“Tiếp sức” cho trò
Hiện nay tình hình dịch bệnh CoVid-19 diễn biến phức tạp, nếu tình huống phải chuyển sang học trực tuyến, toàn thành phố Hải Phòng có khoảng hơn 51.000 học sinh thiếu thiết bị học tập hoặc mạng Internet. Hưởng ứng lễ phát động của Chính phủ, để “tiếp sức” những học sinh nghèo, ở nơi khó khăn có cơ hội được học tập, ngày 22/9, Công đoàn ngành Giáo dục Hải Phòng đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em".
Ông Bùi Văn Kiệm- Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng chia sẻ, ngay từ đầu năm học ngành Giáo dục thành phố đã sẵn sàng xây dựng các phương án daỵ và học. Tình hình dịch bệnh phức tạp, các nhà trường sẽ chuyển sang học online.
Cũng do làm tốt công tác phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19, Hải Phòng là một trong 37/63 tỉnh, thành phố có học sinh được học trực tiếp ngay từ đầu năm học mới.
Thực tế, đầu tháng 11, một số trường học tại huyện An Lão và quận Kiến An đã xuất hiện dịch bệnh trong nhà trường. Ngay lập tức phương án dạy học online được triển khai.
Và theo tinh thần chỉ đạo chung, sẽ khoanh vùng dập dịch tại những nơi dịch xuất hiện, với những trường học còn an toàn dịch tễ, học sinh vẫn đi học trực tiếp để đảm bảo chất lượng dạy học.
Trước thềm năm học mới, ngành Giáo dục Hải Phòng chỉ đạo các trường rà soát việc đáp ứng các điều kiện học trực tuyến. Thống kê cho thấy, toàn thành phố vẫn còn hơn 51.000 học sinh chưa đủ điều kiện học trực tuyến. Trong đó học sinh không có sóng Internet, cấp tiểu học có 22.836 em, chiếm 11,44%; cấp THCS có 1.302 em, chiếm 0,98%; học sinh THPT có 136 em, chiếm 0,21%. Học sinh không có thiết bị, cấp tiểu học có 26.261 em, chiếm 13,15%; học sinh THCS có 1.055 em, chiếm 0,8%; học sinh THPT có 287 em, chiếm 0,45%...
Chương trình Sóng và Máy tính cho em được ngành Giáo dục hưởng ứng và bắt tay vào thực hiện một cách nghiêm túc. Đến đầu tháng 11, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành đã ủng hộ được gần 800 triệu đồng.
Bên cạnh việc ủng hộ chương trình chung, các nhà trường chủ động vận dụng các nguồn lực ủng hộ cho học sinh nghèo phương tiện, thiết bị dạy học. Theo thầy giáo Phạm Trung Diện- Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện An Lão), do ảnh hưởng của dịch mà hiện nay chỉ có học sinh khối 10 được học trực tiếp tại trường. Khối 11 và 12 vẫn đang học online theo thời khoá biểu tại nhà. Hơn 95 % học sinh của trường có đủ thiết bị dạy học. Nhà trường đã rà soát và kêu gọi sự ủng hộ của các nguồn lực xã hội giúp những học sinh có hoàn cảnh khó khăn có phương tiện để học trực tuyến.
Thầy Bùi Khánh Toàn- Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt, huyện Thuỷ Nguyên cho hay, hưởng ứng lễ phát động sóng và máy tính cho em, cán bộ, giáo viên nhà trường ủng hộ một ngày lương. Toàn bộ số tiền quyên góp đã được chuyển về Ban chấp hành Công đoàn ngành Giáo dục Hải Phòng để góp phần cùng xã hội chung tay hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Vì tương lai tươi sáng
Em Trần Mạnh Cường, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Hải An có hoàn cảnh khó khăn. Bản thân em là học sinh giỏi 11 năm liền nhưng do gia đình nghèo khó mà Cường không có máy tính để học tập trực tuyến. Nắm bắt hoàn cảnh của Cường, Ban khuyến học phường Máy Tơ (nơi em sinh sống) đã báo cáo Hội khuyến học quận Ngô Quyền và cùng ngành Giáo dục vận động trao tặng cho em một máy tính hơn 8 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Dòn chia sẻ, gìa đình khó khăn, tiền ăn còn lo từng ngày nên không có điều kiện trang bị máy tính cho con. Sự quan tâm của các cấp ngành cho cháu có điều kiện học tập khiến gia đình rất xúc động.
Em Phạm Bảo Ngọc, học sinh lớp 3C4, Trường Tiểu học Đằng Giang (quận Ngô Quyền), bị bệnh tim bẩm sinh. Gia đình Ngọc khó khăn, bố em bệnh nặng mất khả năng lao động, em trai bị nhiễm khuẩn máu, mẹ em thu nhập bấp bênh cả gia đình phải đi ở trọ. Nhờ sự hỗ trợ kinh phí của nhà trường, gia đình Ngọc có thể lắp đặt đường truyền Internet.
Hay như em Đặng Huyền Như, học sinh lớp 2B4, mồ côi bố, mẹ không có việc làm ổn định; Nguyễn Sơn Trường, học sinh lớp 4D1 (cùng học tại Tiểu học Đằng Giang ) sống với bà già yếu hoàn cảnh rất khó khăn cũng được nhà trường hỗ trợ kết nối mạng Internet trong năm học mới này.