Các bệnh tự miễn thường gặp

GD&TĐ - Cơ thể con người có khả năng sản sinh ra các loại “vũ khí sinh học” chống lại các tác nhân gây bệnh. Tác nhân gây bệnh chính là kháng nguyên và “vũ khí sinh học” chính là kháng thể.

Viêm gan mạn tính.
Viêm gan mạn tính.

Tuy nhiên, do một sự “nhầm lẫn” từ lập trình bí mật của tạo hóa, nên vũ khí của cơ thể đã tự chống lại chính bản thân của mình. Có nhiều loại bệnh tự miễn khác nhau. Sau đây xin giới thiệu một số bệnh tự miễn thường gặp nhất.

Viêm đa khớp dạng thấp

Viêm đa khớp dạng thấp là bệnh mạn tính, tự miễn. Bệnh tiến triển lâu ngày dẫn đến sự biến dạng các khớp và cuối cùng là dính khớp, khiến cho người bệnh luôn có cảm giác đau và hoạt động khó khăn. Bệnh viêm đa khớp dạng thấp thường gặp ở phụ nữ độ tuổi trung niên (chiếm đến 80%) hơn là nam giới. 

Nguyên nhân gây bệnh cho đến nay vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tìm thấy có các yếu tố liên quan đến căn bệnh như là sự di truyền, thời tiết, khí hậu và yếu tố nội tiết của cơ thể.

Bệnh thường khởi phát từ từ. Các triệu chứng ban đầu có khi mơ hồ như mệt mỏi, ăn uống kém, sốt nhẹ và đau không rõ rệt các ngón tay. Về sau bệnh tiến triển rõ dần với hiện tượng sưng đau một số khớp ở cổ tay, ngón tay, bàn tay, có khi là khớp gối.

Mức độ sưng - đau - nóng - đỏ các khớp trong bệnh viêm đa khớp dạng thấp thường không nhiều như các loại viêm khớp khác. Buổi sáng thường có dấu hiệu “cứng khớp”, nghĩa là các ngón tay cầm nắm hoặc xòe ra một cách khó khăn khi mới ngủ dậy. Lâu ngày các khớp ngón tay biến dạng trông như hình thoi (các khớp phình to so với các đốt ngón tay ở hai đầu).

Nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị có hiệu quả thì sau một thời gian, thường là vài tháng sẽ có các biểu hiện nặng hơn như là sưng đau nhiều khớp, cử động hạn chế và đau.

Cơn đau của các khớp cũng mang tính đối xứng ở tứ chi như đau khớp cổ tay, khớp gối hai bên. Một số trường hợp khớp gối bị tràn dịch. Biểu hiện cứng khớp buổi sáng cũng thường xuyên và kéo dài hơn.

Ngoài các dấu hiệu trên, bệnh viêm đa khớp thấp còn có các biểu hiện như: Nổi hạch, lách to, thiếu máu, teo cơ, viêm gân, nổi hạt dưới da quanh khớp. Thể trạng gầy sút, mệt mỏi, sốt, rối loạn tiêu hóa. Các trường hợp bệnh kéo dài nhiều năm mà không được điều trị hiệu quả thì thấy các khớp bị viêm dính, biến dạng và lệch trục rõ rệt khiến cho hoạt động của tứ chi bị giới hạn rất nhiều.

Về điều trị: Nếu sưng đau nhiều cần nghỉ ngơi, tăng cường tập luyện qua việc xoa bóp, vận động để tránh teo cơ, cứng khớp. Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Các loại thuốc sử dụng để điều trị bệnh viêm đa khớp dạng thấp rất phong phú, nhưng “hậu quả” do chúng gây ra cũng không phải là ít. Do vậy, bệnh nhân cần có sự tư vấn của bác sĩ và sử dụng thuốc theo đơn. 

Điều trị bằng Đông y: Viêm đa khớp dạng thấp là bệnh mạn tính, kéo dài. Nhiều người bị biến chứng đau dạ dày do kết quả tác động của các thuốc điều trị bệnh khớp. Nhiều bệnh nhân đã chuyển sang điều trị theo Đông y.

Người bệnh cần đến Bệnh viện Y học Cổ truyền Dân tộc hoặc bệnh viện có khoa này để khám. Ngoài ra, để giảm bớt bệnh có thể kết hợp với những phương pháp không dùng thuốc khác như chiếu đèn, chạy sóng ngắn…

Viêm loét đại tràng

Bệnh lupus ban đỏ.
Bệnh lupus ban đỏ.

Viêm loét đại tràng có yếu tố di truyền và mang bản chất là một bệnh viêm ruột mạn tính với các biểu hiện thường thấy là đau vùng bụng và tiêu chảy, có thể đi cầu ra máu gây suy nhược cơ thể. Nội soi và sinh thiết tế bào giúp cho chẩn đoán xác định hoặc chẩn đoán phân biệt.

Bệnh viêm loét đại tràng có thể gây các biến chứng như giãn đại tràng, nghĩa là đại tràng phình lên rất to (megacolon) hoặc hoại tử.

Trường hợp bệnh nặng gây đứt đại tràng, tạo ra bệnh cảnh ngoại khoa cấp tính ở vùng bụng. Bệnh làm gia tăng nguy cơ ung thư đại tràng.

Quá trình tiến triển bệnh có những thời kỳ tự thuyên giảm. Việc điều trị chủ yếu là làm giảm triệu chứng và nâng cao thể trạng cho người bệnh. Một số trường hợp nặng có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ đại tràng và mang hậu môn nhân tạo hoặc nối trực tiếp ruột non vào hậu môn qua một cái túi phình được “chế” từ ruột non (thủ thuật ileoanal).

Viêm gan mạn tính tự miễn

Bệnh viêm gan mạn tính tự miễn có yếu tố di truyền và đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân nào gây ra. Bệnh xảy ra chủ yếu ở nữ giới, chiếm 75%, tập trung ở tuổi dậy thì, cũng có những trường hợp mắc ở độ tuổi 50 - 60.

Nếu không được điều trị bệnh sẽ tiến triển với kết quả cuối cùng là suy gan và xơ gan, tỉ lệ tử vong cao. Bệnh đáp ứng tốt với các thuốc ức chế miễn dịch.

Khởi bệnh thường âm thầm, không có dấu hiệu điển hình, chỉ là sự khó chịu, mệt mỏi, chảy máu cam, chảy máu chân răng, mụn trứng cá, rậm lông, ban đỏ da rải rác, hạch lớn.

Một số trường hợp rõ hơn với vàng da nhẹ diễn ra trong một thời gian dài. Ở phụ nữ, sự rối loạn kinh nguyệt đi kèm với các biểu hiện trên như là dấu hiệu gợi ý hướng đến chẩn đoán. Ngoài ra, có thể có các bệnh đi kèm như thiếu máu, viêm cầu thận cấp, viêm loét đại tràng, tràn dịch màng phổi, xơ hóa phế nang, xẹp phổi…

Điều trị chủ yếu bằng Corticoides dài ngày, nhưng trước khi điều trị cần loại trừ các trường hợp gây viêm gan khác như siêu vi, xơ gan mạn tiên phát.

Bệnh Lupus ban đỏ

Lupus ban đỏ (Lupus erythromatosus) là một bệnh mạn tính, tự miễn. Đây là một bệnh hệ thống, vì gây tổn thương nhiều phủ tạng.

Bệnh thường gặp ở nữ giới hơn là nam giới, bắt đầu từ sau tuổi dậy thì, tập trung nhiều ở độ tuổi 20 - 40. 

Nguyên nhân gây bệnh hiện nay vẫn chưa được kết luận một cách rõ ràng. Các nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa các yếu tố sau đây: Tính di truyền; hệ thống miễn dịch; ảnh hưởng của các yếu tố ngoại lai như nhiễm khuẩn, tác động của hóa chất, thuốc men và yếu tố môi trường.

Các biểu hiện thường gặp của bệnh là sốt, đau cơ, đau khớp, da có hồng ban dạng đĩa, điển hình ban da có hình cánh bướm ở trên mặt. Nếu nghi ngờ mắc bệnh phải đi khám xác định tại bệnh viện chuyên khoa da liễu.

Bệnh được điều trị bằng các Corticoides uống và bôi, kết hợp với các thuốc gây ức chế miễn dịch như Chloroquin, Nivaquin. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ