Các giải pháp xử lý và sử dụng quỹ Bảo hiểm xã hội hợp lý trong thời kỳ dịch Covid-19

GD&TĐ - Bộ trưởng LĐ-TB&XH đã trình bày báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, trong đó có thực hiện và giải quyết những kiến nghị của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trình bày báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020. Ảnh: Quang Khánh.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trình bày báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020. Ảnh: Quang Khánh.

Trong khuôn khổ kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết đã thực hiện các giải pháp xử lý và sử dụng quỹ BHXH hợp lý trong thời kỳ dịch Covid-19.

Tính đến hết tháng 12/2020 thì số đơn vị được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là 755 đơn vị. Số người lao động tạm dừng đóng là 97.626 người, số tiền tạm dừng đóng là hơn 471,8 tỷ đồng.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá việc tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm.

Bên cạnh đó là giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH. Trong đó đề ra chỉ tiêu số người tham gia BHXH bằng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành mức hỗ trợ phù hợp hơn để thúc đẩy người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện để làm cơ sở hoàn thiệnchính sách BHXH tự nguyện trong quá trình xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đánh giá toàn diện và đề xuất cơ chế tài chính và chi phí quản lý BHXH, BHTN báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp có liên quan nghiêm túc nghiên cứu, thực hiện các đề xuất, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Kiểm toán nhà nước.

Trong năm 2020, Kho bạc Nhà nước đã phát hành 9.090 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Số tiền lãi phải trả 2.239,77 tỷ đồng được bố trí trong dự toán năm 2020 được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 87/2019/QH14 ngày 14/11/2019, Bộ Tài chính đã chuyển trả Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong tháng 1 năm 2020. Như vậy, NSNN đã phát hành đủ 22.090 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Cũng trong báo cáo, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trình bày về thủ tục tham gia BHXH, BHTN.

Theo đó, để cải cách, giảm thiểu biểu mẫu hồ sơ, thời gian thực hiện các thủ tục tham gia BHXH, BHTN, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia BHXH, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.

Hiện nay chỉ còn 3 thủ tục hành chính về chi trả và 15 thủ tục hành chính giải quyết hưởng các chế độ BHXH. Đồng thời ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 giúp người sử dụng lao động và người lao động dễ dàng thực hiện.Thời gian thực hiện của cơ quan BHXH trong việc giải quyết hưởng các chế độ BHXH được rút ngắn so với quy định.

Về kết quả việc hiện đại hóa quản lý BHXH theo quy định tại Điều 9 Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Cơ quan BHXH tiếp tục cập nhật mã số BHXH và đồng bộ thông tin định danh người tham gia; quản lý dữ liệu thu nộp BHXH, quá trình hưởng và quá trình tham gia; tiếp tục đơn giản thủ tục hồ sơ, mẫu biểu, các chỉ tiêu cần kê khai...”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ