5G - Cuộc cách mạng đi kèm rủi ro

GD&TĐ -  Cuộc xung đột ngoại giao gần đây xoay quanh Công ty viễn thông Huawei của Trung Quốc – một trong những công ty hàng đầu trong việc phát triển thiết bị cho mạng di động thế hệ thứ 5 đã cho thấy công nghệ hứa hẹn biến “Internet vạn vật” và xe tự lái thành khả dĩ nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro đi kèm.  

5G được quảng cáo là có thể kích hoạt xe tự lái và Internet vạn vật, nhưng sự phụ thuộc lớn hơn vào công nghệ mới này cũng gây ra không ít rủi ro
5G được quảng cáo là có thể kích hoạt xe tự lái và Internet vạn vật, nhưng sự phụ thuộc lớn hơn vào công nghệ mới này cũng gây ra không ít rủi ro

5G là gì, nó sẽ làm được gì và đâu là rủi ro mà nó mang lại? Thực chất, 5G là viết tắt cho thế hệ thứ 5 của công nghệ mạng di động và sẽ bắt đầu được tung ra vào năm 2020 tại châu Á và Hoa Kỳ. Mỗi thế hệ nối tiếp đem lại những cải tiến về tốc độ và dung lượng truyền tải. Với 5G, các mạng lưới sẽ được thiết lập để thực hiện chuyển đổi từ điện thoại sang các đối tượng khác.

Nó sẽ làm được gì? Trả lời cho câu hỏi này chính là “Internet vạn vật”, thứ được ca ngợi thái quá và đến nay vẫn bị vướng vào những hạn chế của mạng di động, cả về tốc độ truyền của thiết bị cầm tay lẫn mạng đường trục vẫn chưa được mở đủ rộng để có thể xử lý những khối dữ liệu khổng lồ.

Với 5G, tốc độ truyền sẽ tăng lên đủ nhanh để xe tự lái hoạt động được ngoài đường và các bác sĩ tiến hành phẫu thuật từ xa một cách an toàn. Khả năng kết nối nhiều cảm biến hơn giúp mọi dịch vụ trở nên “thông minh”, chẳng hạn như giúp quản lý lưu lượng giao thông và báo cho bộ phận vệ sinh khi nào thùng rác cần được làm sạch. Ngành công nghiệp đặc biệt mong đợi 5G sẽ đưa ra “tư duy” sản xuất mới và cho phép nó giám sát tất cả mọi loại quy trình.

Tuy nhiên, 5G sẽ đem lại rủi ro bảo mật. Lý do đầu tiên: Nhiều dữ liệu và loại dữ liệu hơn sẽ được truyền qua các mạng 5G. Nhiều dữ liệu được chuyển bởi các cảm biến có thể có tính nhạy cảm, chẳng hạn như thông tin về các quy trình sản xuất mà các đối thủ kinh doanh muốn nắm bắt được. Hay dữ liệu nơi ở bị lượm lặt để xác định mọi thông tin về đời sống cá nhân… Đơn giản là kho dữ liệu mà hacker có thể xâm phạm lớn hơn nhiều.

Lý do thứ hai: Sự gia tăng phụ thuộc vào mạng di động sẽ đem lại rủi ro lớn khi có sự gián đoạn. Điều này dẫn đến hậu quả vô cùng lớn, cả về an toàn lẫn hoạt động kinh tế. Một thất bại trong điều dẫn hoạt động từ xa có thể mang tới cái chết cho bệnh nhân đang phẫu thuật hay xe tự lái gây tai nạn… hoặc mất điện có thể phá vỡ một nền kinh tế và đặt an ninh quốc gia vào tầm rủi ro.

Trong khi cuộc tranh cãi ngoại giao về việc bắt giữ Giám đốc Tài chính của Huawei dựa trên các cáo buộc rằng công ty đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, Hoa Kỳ từ lâu đã lo ngại rằng thiết bị viễn thông của Trung Quốc là “con ngựa thành Troia” cho tình báo và quân đội Trung Quốc.

Huawei là nhà sản xuất lớn về thiết bị sử dụng để xây dựng mạng 5G và lực lượng quốc phòng Mỹ lo ngại chúng có thể kích hoạt để phá vỡ liên lạc quân sự của Mỹ hay tiến hành chiến tranh phi đối xứng trong trường hợp đối đầu.

Mỹ về cơ bản đã cấm việc sử dụng thiết bị của Huawei trong các mạng nội địa giống như Australia và New Zealand đã làm và nhiều quốc gia khác đang xem xét thực hiện theo.

Đứng về mặt công nghệ thì những hứa hẹn luôn được thổi phồng, nhưng ra mắt trong thực tại thường đem tới sự thất vọng. Người mua điện thoại thông minh 4G đầu tiên thường bị thất vọng bởi thiết bị cầm tay của họ có thể xử lý tốc độ cao, nhưng mạng đường trục vẫn chưa đủ mạnh để xử lý lưu lượng dữ liệu ở mức cao hơn.

Theo Dantri

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ