Trong bối cảnh khó khăn do tác động bởi dịch Covid-19, các khoản thu này cũng khiến nhiều gia đình chật vật.
Nhiều khoản “đổ đầu” phụ huynh
Mới đây, Báo Giáo dục &Thời đại nhận được phản ánh của một phụ huynh ở TP Hải Phòng về việc phải nộp nhiều khoản tiền cho con trong đầu năm học. Phụ huynh này giãi bày: “Dịch bệnh khiến gia đình gặp nhiều khó khăn, nhưng nhà trường không thông cảm mà còn thu những khoản vô lý”.
Theo viện dẫn của phụ huynh, nhà trường thông báo các khoản thu như: Tiền quỹ cha mẹ đóng về nhà trường: 250 nghìn/học sinh/1 kỳ; quỹ thanh niên: 150 nghìn/học sinh; tiền 20 năm thành lập trường: 150 nghìn/học sinh; quỹ lớp: 500 nghìn/học sinh/1 kỳ; nước uống, vệ sinh: 100 nghìn/học sinh/1 tháng; tiền gửi xe: 50 nghìn/học sinh/tháng. Phụ huynh này cho biết, nhiều phụ huynh bức xúc về những khoản đóng góp trên.
Theo thông báo của Trường ĐH FPT, những thí sinh đã đóng 4,6 triệu đồng tiền “giữ chỗ” trước đây, sẽ được chuyển thành phí nhập học. Phí nhập học không được hoàn trả nếu thí sinh đủ điều kiện nhập học theo quy chế tuyển sinh nhưng không nhập học, hoặc thôi học sau khi đã nhập học.
Sinh viên thôi học trước ngày đầu tiên (là ngày học hoặc tập trung đầu tiên, lịch cụ thể được ghi trong thông báo gửi tới sinh viên) của khóa học hoặc học kỳ sẽ được trả lại 80% phần học phí thực nộp. Sinh viên thôi học trong vòng 2 tuần kể từ ngày đầu tiên của khóa học hoặc học kỳ sẽ được hoàn trả 50% học phí thực nộp. Sinh viên thôi học sau 2 tuần kể từ ngày đầu tiên sẽ không được hoàn trả học phí đã đóng.
Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông báo thu 750.000 đồng kinh phí làm thủ tục nhập học. Kinh phí này bao gồm: Khám sức khỏe, đăng ký tạm trú, thẻ sinh viên, tài liệu học tập tuần lễ công dân đầu năm học, kiểm tra trình độ tiếng Anh đầu vào… nhưng chưa tính tiền đồng phục và ký túc xá. Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương thu phí nhập học từ 700.000 - 900.000 đồng/sinh viên.
Thực tế cho thấy, mỗi trường có khoản thu khác nhau. Ngoài những khoản nêu trên, có trường còn thu phí làm thẻ sinh viên; tiền tài liệu học tập, đi thực tế tuần sinh hoạt công dân, phiếu khảo sát, sổ ngoại trú - nội trú, sổ tay sinh viên toàn khóa học... Tuỳ từng trường, số tiền sinh viên phải đóng từ vài trăm nghìn cho đến trên dưới một triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, phường Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Nhà có 3 con, cháu lớn năm nay vào đại học, cháu thứ hai học lớp 11 và cháu thứ ba học lớp 7. Gia đình phải chuẩn bị gần 10 triệu để đóng các loại khoản tiền đầu năm học cho các con. Trong khi dịch bệnh khiến chị phải nghỉ việc không lương mấy tháng nay, mọi chi tiêu của gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập 8 triệu đồng/tháng của chồng.
“Tôi chỉ mong, trường học đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng phụ huynh. Chỉ thu những khoản bắt buộc và thực sự cần thiết. Những khoản nào cắt giảm được nên bỏ qua, để giảm gánh nặng về tài chính cho gia đình. Ngoài ra, các trường nên thu thành nhiều đợt trong năm, tránh tập trung thu vào đầu năm học hoặc đầu học kỳ II” – chị Xuân bày tỏ.
Không nên “vẽ” thêm bất kỳ khoản thu nào
Bà Tăng Thị Ngọc Mai – đại biểu Quốc hội khoá XIV, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh cho rằng: Cần tính đến trách nhiệm giải trình của nhà trường trước người học về các khoản thu, nhằm bảo đảm công khai, minh bạch và hài hoà lợi ích giữa các bên. Đồng thời, nên có quy định trường ngoài công lập thu chi như thế nào; đặc biệt là phải có lộ trình rõ ràng về việc tăng học phí.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Trà Vinh đồng thời nhấn mạnh: Thời điểm này, các trường nên thực hiện theo chủ trương của Chính phủ và Bộ GD&ĐT, không tăng học phí và các khoản phí. Mặt khác, không nên thu cùng 1 lúc nhiều khoản phí nhằm chia sẻ với phụ huynh và người học, giúp họ giảm gánh nặng về tài chính.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng - Công ty Luật TNHH Kim Phụng và Cộng sự, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), ở thời điểm hiện nay, nếu các cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện đúng các quy định hiện hành về trách nhiệm giải trình; phụ huynh, người học nắm được các quy định để tìm hiểu và lựa chọn các cơ sở đào tạo thực hiện nghiêm túc, để yêu cầu được biết, được cung cấp vào thời điểm cần thiết… sẽ không có xung đột hoặc khiếu kiện.
“Tôi tin đến một ngày không xa, sau thời gian hiểu và thực hiện tự chủ đúng nghĩa, khi “khách hàng” có nhiều cơ hội lựa chọn và ngày càng trở thành người tiêu dùng thông thái, lãnh đạo của nhiều trường không chỉ thực hiện trách nhiệm theo quy định, mà còn coi việc giải trình trở thành nhu cầu mang thông tin đến với người học và xã hội; qua đó để họ hiểu, lựa chọn và đồng hành cùng nhà trường” - Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng nói.
TS Văn Đình Ưng – Trưởng ban Truyền thông và Công tác sinh viên (Hiệp Hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) nêu quan điểm: Trong giai đoạn khó khăn bởi đại dịch Covid – 19, các trường (từ phổ thông cho đến đại học, cao đẳng) không nên “vẽ” thêm bất kỳ khoản thu nào đối với người học. Thực tế, có nhiều khoản thu là do các trường tự đề ra, không nằm trong quy định của Nhà nước.
Trong khi cả nước kêu gọi phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” việc các trường giảm hoặc không tăng học phí và cắt giảm các khoản thu không cần thiết đối với người học, chính là việc làm thiết thực, thể hiện tinh trần, trách nhiệm vì cộng đồng xã hội.