Các địa phương miền núi dồn sức cho Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường

GD&TĐ - Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, song không khí háo hức chào đón năm học mới vẫn diễn ra tại nhiều trường học biên giới, miền núi. Kịch bản cho ngày hội “toàn dân đưa trẻ đến trường” đặc biệt đã sẵn sàng.

Các địa phương miền núi dồn sức cho Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Ảnh: Hải Yến.
Các địa phương miền núi dồn sức cho Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Ảnh: Hải Yến.

Sẵn sàng tâm thế

Năm học 2021-2022, tỉnh Điện Biên dự kiến có 203.555 học sinh các cấp. Trong đó: bậc mầm non hơn 58.000 trẻ; tiểu học gần 75.500 học sinh; THCS hơn 46.800; THPT gần 19.500 và giáo dục thường xuyên gần 1.000 học viên.

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cho biết: Đến nay các cơ sở giáo dục đã huy động tối đa học sinh trong độ tuổi đến trường. Công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng được các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục chủ động chuẩn bị.

Từ đầu tháng 8, các trường học miền núi bắt đầu dọn dẹp, tu sửa trường lớp. Ảnh: Hải Yến.
Từ đầu tháng 8, các trường học miền núi bắt đầu dọn dẹp, tu sửa trường lớp. Ảnh: Hải Yến.

Trước đó, để chuẩn bị điều kiện tổ chức năm học mới, cũng như lễ khai giảng, Sở GD&ĐT đã thành lập đoàn kiểm tra tại các địa phương. Trên cơ sở đó kịp thời nhắc nhở nhà trường đảm bảo tốt yêu cầu tổ chức năm học trong điều kiện cụ thể của từng đơn vị.

Hình thức tổ chức lễ khai giảng được ngành trao quyền  cho các trường lựa chọn. Mục tiêu là phải phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, vừa tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày hội "toàn dân đưa trẻ đến trường".

Theo thầy Nguyễn Tuân, GV Trường THPT huyện Tuần Giáo, do đóng chân trên địa bàn cửa ngõ của tỉnh, lượng người và phương tiện qua lại nhiều nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Chính vì vậy, nhà trường đã chọn tổ chức Lễ khai giảng trực tuyến.

“Đây là lần đầu tiên tổ chức khai giảng theo hình thức này. Mặc dù không được tập trung, song giáo viên và học sinh nhà trường vẫn háo hức. Nhiều em còn tò mò và phấn khích chờ đón ngày khai trường đặc biệt”.

Còn tại Thu Lũm (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), mặc dù có số học sinh đông nhất toàn huyện, song công tác chuẩn bị cho năm học mới đã được các đơn vị trường học chuẩn bị từ sớm.

Ngay từ đầu tháng 8, các trường học chủ động phối hợp với phụ huynh tập trung tu sửa, dọn dẹp trường lớp, sẵn sàng đón học sinh khai giảng đúng ngày 5/9 theo kế hoạch của tỉnh.

Được biết, năm học mới, Lai Châu dự kiến sẽ đón khoảng 150.000 học sinh. Thời gian khai giảng, tất cả cấp học tại địa phương này được ấn định ngày 5/9. Nhiều ngày qua, Lai Châu không có ca bệnh thứ phát trên địa bàn. Đây là điều kiện thuận lợi để học sinh yên tâm đón một Lễ khai giảng linh hoạt, thiết thực và an toàn.

Đảm bảo di chuyển an toàn cho học sinh

Các trường chủ động rà soát sĩ từ sớm, đảm bảo các em tựu trường đầy đủ. Ảnh: Hải Yến.
Các trường chủ động rà soát sĩ từ sớm, đảm bảo các em tựu trường đầy đủ. Ảnh: Hải Yến.

Là địa phương miền núi, với đặc thù giao thông mùa mưa thường xuyên diễn biến phức tạp, mưa lũ, sạt lở có thể xảy ra bất ngờ. Bởi vậy, phương án đảm bảo di chuyển an toàn cho học sinh được các nhà trường đặc biệt coi trọng.

Thầy Cà Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Mí (huyện Mường Chà, Điện Biên) cho biết: Để chuẩn bị cho ngày khai giảng, toàn bộ học sinh bán trú của nhà trường được yêu cầu có mặt tại trường từ ngày 31/8. Nhà trường tiến hành rà soát, tìm hiểu lý do số học sinh vắng mặt. Trên cơ sở đó, liên hệ, trao đổi với phụ huynh, hoặc trực tiếp đến tận nhà để vận động các em ra lớp đầy đủ, kịp khai giảng. Đối với số học sinh gần trường, không phải ở nội trú, nhà trường thông báo, hướng dẫn và dặn dò phụ huynh từ trước. Qua đó, để các gia đình chủ động cho con em đến trường.

“Những gia đình không quá bận rộn sẽ tự đưa con, em đến trường trong ngày khai giảng. Đối với phụ huynh bận việc, chúng tôi yêu cầu thông tin lại với giáo viên để các thầy cô trực tiếp đến đón, nhằm đảm bảo an toàn trong việc di chuyển cho học sinh” – thầy Sơn cho hay.

Phương án đảm bảo giao thông trong dịp này cũng được ngành Giao thông – Vận tải (GTVT) các địa phương xây dựng kịch bản phối hợp từ trước. Theo ông Trần Thanh Kiên, Giám đốc Sở GTVT Điện Biên, những ngày qua tình hình thời tiết tại địa phương này rất thuận lợi, nên không ghi nhận địa bàn nào giao thông bị ách tắc, sạt lở…

Ngành GTVT bố trí người và phương tiện ứng trực đảm bảo giao thông với phương án "4 tại chỗ" phục vụ việc đi lại cho giáo viên, học sinh trong ngày khai giảng. Ảnh: Hải Yến.
Ngành GTVT bố trí người và phương tiện ứng trực đảm bảo giao thông với phương án "4 tại chỗ" phục vụ việc đi lại cho giáo viên, học sinh trong ngày khai giảng. Ảnh: Hải Yến.

“Mặc dù vậy, tất cả điểm xung yếu, có nguy cơ sụt trượt cao đều có lực lượng túc trực, ứng cứu theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt là tại một số địa bàn giao thông đặc thù, phương tiện ô tô không thể di chuyển nên chúng tôi đã sẵn sàng cả phương án huy động xe máy một cách nhanh nhất để hỗ trợ” – ông Kiên cho hay.

Tương tự, tại tỉnh Lai Châu, theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Giám đốc Sở GTVT, các địa phương thường xảy ra mưa lũ, như: Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ… và các điểm xung yếu đều được bố trí sẵn sàng cả người và phương tiện, túc trực để phát hiện và xử lý tại chỗ 1 cách kịp thời nhất.

“Ngành đang triển khai đảm bảo giao thông mùa mưa lũ nên lực lượng ứng trực ở tất cả tuyến đều sẵn sàng 24/24 giờ, nên yên tâm là không để bị động trong ngày khai giảng” – ông Hưởng cho biết thêm.

Ghi nhận tại Điện Biên và Lai Châu, tính đến chiều nay (4/9), cơ bản giáo viên và học sinh nhà xa trường phải ở nội trú đều đã có mặt, sẵn sàng dự lễ khai giảng. Số còn lại phải di chuyển đều ở các khu vực thuận lợi và gần trường học. Các địa phương đã sẵn sàng cho lễ khai giảng thực sự đặc biệt này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ