Khi tái chế một chai nhựa, chúng sẽ dần bị phân hủy, thoái hóa cho tới khi không thể tái chế được nữa. Cuối cùng chúng được nghiền thành sợi hoặc các dạng nhựa chất lượng thấp khác.
Quần áo, thảm và một số loại vật liệu khác sử dụng chất liệu chủ yếu từ nguồn nhựa chất lượng thấp. Chúng thường là các sản phẩm cuối cùng trước khi được mang tới bãi rác và kết thúc chu kỳ tái chế.
Một trong những vấn đề lớn của nhựa là chu kỳ tái chế không lâu. Điều này dẫn tới việc người ta vẫn phải mang nhựa ra các bãi chôn hoặc đốt rác khi không thể tái chế thêm được nữa. Nhưng các nhà khoa học tại Đại học Colorado cuối cùng đã tìm ra được giải pháp cho vấn đề này.
Theo trang Earth, nhóm nghiên cứu do giáo sư hóa học Eugene Chen, Jian-Bo Zhu dẫn đầu đã tìm ra phương pháp tái chế nhựa bằng chất xúc tác hóa học. Họ sử dụng hai chất xúc tác có thể phân hủy polyme thành các hợp chất có khối lượng phân tử thấp hay đơn phân (monome) ban đầu.
Sau đó, họ có thể tiếp tục tái chế lại nhựa với chất lượng như cũ bằng quá trình trùng hợp (polymerization) thân thiện với môi trường. Monome sẽ tiếp tục được tinh chế và tái sử dụng nhiều lần nếu áp dụng phương pháp này. Hiệu quả chuyển đổi hiện đạt khoảng 85%.
Chia sẻ trong thông cáo báo chí, Chen nói: "Về nguyên lý, các hợp chất cao phân tử có thể được tái chế bằng chất hóa học và tái sử dụng vô hạn". Đặc biệt hơn, loại nhựa tái chế vô hạn này vẫn giữ được các đặc tính như dẻo, bền ban đầu.
Trước các nhà khoa học Mỹ, các nhà khoa học đến từ Đại học Portsmouth đã bất ngờ khám ra một cấu trúc enzym mới trong tự nhiên có khả năng "ăn nhựa" bằng cách phá hủy cấu trúc nhựa PET, một trong những loại nhựa được sử dụng phổ biến của ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống.
Khi cấu trúc nhựa bị phá vỡ, nhựa sẽ nhanh chóng bị phân hủy và phần nào hạn chế được chất thải nhựa.
Ước tính có khoảng 500 triệu tấn nhựa sẽ được sản xuất trước năm 2050 và nếu nghiên cứu trên sớm được ứng dụng trong thực tế, con người có thể giảm thiểu được một lượng lớn chất thải nhựa ra môi trường.
Loại nhựa con người đang sử dụng chủ yếu hiện là nhựa dùng một lần và chúng có thể tồn tại tới hàng thế kỷ và là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm đất, nước và đại dương.
Nghiên cứu mới đây đã được công bố trên tạp chí Science.