Một phần là do thời đó chưa có máy tính cầm tay như bây giờ, nhưng chủ yếu là thời xưa học trò đều được tập cho cách tính nhẩm. Học trò thời nay, mỗi lần làm toán là rút máy ra “bấm bấm”, thậm chí các cô bán rau ngoài chợ cũng tính tiền bằng máy tính.
Chính vì vậy mà giới khoa học đã đặt vấn đề liệu công nghệ mới có tác động làm tổn thương trí nhớ của chúng ta?
Tạp chí Sciences et Avenir nổi tiếng của Pháp đã thực hiện cuộc phỏng vấn với bác sĩ Thần kinh Tâm lý Francis Eustache, giám đốc đơn vị nghiên cứu của Inserm tại Đại học Caen Normandy và chủ tịch Hội đồng Khoa học của tạp chí Observatoire, nhằm tìm hiểu vấn đề.
“Bộ nhớ trong” của chúng ta sẽ bị suy yếu chính vì những “bộ nhớ ngoài” như thế này.
Ngày nay, chuyện “quên” đã trở nên chuyện thường tình. Quên địa chỉ, quên số điện thoại của ai đó... chỉ là chuyện thường tình. Nhưng gặp người quen, nhớ mặt mà quên tên hoặc nhớ tên mà quên mặt mới là “nguy hiểm”.
Chữ “memory”, tức ký ức, lấy từ tiếng Latin “memoria” nghĩa là “khả năng ghi nhớ”, đã được tạp chí Sciences et Avenir dí dỏm ví von là ngày nay đã “tuột khỏi tay chúng ta” mà lý do là việc sử dụng gần như vĩnh viễn các công nghệ mới, và nhất là từ khi Internet ra đời.
BS. Francis Eustache cho biết, một nghiên cứu của TS. Betsy Sparrow, giáo sư Tâm lý học tại Đại học Columbia (Mỹ) đã cho thấy rất rõ rằng khi đặt câu hỏi hơi khó cho sinh viên, chẳng hạn như "Sông Hoàng Hà ở đâu?", thì điều trước tiên mà các em nghĩ tới là tìm kiếm câu trả lời trên Internet hơn là tìm trong trí nhớ của chính mình.
Internet vì vậy đã trở thành một dạng thiết yếu của “bộ nhớ ngoài”, tức là nơi mà thông tin được lưu trữ bên ngoài chúng ta. Và đó là một sự thay đổi lớn đối với chức năng nhận thức và đối với não của chúng ta.
Sức mạnh của công nghệ giúp lưu thông kiến thức và cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin ngay lập tức. Nhưng, giống như bất kỳ sự phát triển kỹ thuật nào, cũng đều có mặt trái của nó như đặt ra vấn đề một cách chung chung hơn, gần như triết học, về mối liên hệ giữa ký ức bên trong và ký ức bên ngoài.
Bộ nhớ trong có tính năng tổng hợp những gì đã biết (bộ nhớ ngữ nghĩa), những gì đã nhớ (bộ nhớ nhiều tập), những gì đã làm chủ (bộ nhớ về phương pháp), đó chính là bộ nhớ của chúng ta.
Nhưng bộ nhớ trong lại luôn được kết nối với bộ nhớ bên ngoài (là nơi ta biết có thể tìm thấy thông tin) như nơi những người khác, trong thư viện, trên báo chí, tại trường đại học và ngày nay là Internet.
Lại thêm một vấn đề nữa là “bộ nhớ bên ngoài” có nguồn thông tin rất phong phú và dễ truy cập trong khi bộ não của chúng ta thì lại hạn chế. Vì vậy, tại sao phải ghi nhớ thông tin cho não khi chúng ta biết rằng nó đã được lưu giữ đâu đó trên mạng?
Cũng có thắc mắc rằng đúng là chúng ta có quá ít nỗ lực để ghi nhớ (bao gồm cả số điện thoại), nhưng liệu điều này có nghiêm trọng hay không?
Sẽ không phải là nghiêm trọng nếu chúng ta có một danh bạ tin cậy, nhưng vấn đề là nếu bộ nhớ trong suy yếu thì các kiến thức về thế giới cũng sẽ suy yếu trong khi nó giúp cho chúng ta suy nghĩ và quyết định mọi điều.
Quá nhiều lời mời chào (thông báo, tin nhắn, email, tin tức...) cũng không có lợi, sẽ làm chúng ta phải ứng phó không tập trung vào được vấn đề chính yếu và não cũng không được nghỉ ngơi. Vì vậy, mối quan hệ bộ nhớ trong/bộ nhớ ngoài cần phải được cân bằng.
Về việc sử dụng GPS, theo một nghiên cứu hình ảnh não, được biết rằng các tài xế taxi ở London, những người phải biết tất cả các con đường trong thành phố, đều có vùng hippocampus (cấu trúc trong não liên quan tới ghi nhớ và định hướng trong không gian) phát triển hơn người bình thường. Nhưng nếu vùng này ít được sử dụng thì rồi sẽ bị suy yếu đi.
BS. Francis Eustache kết luận, nếu nói rằng bộ nhớ của chúng ta đang bị đe dọa bởi các công nghệ mới thì đây đúng là những gì phần lớn chúng ta nghĩ, tuy vẫn còn cần tới những kết quả nghiên cứu khoa học để chứng minh.
Điều duy nhất chúng ta có thể nói hôm nay là để phát triển tốt các chức năng nhận thức của người trẻ, việc sử dụng các công nghệ mới phải cực kỳ hạn chế. Và quan trọng là phải biết cách điều tiết thời gian ngắt kết nối để bảo toàn cho bộ nhớ.