Các địa phương phải tuyệt đối đảm bảo an toàn, an ninh đề thi

GD&TĐ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn lưu ý các địa phương tuyệt đối đảm bảo an toàn, an ninh đề thi; cần tập huấn quy chế thi theo từng nhóm đối tượng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn và Đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2024 tại điểm thi Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn và Đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2024 tại điểm thi Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng.

Sáng 13/6, Đoàn công tác Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn làm trưởng đoàn đã kiểm tra, khảo sát một số điểm thi, điểm in sao đề thi tại TP Đà Nẵng. Đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng về công tác chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Tổ chức tập huấn quy chế thi theo chuyên đề

Đoàn đã kiểm tra thực tế tại điểm in, sao đề thi và một số điểm thi tại TP Đà Nẵng.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá cao sự chủ động, tinh thần trách nhiệm cao của UBND TP Đà Nẵng trong các phần việc liên quan đến tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, sự thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT ở quy mô toàn quốc phụ thuộc rất nhiều vào từng Hội đồng thi, từng điểm thi, từng cán bộ, nhân viên tham gia công tác thi và mỗi thí sinh tham dự kỳ thi.

Đà Nẵng có nhiều thuận lợi như sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, sự phối hợp nhịp nhàng của các thành viên trong Ban chỉ đạo thi của địa phương; địa bàn không lớn và quy mô thí sinh cũng ở mức độ vừa phải. Tuy vậy, không vì thế mà có sự chủ quan trong các khâu liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các thành viên trong Ban chỉ đạo địa phương phải làm tròn trách nhiệm của mình ở mức tối đa để hạn chế thấp nhất những sai sót. Trong đó, các quy định trong quy chế thi buộc phải tuân thủ đúng.

Đoàn công tác Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 làm việc với UBND TP Đà Nẵng về công tác chuẩn bị cho kỳ thi.

Đoàn công tác Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 làm việc với UBND TP Đà Nẵng về công tác chuẩn bị cho kỳ thi.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn lưu ý Đà Nẵng cần chú trọng trong công tác tuyên truyền, tập huấn quy chế thi cho giáo viên, cán bộ tham gia làm thi và học sinh; nhất là lưu ý những điểm mới của kỳ thi.

“Trong tập huấn quy chế thi, cần tổ chức theo chuyên đề phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và đặc điểm của từng nhóm đối tượng. Ví dụ như với lực lượng công an tham gia bảo vệ tại các điểm thi, nhân viên y tế… thì cần nhấn mạnh những nội dung gì. Với thí sinh dự thi, cần phải nhấn mạnh việc làm lộ lọt đề thi ra ngoài không chỉ bị dừng ở mức đình chỉ thi mà còn liên quan đến yếu tố hình sự. Có những thí sinh chưa hình dung ra mức độ nghiêm trọng của việc làm lộ, lọt đề thi trong thời gian diễn ra môn thi. Vì vậy, cần phải giải thích rõ ràng, cụ thể để các em thấy được tính nghiêm trọng của hành vi” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn lưu ý Đà Nẵng trong công tác đảm bảo an toàn, bảo mật đề thi.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn lưu ý Đà Nẵng trong công tác đảm bảo an toàn, bảo mật đề thi.

Ông Đỗ Xuân Giang, đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an), lưu ý, trong tập huấn quy chế thi cho cán bộ coi thi, cần chú trọng đến nội dung phòng ngừa gian lận bằng công nghệ cao.

Ngoài ra, ở một số kỳ thi trước, khi được hỏi thì một số thí sinh làm lộ, lọt đề thi ra ngoài trong thời gian đang làm bài thi không hề ý thức được rằng mình đang vi phạm hình sự. Vì vậy, trong phổ biến quy chế thi cho thí sinh, cần phải đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng và tính bảo mật của đề thi.

Ông Giang cũng lưu ý đến tình huống lực lượng công an tham gia bảo vệ kỳ thi vi phạm quy chế thi như sử dụng điện thoại trong khu vực thi.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý về đảm bảo khoảng cách giữa các thí sinh trong phòng thi. Phòng thi phải đảm bảo đúng các yêu cầu trong quy chế thi.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý về đảm bảo khoảng cách giữa các thí sinh trong phòng thi. Phòng thi phải đảm bảo đúng các yêu cầu trong quy chế thi.

Đoàn kiểm tra lưu ý Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của Đà Nẵng thường xuyên rà soát, kiểm tra công tác bảo mật đề thi từ lúc ra đề đến lúc vận chuyển đến điểm thi, in sao, ghép phách, bố trí camera sao cho phù hợp… Trong đó, đặc biệt lưu ý đến công tác bảo vệ, nhân sự ở vòng 3 của điểm in sao đề thi.

Chủ động xây dựng phương án dự phòng

Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: Sở đã phối hợp với Công an thành phố trong chuẩn bị cơ sở vật chất, phương án, phương tiện, thiết bị bảo đảm an ninh, an toàn tại nơi in sao đề thi, bảo quản đề thi, bài thi, hội đồng thi… đảm bảo các điều kiện và phương tiện phòng chống cháy, nổ, an ninh theo đúng các quy định trong quy chế.

Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng ưu tiên tối đa nguồn lực và chú trọng kiểm tra rà soát từng khâu, từng giai đoạn để Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng ưu tiên tối đa nguồn lực và chú trọng kiểm tra rà soát từng khâu, từng giai đoạn để Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã chỉ đạo các điểm thi phối hợp với các lực lượng chức năng rà soát, kiểm tra, mua sắm đầy đủ các thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định; bố trí xe và lực lượng phòng cháy, chữa cháy trực 24/24 tại Điểm in sao đề thi và Điểm chấm thi. Tổ chức vệ sinh trường, lớp sạch sẽ; thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm…

Tại 28 Điểm thi đã chuẩn bị cơ sở vật chất, vệ sinh các phòng thi, chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo công tác coi thi theo yêu cầu, mỗi Điểm thi có 1 phòng thi dự phòng.

Hội đồng thi chuẩn bị 1 Điểm thi dự phòng trong tình huống đột xuất có thể sử dụng làm Điểm thi đồng thời dự phòng hơn 350 cán bộ, giáo viên tại Hội đồng thi để bổ sung cán bộ coi thi, giám sát ốm, đau hoặc nếu có trường hợp đột xuất.

Đà Nẵng có 13.561 thí sinh đăng ký tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Trong đó, có 12.853 thí sinh đăng ký dự thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để xét tuyển CĐ, ĐH; 605 thí sinh dự thi chỉ để xét tuyển Cao đẳng, Đại học và 103 thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT.

Đà Nẵng đã huy động 1.389 giáo viên làm cán bộ coi thi; 282 người làm cán bộ giám sát; lực lượng Công an, trật tự viên là 112 người.

Bà Lê Thị Bích Thuận cho biết, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã làm việc với trưởng các điểm thi để có những hỗ trợ phù hợp đối với những học sinh khuyết tật dự thi như mở cửa thang máy để các em di chuyển, cử lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ đi lại trong đầu và cuối buổi thi. Các điểm thi cũng phải xây dựng phương án dự phòng để chủ động hỗ trợ cho những thí sinh trong những tình huống không may gặp sự cố về sức khỏe.

Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, trong thời gian còn lại cho đến khi kỳ thi diễn ra, Đà Nẵng sẽ rà soát từng khâu trong công tác chuẩn bị. Trong đó sẽ chú trọng công tác tập huấn quy chế cho giáo viên, cán bộ tham gia làm thi, lực lượng phục vụ kỳ thi và học sinh; nhất là lưu ý những điểm mới của kỳ thi. Thành phố nỗ lực tối đa để đảm bảo kỳ thi diễn ra được an toàn, nghiêm túc, trọn vẹn và đúng quy chế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.