Các nước ASEAN đồng lòng ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo Phó Tổng Thư ký ASEAN Vongthep Arthakaivalvatee, Đông Nam Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất do các tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng cao, lũ lụt và hạn hán.

Các nước ASEAN đồng lòng ứng phó với biến đổi khí hậu
Phó Tổng Thư ký ASEAN Vongthep Arthakaivalvatee. (Ảnh: Trần Hiệp/Vietnam+)

Thế giới đang phải đối mặt với những nguy cơ lớn do biến đổi khí hậu và sự nóng lên của trái đất được xác định là xuất phát từ chính con người.

Với vị trí địa lý và các điều kiện tự nhiên đặc thù, Đông Nam Á trở thành khu vực dễ bị tổn thương bởi những tác động của biến đổi khí hậu.

Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) đang diễn ra tại Paris là cơ hội để các quốc gia có thể cùng nhau đạt được những thỏa thuận nhằm “cứu” ​Trái ​Đất.

Nhân dịp này, Phó Tổng Thư ký ASEAN Vongthep Arthakaivalvatee đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Jakarta. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:


- Ông đánh giá như thế nào về những nguy cơ của biến đổi khí hậu đối với các nước Đông Nam Á?


Phó Tổng Thư ký ASEAN Vongthep Arthakaivalvatee:
Biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu đã được xác định trong thế kỷ 21. Ủy ban Quốc tế về biến đổi khí hậu (IPCC) trong Báo cáo đánh giá lần thứ 5 (AR5) cho biết rằng lượng khí thải nhà kính do các hoạt động của con người hiện nay cao hơn bao giờ hết là nguyên nhân chính của sự biến đổi khí hậu.

Điều đó làm thay đổi để hệ thống tự nhiên và gây những tác động lớn trở lại đến con người. Đây không còn là một vấn đề của riêng quốc gia nào bởi lẽ khí hậu là không giới hạn bởi địa giới lục địa hay đại dương.

Đông Nam Á là một khu vực có đường bờ biển dài, mật độ dân số cao và có nhiều hoạt động kinh tế trong các khu vực ven biển, và phụ thuộc nặng nề vào nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp và các điều kiện tài nguyên tự nhiên.

Vị trí địa lý này đã khiến Đông Nam Á trở thành một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất do các tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng cao, lũ lụt và hạn hán.

Mối nguy hiểm về khí hậu như nhiệt độ tăng, lượng mưa thất thường và các sự kiện khí hậu cực đoan như bão lớn và hạn hán nghiêm trọng đã tác động mạnh đến hệ sinh thái, sức khỏe và sinh kế của người dân cũng như trên nhiều khía cạnh khác của xã hội loài người.

ASEAN đặc biệt quan tâm rằng sự thay đổi khí hậu đã gây ra tổn thất lớn và thiệt hại trên toàn khu vực. Chúng ta chưa thể quên những thảm họa thiên tai mà các nước thành viên ASEAN từng phải hứng chịu trong suốt thập kỷ qua như trận động đất lịch sử năm 2004 ở Ấn Độ Dương, cơn bão Nargis năm 2008, lũ lụt ở Thái Lan năm 2011, bão Washi ở Philippines, Siêu bão Haiyan năm 2013…

Với sự gia tăng tần suất và cường độ, các thảm họa đã tàn phá nặng nề, gây thiệt hại lớn về con người và kinh tế của cộng đồng. ASEAN đang phấn đấu để xây dựng năng lực khu vực theo hướng đẩy mạnh cam kết chính trị cao nhất nhằm tạo cơ sở cho một cộng đồng ASEAN phát triển bền vững.


- Vậy theo ông, các nước trong khu vực cần làm những gì để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thích nghi với nó?

Phó Tổng Thư ký ASEAN Vongthep Arthakaivalvatee: Biến đổi khí hậu chỉ có thể được giải quyết thông qua hợp tác và những nỗ lực của các ngành các cấp, từ cấp địa phương đến cấp quốc gia, cũng như giữa các quốc gia và khu vực. Tất cả các bên liên quan phải chung tay trong nỗ lực giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính từ hoạt động con người dẫn đến sự thay đổi khí hậu.

Cũng như các nước khác trong cộng đồng toàn cầu, các nước thành viên ASEAN đang buộc phải tìm các giải pháp hiệu quả để thích ứng với tác động biến đổi khí hậu.

Hiện tại, phần lớn các nước thành viên đã thiết lập kế hoạch thích ứng Quốc gia (NAP) dựa trên các nghiên cứu tại mỗi nước. Những kế hoạch này là các tài liệu tham khảo và là cơ sở cho kế hoạch hành động nhằm gắn kết các quốc gia và địa phương trong giải quyết biến đổi khí hậu.

Tất cả 10 nước thành viên đã công bố mục tiêu giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường và bày tỏ mong muốn hoặc đã cam kết giảm lượng khí thải trong khả năng tích cực nhất.


- Ông có thể cho biết những đóng góp của ASEAN vào hợp tác biến đổi khí hậu nói chung và những đóng góp tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) nói riêng?

Phó Tổng Thư ký ASEAN Vongthep Arthakaivalvatee: Ở cấp hoạch định chính sách, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã ra Tuyên bố liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu vào các năm 2007, 2009, 2010 và 2014 Hội nghị Cấp cao.

Các báo cáo này đã chứng tỏ mối quan tâm lớn của ASEAN về các vấn đề về biến đổi khí hậu và thể hiện rõ ASEAN đồng lòng hướng tới quá trình đàm phán diễn ra tại COP.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 vào tháng 11 vừa qua tại Kuala Lumpur, Malaysia ASEAN đã thông qua "Tuyên bố ASEAN Post-2015 về tính bền vững của môi trường và khí hậu” nhằm chứng tỏ nỗ lực của các nước trong khu vực đối phó với thách thức chung phi truyền thống. Những cam kết đã đạt được sẽ tạo nền tảng cho việc thực hiện các thỏa thuận đó dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2020.

Các nước đã nhất trí tăng cường hơn nữa các nỗ lực phát triển bền vững trong khu vực ASEAN giai đoạn trước năm 2020; hỗ trợ cho các nước đang phát triển và kém phát triển nhất để theo đuổi cơ hội phát triển bền vững, trong đó có các cam kết mạnh mẽ xuyên biên giới đồng lợi ích ở các lĩnh vực thực phẩm, nước và an ninh năng lượng.

Chúng ta cũng kêu gọi các nước phát triển tăng cường cung cấp các phương tiện thực hiện xây dựng năng lực, hỗ trợ kỹ thuật, phát triển và chuyển giao công nghệ, tài chính, trong giai đoạn sau năm 2020 đồng thời cung cấp ít nhất 100 tỷ USD mỗi năm và mở rộng quy mô hỗ trợ tài chính sau năm cho các nước đang phát triển.

ASEAN cũng cam kết thúc đẩy tầm nhìn ASEAN trong Hội nghị khí hậu Paris và đã tổ chức hai sự kiện bên lề tại COP 21: Diễn đàn “Hướng tới giảm thiểu khí carbon để kiểm soát khí hậu hướng tới Cộng đồng ASEAN sau năm 2015,” trong đó chú trọng vào giải pháp bền vững cho việc sử dụng đất than bùn và chống khói mù.

Các cuộc thảo luận sẽ tập trung đặc biệt vào các chính sách và hành động của các nước thành viên ASEAN trong việc duy trì chất lượng của các hệ sinh thái đất than bùn và thực hiện tầm nhìn của một ASEAN không khói mù.

Hội thảo "Hợp tác ASEAN về biến đổi khí hậu và tầm nhìn sau năm 2015" tổ chức vào ngày 5/12 do Việt Nam phối hợp với ASEAN tổ chức nhằm thảo luận về các chiến lược của ASEAN trong khu vực, kế hoạch hành động, và mục tiêu thực hiện hướng tới khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của các nước trong khu vực.


- Trân trọng cảm ơn ông.

Theo Vietnam+

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.