thi được tổ chức trong 4 ngày. Các bài thi kéo dài từ 40 – 90 phút. Ngoài ra, một số trường tổ chức thi phỏng vấn.

Đa dạng hình thức tuyển sinh

Tại Nhật Bản, chương trình giáo dục bắt buộc kéo dài 9 năm đến hết THCS. Phần đông học sinh đều mong muốn tiếp tục học lên THPT khiến kỳ thi tuyển sinh THPT trở thành quá trình cạnh tranh cao.

Kỳ thi tuyển sinh vào THPT tại Nhật Bản chia làm ba giai đoạn gồm tuyển sinh sơ tuyển, tuyển sinh chung và tuyển sinh phụ.

Học sinh Tokyo, Nhật Bản, thi nghe môn Tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh THPT. Ảnh: INT.

Học sinh Tokyo, Nhật Bản, thi nghe môn Tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh THPT. Ảnh: INT.

Kỳ tuyển sinh sơ tuyển dành cho những thí sinh muốn giành suất học sớm. Để đăng ký kiểm tra sơ tuyển, thí sinh nộp hồ sơ gồm thư giới thiệu của giáo viên chủ nhiệm THCS, kết quả học tập, thành tích chuyên cần, hoạt động ngoại khóa... Sau khi vượt qua vòng này, thí sinh làm bài kiểm tra ba môn Toán, Tiếng Nhật và Tiếng Anh, thời gian mỗi phần thi là 45 phút. Kết thúc là phần thi vấn đáp với hội đồng tuyển sinh nhà trường.

Thông thường, mỗi trường THPT chỉ dành số ít chỉ tiêu cho kỳ kiểm tra sơ tuyển. Do đó, vượt qua kỳ thi này thường là những thí sinh có thành tích học tập lẫn ngoại khóa xuất sắc.

Sau tuyển sinh sơ tuyển là tuyển sinh chung, dành cho tất cả học sinh lớp 9 trên toàn quốc. Kỳ thi này gồm 5 môn Toán, Tiếng Nhật, Tiếng Anh, Khoa học và Nghiên cứu xã hội, thời lượng mỗi môn là 50 phút; sau đó là phần thi vấn đáp.

Tại kỳ thi chung, thường tổ chức vào tháng 2 hàng năm, mỗi thí sinh chỉ được dự thi vào một trường THPT công lập vì ngày thi trùng nhau nhưng các em có thể tham gia nhiều kỳ thi vào các trường tư thục. Đề kiểm tra do nhà trường hoặc hội đồng giáo dục địa phương thiết kế.

Cuối cùng là kỳ thi tuyển sinh phụ, dành cho những thí sinh trượt kỳ thi chung và sơ tuyển. Kỳ thi này thường gồm phỏng vấn và bài kiểm tra viết bằng tiếng Nhật. Đây là cơ hội cuối cùng để thí sinh ứng tuyển vào các trường THPT công lập. Nếu không, các em sẽ chuyển sang học trường tư hoặc trường nghề.

Bên cạnh một số nước thi tuyển sinh THPT, nhiều quốc gia không tổ chức kỳ thi này. Đơn cử, Phần Lan chỉ tổ chức duy nhất kỳ thi xét tốt nghiệp trung học. Mỹ không tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào trung học, trừ một số trường tư thục chất lượng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.

các khối thi đại học Đại học Duy Tân