Các công ty công nghệ Trung Quốc bị chỉ trích vì "chỉ tuyển gái xinh"

GD&TĐ - Nhiều công ty công nghệ "chỉ tuyển nam", "ưu tiên nam", thậm chí hứa hẹn họ sẽ có cơ hội làm việc với các đồng nghiệp nữ xinh đẹp.

Các công ty công nghệ Trung Quốc bị chỉ trích vì "chỉ tuyển gái xinh"

Bản báo cáo dài gần 100 trang của Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) cho biết tình trạng phân biệt đối xử nam nữ đang diễn ra một cách rõ nét trong cả các tổ chức chính phủ lẫn công ty tư nhân Trung Quốc.

"Có tới một phần năm các quảng cáo tuyển dụng ở Trung Quốc nói ưu tiên nam giới, trong khi các công ty lớn như Alibaba còn tìm cách thu hút các ứng viên nam bằng lời hứa hẹn họ sẽ được làm việc với các nữ đồng nghiệp xinh đẹp",  Sophie Richardson, Giám đốc Human Rights Watch tại Trung Quốc, cho hay. 

Alibaba cho biết họ luôn mang đến cơ hội công bằng cho mọi ứng viên bất chấp giới tính và sẽ tiến hành xét duyệt kỹ hơn các thông báo tuyển dụng để đảm bảo nội dung tuân thủ chính sách của công ty.

HRW đã phân tích hơn 36.000 thông tin tuyển dụng từ năm 2013 đến 2018 và nhận thấy không chỉ Alibaba, các quảng cáo phân biệt giới tính, có định kiến với vẻ ngoài và năng lực của phụ nữ được thể hiện rõ ở các công ty công nghệ khác như Baidu, Huawei hay Tencent.

Một số quảng cáo nhấn mạnh ứng viên nữ phải đáp ứng yêu cầu nhất định về ngoại hình như chiều cao, cân nặng, giọng nói, khuôn mặt khả ái - vốn không liên quan gì tới công việc mà họ định ứng tuyển. Thậm chí, nhân viên nữ được mang ra làm tiêu chí lôi kéo ứng viên nam.

Chẳng hạn, tháng 10/2016, Tencent đăng quảng cáo ở Mỹ, trong đó một nhân viên nói lý do ông vào Tencent là vì "các nữ nhân viên ở bộ phận nhân sự cũng như người phỏng vấn ông rất xinh đẹp".

Phát ngôn viên của Tencent cho biết các trường hợp mà HRW nhắc tới "không phản ánh đúng giá trị của công ty và chúng tôi sẽ kiểm tra, thực hiện những điều chỉnh tức thì để đảm bảo chuyện tương tự không diễn ra nữa".

Hãng dịch vụ tìm kiếm Baidu cũng bị phê phán vì nhiều quảng cáo, trong đó có một video từ năm 2016, một nhân viên nam nói một trong những lý do ông cảm thấy vui vẻ đi làm mỗi ngày là vì được làm việc với "gái xinh". 

Trong một quảng cáo khác hồi tháng 3/2017, Baidu nói các ứng viên tốt nhất nên là nam và có khả năng chịu sức ép, làm việc vào cuối tuần, ngày nghỉ lễ và trực đêm.

Phát ngôn viên của Baidu khẳng định vai trò quan trọng của giới nữ trong công việc và "lấy làm tiếc vì các ví dụ được nêu không đúng với tôn chỉ của hãng". 

Công ty đã kiểm tra và gỡ bỏ những nội dung tuyển dụng trên trước khi báo cáo của HRW được công bố, giải thích rằng đó chỉ là những trường hợp cá biệt, không phản ánh chính sách chung của công ty. 45% nhân viên tại Baidu là nữ, nhiều trong số đó nắm giữ các vị trí cấp cao.

Trong khi đó, Huawei cũng đăng một thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội từ năm 2015: "Bạn có muốn lương tăng với tốc độ nhanh hơn giá nhà đất, và có cơ hội cưới một phụ nữ xinh đẹp, giàu có, da đẹp?". Năm 2013, họ đưa các ứng viên đi thăm trụ sở công ty và nói: "Dù quang cảnh có đẹp thế nào thì vẫn luôn cần các thiếu nữ xinh đẹp". 

Huawei lên tiếng khẳng định họ luôn tôn trọng sự cân bằng giới tính.

"Luật Trung Quốc cấm các tuyển dụng phân biệt giới tính, nhưng lại không chỉ rõ những hành vi nào cấu thành nên sự phân biệt đó. Vì thế, các công ty nhiều lần vi phạm cũng hiếm khi bị hỏi thăm", HRW cho hay.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.