Các địa phương phía Nam phải kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Y tế - GS.TS Nguyễn Thanh Long thông tin, Bộ Y tế đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 vào các khu công nghiệp (KCN) ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam là rất lớn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

TP. Hồ Chí Minh có nhiều nguồn lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng khó truy vết

Báo cáo tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 chiều 25/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế cùng các bộ ngành tập trung triển khai các biện pháp mạnh để chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương, Đà Nẵng… Với các địa phương khác như Bắc Ninh và Bắc Giang, tình hình dịch đã được kiểm soát tốt. 

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, đến ngày 25/6, TP.HCM đã ghi nhận 2.291 ca mắc Covid-19, tăng 402 ca so với tuần trước. Các ca mắc liên quan đến 20 chuỗi lây nhiễm, trong đó, chuỗi lây nhiễm lớn nhất liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng đã lây lan dịch ra nhiều quận, huyện và các địa phương lân cận. Hiện TP.HCM đã có nhiều nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng, với dự báo tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc trong thời gian tới.

Riêng với tình hình dịch tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đánh giá cần phải đặc biệt quan tâm. Những cảnh báo ban đầu của Ban Chỉ đạo và Cơ quan thường trực đặc biệt của Bộ Y tế về dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh đã gần như xảy ra đúng như vậy.

Theo đó, dịch đã xuất hiện trong các cơ sở y tế, bệnh viện; sau đó là các cơ sở tôn giáo; và thứ 3 là dịch xuất hiện ở các trung tâm thương mại, các khu vực tập trung đông người. Thứ 4, là những đối tượng cơ nhỡ, lang thang cũng đã lây nhiễm bệnh dịch.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhận định, hiện TP. Hồ Chí Minh có nhiều nguồn lây trong cộng đồng khó truy vết.

Bộ trưởng Y tế đánh giá về tình hình dịch bệnh Covid-19 phía Nam

Đánh giá về diễn biến dịch Covid-19 tại khu vực phía Nam hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin trên báo chí, có thể nói rằng thời gian qua tình hình dịch tại phía Nam, đặc biệt tại các địa phương như TP.HCM, Bình Dương và một số tỉnh khác khiến Bộ Y tế rất lo ngại.

Bộ trưởng Bộ Y tế- GS.TS Nguyễn Thanh Long. Ảnh:Trần Minh

Bộ trưởng Bộ Y tế- GS.TS Nguyễn Thanh Long. Ảnh:Trần Minh

Đối với TP. Hồ Chí Minh, theo đánh giá chung có thể tiếp tục xuất hiện những ca lây nhiễm tại cộng đồng nhưng không phát hiện được nguồn lây vì dịch đã đi qua một số chu kỳ lây nhiễm nên việc việc tìm ra nguồn lây rất khó khăn. 

Theo Bộ trưởng đánh giá, nguy cơ lây nhiễm vào các khu công nghiệp rất lớn như TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là Bình Dương có mật độ công nhân lao động lớn, trong khi đó điều kiện làm việc, ăn ở, sinh hoạt tại nơi lưu trú rất chật hẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lây nhiễm Covid-19 tại khu vực này.

Vì vậy, Bộ Y tế đã đặt trọng tâm trong phòng chống dịch tại khu vực này, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh lân cận có khu công nghiệp là phải tăng cường tất cả các biện pháp phòng, chống dịch tại khu công nghiệp.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thông tin thêm, Bộ Y tế đánh giá nguy cơ lây nhiễm vào khu công nghiệp ở khu vực này rất lớn bởi vì bản thân các khu công nghiệp đã có ca nhiễm.

Vấn đề tiếp theo là lây nhiễm tại khu vực ăn uống, lưu trú của công nhân… dẫn đến có nhiều hình thái lây nhiễm như giữa các công ty với nhau, lây nhiễm trong công ty.

Do đó, ưu tiên của các địa phương phía Nam là phải kiểm soát tốt tình hình dịch tại các khu công nghiệp.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã ban hành những hướng dẫn chi tiết về phòng chống lây nhiễm tại khu vực này, như khi chưa có ca mắc thì cần triển khai những biện pháp nào, khi có 1 ca mắc thì làm gì và khi có nhiều ca mắc thì triển khai phòng, chống dịch như thế nào?... Trên cơ sở đó, các địa phương phải áp dụng theo hướng dẫn này của Bộ Y tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.