1.
Phạm Phương Thảo đã gắn bó với nghiệp cầm ca được 15 năm, kể từ giải thưởng “Ca sĩ được yêu thích nhất” tại cuộc thi Sao Mai 2003. Chặng đường ấy không ngắn với một đời người, và càng không ngắn với một giọng ca nữ.
Tuy nhiên, để đến được với nghề ca sĩ, Phạm Phương Thảo đã vượt qua không ít khó khăn của một cô bé nghèo sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nghệ An như cô tâm sự: “Ngày nhỏ, tôi thích xem chương trình ca nhạc, rất ngưỡng mộ những người được xuất hiện trên tivi nhưng làm ca sĩ không phải ước mơ của tôi. Tôi thích làm cô giáo dạy Văn. Cơ duyên đưa đẩy khi có đoàn ca múa kịch Hương Sen đến nhà hỏi tôi muốn làm ca sĩ không thì tôi lập tức trả lời không. Bố mẹ cũng không thích tôi làm ca sĩ. Nhưng sau khi đi đến trường, tôi kể chuyện với các bạn thì các bạn lại ngạc nhiên vì sao tôi lại bỏ cơ hội có thể làm người nổi tiếng… Tôi thay đổi quyết định và về nhà xin bố mẹ. Bố tôi kiên quyết phản đối. Ông nói: “Không hát hò gì cả, lo đi học đi”. Còn mẹ tôi hiểu được tâm tư nên chỉ khuyên răn tôi: “Mẹ thấy các ca sĩ toàn bỏ chồng thôi hoặc bị chồng đánh vì suốt ngày đi. Con đừng học làm ca sĩ”.
Lúc ấy tôi khóc rất nhiều và gạt hết những lời nói của bố mẹ. Bố mẹ nhìn tôi khóc thì im lặng không nói gì. Tôi không biết đêm hôm ấy bố mẹ nói chuyện với nhau như thế nào mà tới ngày hôm sau, mẹ tôi bảo: “Việc con đi hay ở sẽ hoàn toàn quyết định tương lai của con sau này. Nhà mình rất nghèo, nhưng con quyết định thì bố mẹ sẽ cố gắng”.
Đoàn ca múa kịch Hương Sen chỉ tài trợ tiền học thôi, tiền chi phí sinh hoạt bố mẹ phải lo, bố mẹ không biết nhìn vào đâu để lo cho con hàng tháng. Ngày đó, bố mẹ cho tôi 300.000đ/tháng. Với một gia đình 5 anh em đi học, thu nhập hoàn toàn từ nông nghiệp, việc tôi ra Hà Nội là quá sức với bố mẹ tôi bấy giờ. 16 tuổi tôi đã xa cha mẹ, không có người thân bên cạnh chỉ bảo cho mình chặt chẽ nên bản thân cũng tự chèo lái con thuyền số phận của mình.
Nhưng sau cùng, tôi nghĩ, tất cả những điều đó mình kiểu gì cũng phải đi qua vì đó là số phận, số phận sẽ dẫn mình đến với con đường đó, mình bắt buộc phải là người như thế”.
2.
Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Phương Thảo có cách riêng để chinh phục khán giả, không chỉ bằng dòng nhạc mang âm hưởng dân ca mà còn bằng chính những sáng tác của cô như “Hết đứng lại ngồi”, “Chút tình em gửi”, “Mơ quê”, “Cho em thôi chòng chành”… Có lẽ ít ca sĩ nào tự tin thể hiện khả năng sáng tác của mình một cách bền bỉ như Phạm Phương Thảo.
Đó cũng là một chọn lựa độc đáo mà không phải ca sĩ nào cũng mạnh dạn theo đuổi trên hành trình ca hát. Bởi lẽ, nếu chỉ tập luyện và chạy show từ những bài hát của giới nhạc sĩ sẽ dễ dàng hơn và thu nhập cao hơn. Thế nhưng, ca sĩ viết ca khúc để hát thì nhiều người đã thử sức, nhưng ca sĩ làm thơ như Phạm Phương Thảo thì thuộc loại hiếm hoi.
Trước đây, ca sĩ Trần Thu Hà từng phát hành tập thơ “Thập kỷ yêu” khá ấn tượng. Bây giờ, Phạm Phương Thảo ra mắt tập thơ “Đi hết xuân thì” cũng thú vị không kém! Tập thơ “Đi hết xuân thì” được chia làm ba phần “Mơ duyên”, “Hoa trôi” và “Lời mẹ cha”. Phạm Phương Thảo cho rằng cô đến với thơ vì muốn được sống thật với bản thân, khác với sáng tác nhạc mang tính chất biểu diễn, đôi khi không được là mình.
Mỗi bài thơ đối với Phạm Phương Thảo là câu chuyện nhỏ khó quên, mà cô hy vọng khán giả thấy tâm tư, hình ảnh đời thường của bản thân sau ánh đèn sân khấu.
Đọc thơ Phạm Phương Thảo, không khó để nhận ra bản lĩnh của gái Nghệ: “Em là con gái miền trong/ Không muốn lấy chồng nhưng lại thích con” hoặc “Thì xin một cuộc đứt hơi/ Thì xin lại được chơi vơi vì tình”.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, đồng hương của ca sĩ Phạm Phương Thảo, nhận định: “Có những người phụ nữ làm thơ rất đàn ông, tình cảm đàn ông, suy nghĩ cũng giống như đàn ông. Nhiều bài thơ người ta đọc cứ nghĩ là đàn ông viết. Riêng Phạm Phương Thảo làm thơ rất nữ và điều đó làm cho thơ của Thảo có sự lay động, gần gũi với người phụ nữ. Khi tôi đọc xong cả tập thơ, tôi nhận thấy sự dịu dàng xuyên suốt, dịu dàng ngay cả khi Phạm Phương Thảo… chửi”.
Ca sĩ Phạm Phương Thảo tự thú nhận “hay dùng võ mồm để che đi yếu đuối”, nhưng cô thực sự là một người hành động. Mỗi sản phẩm của Phạm Phương Thảo đều rời khỏi những khuôn phép cố định.
Ví dụ, với ca khúc “Chàng vinh quy” do mình sáng tác, Phạm Phương Thảo đã mời đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Khải Hưng dàn dựng music video cho mình. Đạo diễn Khải Hưng xưa nay chỉ làm phim truyện truyền hình, nhưng trước sự thuyết phục của ca sĩ Phạm Phương Thảo, ông cũng phải trổ tài làm clip ca nhạc.
“Chàng vinh quy” với gần 200 diễn viên quần chúng từ trẻ em đến người già được huy động quay 3 ngày tại Ninh Bình, thực sự là một music video đáng nể. Cũng chính ca khúc “Chàng vinh quy” đã mang về cho ca sĩ Phạm Phương Thảo một Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018 tổ chức ở Đà Nẵng.
3.
Một nghệ sĩ cá tính như Phạm Phương Thảo chắc chắn không dễ tìm được hạnh phúc đơn sơ như những người phụ nữ bình thường. Ca sĩ Phạm Phương Thảo chia sẻ rất thẳng thắn rằng mình đã qua hai đời chồng, một lần tổ chức rình rang, một lần chỉ nhận trầu cau và thắp hương với tổ tiên.
Cô nói rất thật thà mà cũng rất đáo để: “22 tuổi tốt nghiệp trường Đại học Văn hóa Quân đội, tôi vẫn còn đang đi rình các bạn xem họ yêu nhau thì nói thế nào. Nghĩa là 22 tuổi tôi chưa biết gì. Năm nay 37 tuổi, tôi đã trải không ít cay đắng vì tình yêu, bởi tôi cũng là một người đàn bà đa đoan trong suy nghĩ. Có nhiều lúc, tôi cũng cảm thấy rất đau trong cuộc sống của mình nhưng chỉ cần viết một bài thơ, một ca khúc thôi thì tất cả lại nhẹ nhàng và trôi đi hết. Tôi nhớ lần đau nhất của mình là tống tiễn ông chồng đầu tiên ra khỏi cuộc đời…”.
Ca sĩ Phạm Phương Thảo không biết sử dụng chiêu trò để đánh bóng hình ảnh như những ngôi sao đương thời. Tuy nhiên, nội lực của Phạm Phương Thảo thì đồng nghiệp phải thừa nhận. Trong bối cảnh ca nhạc chủ yếu “lấy mắt bù tai”, một ca sĩ hào hứng sáng tạo như Phạm Phương Thảo không nhiều.
Một ca sĩ Phạm Phương Thảo của nghệ thuật và một ca sĩ Phạm Phương Thảo của đời thường, hầu như không có gì khác biệt, rất hồn nhiên mà cũng rất quyết liệt: “Tôi có nhu cầu người đàn ông luôn có mình trong lòng, đó là sự ích kỷ của đàn bà. Có lẽ vì lý do đó mà tới giờ không có người nào bên tôi quá 5 năm. Cứ 5 năm, sang ngày tiếp theo của năm thứ 6 là người ấy lại ra đi… Tôi hơi phức tạp và mâu thuẫn về nội tâm. Bình yên đến mức phẳng lặng thì sẽ rất tẻ nhạt với người phụ nữ như tôi. Cái gì quá cũng không tốt. Sự bình yên của tôi bao gồm cả nỗi buồn nữa mới đủ gia vị cảm xúc cho cuộc sống. Người đàn ông làm tôi buồn cũng có thể sẽ làm tôi hạnh phúc, nhưng đừng là người đàn ông làm tôi chán!”