Singapore
Trong năm 2021, Singapore đã đăng cai tổ chức Olympic Tin học Quốc tế 2021. Giống như năm ngoái, kỳ thi năm nay tiếp tục được tổ chức theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của Covid-19. Là nước chủ nhà, Singapore đã giành được 3 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ. Ở các kỳ thi Olympic châu Á và quốc tế khác, “quốc đảo sư tử” đều xuất sắc giành được HCV, HCB.
Trong nhiều năm trở lại đây, hệ thống giáo dục Singapore, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn, luôn được đánh giá cao trên thế giới. Năm 2015, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá Singapore là hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới. Học sinh nước này đặc biệt thông thạo toán học, khoa học.
Theo các chuyên gia, nền giáo dục Singapore vượt trội ngay từ khâu đào tạo và tuyển chọn giáo viên. Chỉ những học sinh phổ thông xuất sắc nhất mới có thể đăng ký vào ngành Sư phạm, sau đó, các em phải trải qua phỏng vấn, thi tuyển. Sinh viên ngành Sư phạm được đào tạo tại Viện Giáo dục Quốc gia Singapore (NIE). Ngoài trau dồi kiến thức, sinh viên được thực tập tại trường học từ năm nhất, được thực hành đổi mới sáng tạo phương pháp giảng dạy liên tục.
Tại các cơ sở giáo dục phổ thông, học sinh thể hiện khả năng vượt trội hơn bạn bè đồng trang lứa sẽ tiếp tục tham gia các khoá học tăng tốc do những giáo viên giàu kinh nghiệm đứng lớp. Với ưu điểm tiếng Anh tốt, học sinh Singapore sớm được tiếp cận các tài liệu, nghiên cứu khoa học quốc tế.
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo mũi nhọn tại Singapore (GEP) được triển khai từ năm 1984 nhằm cải cách hệ thống giáo dục, đáp ứng nhu cầu đào tạo trẻ tài năng. Học sinh từ lớp 3 sẽ được làm bài kiểm tra sàng lọc GEP gồm 2 phần thi tiếng Anh và Toán. Học sinh trúng tuyển sẽ theo học GEP từ lớp 4-6, và các em thi tốt nghiệp tiểu học như bạn bè. Sau khi lên THCS, học sinh được phép lựa chọn tiếp tục theo học GEP hoặc học chương trình giáo dục phổ thông.
Đến nay, ước tính 1% trẻ tài năng tại Singapore theo học GEP. Ở các môn Khoa học, Toán học, học sinh được tham gia nghiên cứu hoặc thực hiện dự án khoa học. Chương trình học nâng cao, tăng tốc khi so với chương trình phổ thông.
Trung Quốc
Trong các kỳ thi Olympic châu Á và quốc tế 2021, đoàn đội tuyển Trung Quốc đã đạt nhiều thành tích ấn tượng. Đơn cử, tại kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế, cả 6 thí sinh trong đội tuyển Trung Quốc đều giành HCV trong số 107 quốc gia tham dự cuộc thi. Trong kỳ thi Olympic Tin học Quốc tế 2021, nước này giành được 4 HCV đồng thời là 4 thí sinh giành điểm cao nhất.
Giáo dục mũi nhọn nói riêng và giáo dục luôn là một trong những lĩnh vực được đầu tư trọng điểm tại Trung Quốc. Học sinh, phụ huynh xứ tỷ dân rất coi trọng điểm số và thành tích, đặc biệt ở các môn Toán học, Khoa học.
Để học sinh tích cực thử sức tại kỳ thi trong và ngoài nước, Trung Quốc đã xây dựng nhiều chính sách, chương trình khuyến khích nhân tài. Đơn cử, nếu giành huy chương trên đấu trường quốc tế, học sinh được tuyển thẳng vào các trường đại học tốp đầu, “tránh” được kỳ thi tuyển sinh đại học (gaokao) nổi tiếng khốc liệt. Học sinh tham gia đội tuyển có thể được cộng điểm ưu tiên trong kỳ thi tuyển sinh đại học.
Từ bậc tiểu học, học sinh Trung Quốc đã được phụ huynh đầu tư cho lĩnh vực Toán học, Khoa học. Tại trường và ở các trung tâm dạy thêm, học sinh được tham gia các kỳ thi thử mô phỏng các kỳ thi Olympic quốc tế để trau dồi kỹ năng lẫn tâm lý.
Trung Quốc cũng có nhiều trường chuyên biệt đào tạo học sinh có năng khiếu. Song học sinh nước này hầu như đều đầu tư rất nhiều cho học tập nên chất lượng học sinh tương đối đồng đều. Học sinh giỏi không nhất thiết phải đỗ trường chuyên, có thể học tại những trường trọng điểm địa phương vẫn có cơ hội được đào tạo nâng cao.
Hà Lan
Trong các quốc gia OECD, Hà Lan là một trong những nước đi đầu trong đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và giáo dục mũi nhọn. Ước tính, chi tiêu hàng năm cho mỗi học sinh tại các cơ sở giáo dục tại Hà Lan là gần 12.000 USD vào năm 2018, cao hơn mức trung bình của các nước OECD (10.000 USD).
Học sinh Hà Lan có thể tham gia nhiều chương trình học khác nhau tuỳ thuộc vào nhu cầu, năng lực và sở thích như VMBO (chương trình kéo dài 4 năm), HAVO (chương trình 5 năm), VWO (6 năm). Điều này giúp phân loại học sinh, phân loại chương trình đào tạo phù hợp. Học sinh thích nghiên cứu có thể học chương trình chuyên biệt, từ đó đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng thiên về học thuật. Những học sinh thi Olympic Quốc tế thường tập trung ở nhóm này. Giáo viên, nhà trường có thể tập trung đầu tư, trang bị cho các em.
Ngoài ra, giáo dục tại Hà Lan là miễn phí đến năm 16 tuổi. Học sinh đến từ mọi hoàn cảnh có khả năng tiếp cận giáo dục công bằng, bình đẳng. Điều này giúp học sinh có cơ hội phát huy khả năng, thế mạnh như nhau.