Trường học ký cam kết không tàng trữ pháo
Sáng 4/1, Thượng tá Ngô Văn Phục - Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang - cho biết, đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Kiểm tra phát hiện những phương tiện vận chuyển trái phép chất nổ, chất cháy, pháo nổ, hàng cấm, hàng lậu…
Đồng thời, tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát trên tuyến Quốc lộ 1A, đảm bảo 24/24 giờ và tăng cường kiểm tra vào những khung giờ cao điểm đối với những phương tiện, đối tượng có dấu hiệu nghi vấn để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm theo quy định.
Thượng tá Trần Quyết Thắng - Trưởng Công an huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) - cho biết, đã tổ chức ký cam kết đến người dân, 100% các trường học không tàng trữ, sản xuất, mua bán trái phép pháo. Nắm tình hình, theo dõi các đối tượng đã từng bị xử lý hành chính, đã chấp hành án liên quan đến pháo. Tại các thôn, xã, lực lượng đã tổ chức, hướng dẫn các khu vực tuyên truyền và yêu cầu cam kết không tàng trữ, mua bán, sản xuất pháo.
Đề xuất với VKS, TAND đưa các vụ việc có liên quan ra xét xử theo thủ tục rút gọn trước Tết Nguyên đán để răn đe, tuyên truyền. Dịp Tết Nguyên đán năm 2020, đơn vị đã xử lý hình sự 3 vụ, năm nay cũng đang xử lý và thu, bắt một số đối tượng.
Xử lý nghiêm hành vi vi phạm về pháo nổ
Trung tá Trang Công Đông - Trạm trưởng Trạm CSGT Quảng Xương (Công an tỉnh Thanh Hóa) - thông tin, dịp Tết Nguyên đán là cao điểm thực hiện theo kế hoạch trấn áp tội phạm theo chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa. Trong dịp này, đơn vị huy động tối đa lực lượng để tuần tra, xử lý các đối tượng buôn bán hàng lậu, pháo nổ.
“Hiện tại, đơn vị đã tiến hành cài, cắm các cơ sở bí mật để phát hiện các đối tượng mua bán, vận chuyển hàng hóa trái phép. Mới đây, đơn vị đã phát hiện, xử lý được 3 vụ buôn bán, vận chuyển rượu lậu…”, Trung tá Đông nhấn mạnh.
Trạm trưởng Trạm CSGT Quảng Xương cũng khuyến cáo người dân không được sử dụng, tàng trữ các chất cháy nổ, pháo nổ. Đồng thời, nên chấp hành quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Trung tá Đông cũng thông tin dịp Tết Nguyên đán năm 2021, đơn vị đã xử lý được nhiều trường hợp có hành vi liên quan đến sản xuất, mua bán và vận chuyển pháo nổ trái phép.
Tại Thủ đô Hà Nội, Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết, Công an thành phố đã triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo vệ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 từ 15/12/2021. Về cơ bản, các loại tội phạm đã được kéo giảm với sự chủ động ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả của công an thành phố.
“Trong dịp Tết Nguyên đán, sẽ có một số loại tội phạm kinh tế nổi lên như: Buôn lậu, làm hàng giả, buôn bán hàng cấm, chủ yếu là pháo nổ trái phép... công an thành phố đã có kế hoạch cụ thể để phòng ngừa ngăn chặn hiệu quả…”, Thiếu tướng Hải nhấn mạnh.
Cụ thể hóa kế hoạch tấn công mạnh ngăn chặn tội phạm về pháo, ngay từ những giây phút đầu tiên mở cao điểm, công an các quận, huyện, thị xã đã ra quân ngăn chặn các hành vi buôn bán pháo nổ với quy mô lớn.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông, cho biết thêm, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Văn An (sinh năm 2005, ở thôn Hạ, xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) về hành vi mua bán hàng cấm là pháo nổ.
“Qua điều tra về một đường dây buôn bán pháo nổ trên mạng
Internet do Bùi Văn An cầm đầu. Cụ thể, khoảng 16 giờ 30 phút ngày 19/12/2021, Công an quận Hà Đông đã bắt quả tang 1 lái xe Grap được An thuê vận chuyển pháo trên địa bàn phường Đồng Mai, thu giữ tại chỗ 5 khối pháo hoa nổ ngụy trang trong thùng carton để quần áo đã qua sử dụng. Căn cứ vào các tài liệu điều tra, đã làm rõ An thường xuyên đi lại sang tỉnh bạn để trực tiếp mua bán pháo về kiếm lời…”, Đại tá Quyền cho biết.
Đặc biệt, tình trạng vận chuyển, buôn bán pháo nổ cuối năm khá phức tạp, khi tội phạm lợi dụng địa hình sông nước để hoạt động.
Qua trinh sát phát hiện một nhóm đối tượng có biểu hiện nghi vấn buôn bán pháo nổ bằng thủ đoạn mới, đó là đối tượng không mua bán pháo nổ bằng đường bộ mà lợi dụng các tàu vận chuyển cát, sỏi trên sông Hồng để tập kết, mua bán pháo nổ ở giữa sông Hồng.
Nếu lực lượng chức năng phát hiện thì ném pháo xuống sông để tẩu tán tang vật, nhanh chóng trốn thoát… Phòng CSGT đã chủ động phối hợp cùng các lực lượng phá án.
Thiếu tá Hà Trọng Hoan, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy số 1, Phòng CSGT, cho biết, ngày 24/12 vừa qua, cùng với Công an quận Bắc Từ Liêm tiến hành kiểm tra tàu thủy số đăng ký VP1240 đang dừng đỗ trên sông Hồng thuộc địa phận phường Thượng Cát phát hiện hành vi buôn bán pháo nổ. Qua đó, thu giữ trên tàu 8 hộp pháo giàn loại 49 ống/hộp, hơn 1 kg pháo bi với tổng trọng lượng khoảng gần 15 kg pháo nổ.
Vì Thủ đô không… tiếng pháo
Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội), cho biết, các đơn vị của Công an quận đang tập trung tuyên truyền cho nhân dân nắm vững và thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, tập trung các đơn vị kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, nhấn mạnh vào các hành vi buôn bán, vận chuyển pháo nổ, bảo vệ bình yên cho nhân dân.
“Hoàn Kiếm đã tổ chức công an 18 phường trên địa bàn ký cam kết bảo đảm không để xảy ra pháo nổ trong Tết Nguyên đán…”, Đại tá Hùng nói.
Ông Đỗ Quang Huy, Trưởng phòng Quản lý đô thị (UBND huyện Thanh Oai, Hà Nội) – nơi từng là “thủ phủ” của pháo, cho biết, từ năm 1994 đến nay, sau khi ngừng sản xuất pháo chính quyền đã định hướng nhân dân phát triển thêm nhiều nhiều ngành nghề để phát triển kinh tế.
“Với thế mạnh của địa phương Thanh Oai đặc biệt xã Bình Minh như giao thông thuận lợi, có tuyến Quốc lộ 21B, Tỉnh lộ 427 chạy qua. Tận dụng lợi thế này, nhiều hộ gia đình đã chuyển sang kinh doanh dịch vụ thương mại như thêu ren, cung cấp thực phẩm. Sản xuất pháo nổ đã trở thành quá khứ…”, ông Huy nhấn mạnh.