Indonesia thay đổi phương thức thi đại học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từ tháng 2, học sinh THPT tại Indonesia bắt đầu đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia năm 2023.

Thí sinh Indonesia tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học.
Thí sinh Indonesia tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học.

Kỳ thi được đổi mới nhằm tránh học vẹt, học tủ và nâng cao khả năng tiếp cận đại học cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Người đứng đầu Cơ quan Tiêu chuẩn hóa Chương trình Giảng dạy và Đánh giá Giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Văn hoá Indonesia, Anindito Aditomo, cho biết, kỳ thi tuyển sinh đại học theo phương thức mới có tên SNBT và được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 5 năm nay. Kỳ thi nằm trong lộ trình giáo dục mới mang tên “Merdeka Belajar” (Tự do học thuật) được Bộ Giáo dục và Văn hóa công bố năm 2019.

SNBT sẽ thay thế kỳ thi tuyển sinh quốc gia dành cho các trường đại học bang (SNMPTN), vốn tập trung vào kiến thức học thuật và thi theo môn học. Kỳ thi mới loại bỏ cách kiểm tra này và thay bằng các bài thi lý luận, logic toán học, đọc viết bằng tiếng Indonesia và tiếng Anh.

Bà Asriyanti, đứng đầu Trung tâm Đánh giá Giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia, nhận định 4 kỹ năng lý luận, toán học, đọc viết và ngoại ngữ là nền tảng để tiếp thu kiến thức khoa học trong bất kỳ lĩnh vực nào. Do đó, kỳ thi đổi mới khuyến khích học sinh học rộng và toàn diện hơn.

Các bài kiểm tra đo lường khả năng nhận thức và lập luận của mỗi cá nhân, khả năng học hỏi những kiến thức mới.

Đáng chú ý, phương thức xét tuyển mới tạo cơ hội bình đẳng cho thí sinh vào đại học, không bị phụ thuộc vào nền tảng giáo dục và kiến thức cơ bản. Bởi lẽ, theo nghiên cứu của các học giả Indonesia, việc thi đại học theo các môn học phổ thông sẽ khiến học sinh bị thiệt thòi nếu không học đều. Hơn nữa, nó cũng là thách thức với học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến từ các khu vực kém phát triển với cơ sở vật chất giáo dục kém.

Ủng hộ phương thức thi mới, TS Ramdany, giảng viên cao cấp tại Trường Trung học Kinh tế Muhammadiyah, Jakarta, cho hay, kỳ thi mới mang lại nhiều cơ hội cho những học sinh có nguyện vọng vào đại học.

Ông Ramdany nhận xét: “Ngày nay, thông minh thôi là chưa đủ. Giáo dục bao gồm lý luận, tâm lý tốt, tính chính trực, tìm ra và theo đuổi các giá trị cá nhân. Chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau nếu theo đuổi nền giáo dục chỉ dựa trên trí thông minh. Công nghệ giờ đây có thể chuyển giao trí thông minh của con người sang robot và máy tính. Nhưng tính cách, phẩm chất của con người không thể chuyển giao cho máy móc”.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều hoan nghênh thay đổi này. Ông Sukardiman, Giám đốc Giáo dục tại Đại học Airlangga, Surabaya, cho rằng, kỳ thi đại học mới đã bỏ qua phân ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, vốn định hướng học sinh chọn ngành phù hợp với bản thân.

“Trong giáo dục đại học, tính chuyên môn hóa là rất quan trọng. SNBT đã khiến đặc điểm này trở nên mờ nhạt”, ông Sukardiman bày tỏ.

Theo UWN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

EU thừa nhận sốc về tiêu chuẩn kép

EU thừa nhận sốc về tiêu chuẩn kép

GD&TĐ - Đại diện EU đã thừa nhận về tiêu chuẩn kép của châu Âu, điển hình là trong xử lý các vấn đề liên quan đến các cuộc xung đột Nga-Ukraine và Israel-Hamas.