Rõ ràng Lệ Quyên là một trong những ca sĩ hát trực tiếp tốt nhất hiện nay. Cô hát một mình suốt đêm nhạc không hề có dấu hiện bạt giọng. Có vẻ cô đang ở thời kỳ đỉnh cao của giọng hát khi chinh phục những nốt cao không chút căng thẳng dù bằng giọng thật hay giọng pha.
Với âm sắc đặc trưng dầy, hơi khàn nhưng vẫn vang, sáng, thêm quãng giọng rộng, Lệ Quyên dễ dàng tiếp cận khán giả trong nhiều dòng nhạc. Cô tạo ấn tượng đẹp ngay ở bài mở màn khi làm mới Nhớ Hà Nội, tiếp theo là Mùa chim én bay đều của Hoàng Hiệp.
Tiếp theo là hai sáng tác của Thanh Tùng. Chương một Ấu thơ gồm một loạt những bài hát thịnh hành ngay sau Đổi mới, kết thúc bằng Mong ước kỷ niệm xưa. Bài nào cũng êm ái thành ra hơi đơn điệu.
Ở mảng nhạc Trịnh mang tựa đề Vào đời, Quyên được dịp bung phá nội lực, sức trẻ. Thích hay không tùy người. Nói chung Quyên đối xử với nhạc Trịnh cũng bình đẳng như các dòng nhạc khác.
Tới chương ba Ký ức với dòng nhạc bolero, Lệ Quyên mềm mại hẳn. Tất nhiên Quyên không hát kiểu mùi mẫn, ướt át như nhiều giọng ca thế hệ trước nhưng cách hát của cô trong dòng này đã được thừa nhận từ lâu. Và tất nhiên là càng hát sẽ càng ngấm.
Kết thúc chương ba Mẹ, Quyên đưa mẹ ra sân khấu trong tiết mục chầu văn nhưng để bà ngồi trên cao, trong bóng tối. Cô giới thiệu mẹ mình đã 80 tuổi, từng muốn làm diễn viên chèo nhưng bị gia đình ngăn cản.
Quyên cũng tâm sự nếu không làm ca sĩ sẽ trở thành “cô đồng” giống mẹ. Cùng hát với Quyên trong phần này không chỉ có mẹ cô mà còn hai giọng nữ nữa. Đây có thể coi là những khách mời đặc biệt của chương trình.
Quyên giúp mẹ hiện thực hóa giấc mơ đứng trên sân khấu nhưng vẫn giấu mặt mẹ. Cô bày tỏ: “Sự nổi tiếng với tôi không có gì là phiền toái, nhưng tôi không muốn những người thân của mình phải chịu áp lực.” Kết thúc, cô nói nhanh “con yêu mẹ” (dù bà không có mặt trên sân khấu) với vẻ xúc động rồi bước nhanh vào hậu trường.
Có lẽ vì Lệ Quyên đã quá nổi tiếng với bolero nên cô ít được chú ý trong mảng nhạc tình trước 75. Mặc dù cô thể hiện dòng này cũng rất ấn tượng, đặc biệt Dạ khúc cho tình nhân (Lê Uyên Phương) rất hợp với lối trình diễn kịch tính, đẩy cao trào tới tận cùng của Quyên.
Nói chung âm sắc đặc biệt có độ “vỡ hạt” trong giọng Quyên rất đắc địa mỗi khi kể những chuyện tình tan vỡ, dù là “nhạc xưa” hay bolero.
Chương cuối Thăng hoa dành cho những bài nhạc trẻ sôi động chính là những bản hit mở đầu sự nghiệp của Lệ Quyên. Khán giả của Quyên khá kỳ lạ, mặc dù phải bỏ ra số tiền rất lớn (hai vé VIP là có thể mua được xe máy mới) nhưng vỗ tay khá điềm đạm, không hú hét.
Trong khi ca sĩ diễn trên sân khấu, không ít người vẫn cắm cúi điện thoại. Phải chăng vì đêm nhạc không cho ghi hình hay livestream khiến khán giả bỗng không có việc để làm?! Thăng hoa cũng như màn hầu đồng trước đó chính là những phần trình diễn kích thích được khán giả khi họ chịu vỗ tay lớn hơn, có người còn hát theo.
Để có được thành công trên thị trường như hôm nay, giọng hát chắc là chưa đủ. Ngay sau album nhạc trẻ đầu tay với nhiều bài hit hợp giọng, Quyên nhanh chóng có được tên tuổi. '
Nếu cứ theo hướng đấy, cô cũng sẽ sớm thành sao hạng A. Nhưng cô đột ngột rẽ sang hát nhạc xưa cách đây 15 năm.
Cô không phải người đầu tiên tham gia phong trào “bẻ làn” từ nhạc mới sang nhạc cũ, nhưng đến giờ phút này, là người thành công nhất. Đây là chỗ giọng hát riêng biệt phát huy công dụng, giúp Quyên vượt lên nhiều người khác. Quyên gọi đây là “Giấc mơ có thật” thứ hai, còn đẹp hơn giấc mơ trước đó.
Có thể thấy “bolero hóa” chính là một bước quan trọng để Lệ Quyên khuếch trương tên tuổi, mở rộng khán giả. Qua đó, những dòng nhạc khác cô hát cũng có cơ hội được biết tới nhiều hơn.
Quyên khẳng định trong liveshow này, điều cô tự hào nhất là vai trò sứ giả cho tất cả các dòng nhạc:“Quyên mang tất cả dòng nhạc đến cho khán giả để thấy được mỗi dòng nhạc đều có tính đặc thù, giá trị riêng và khó có thể so sánh dòng nhạc nào với dòng nhạc nào. Quyên nghĩ mình may mắn vì giọng hát bẩm sinh của Quyên có thể truyền tải cảm xúc nhiều dòng nhạc khác nhau. Nói là may mắn bởi có những dòng nhạc đôi khi mình có thể luyện hay cố để hát được, như bolero chẳng hạn".
Rõ ràng các giọng chuyên trị bolero khó có thể chuyển màu sang các dòng khác. Nhưng những giọng đa năng như Quyên lại luyện được điều ngược lại. Đường đi nước bước của Lệ Quyên chắc chắn khiến nhiều đồng nghiệp phải suy nghĩ. Vì vẫn có những người ngại ngùng trước bolero, dù có thể hát được.
Thực ra bolero không cần ai phải bảo tồn. Trái lại, dòng nhạc phổ cập này có thể hóa phép cho một ca sĩ thành “nữ hoàng” như trường hợp Lệ Quyên.
Q Show 2 dùng nhiều đạo cụ để nhấn mạnh vị thế “nữ hoàng” của chủ nhân. Chữ cái đầu của tên cô cũng trùng với từ “nữ hoàng” trong tiếng Anh. Chữ Q đội vương miện là logo của đêm nhạc, xuất hiện khắp nơi từ vé tới trang trí sân khấu.
Đến phần kết, chiếc vương miện mạ vàng thật cũng được đặt lên đầu ca sĩ. Ở chương Yêu, quân Q cơ và K cơ được thiết kế thành hai cái lồng, ca sĩ diễn trong lồng Q. Ở phần Thăng hoa, các vũ công hóa trang thành các quân cờ, đương nhiên Quyên là Hậu- quân mạnh nhất, khiến cho Vua cũng bị lu mờ.
Liveshow kỉ niệm 20 năm ca hát của Lệ Quyên- Q Show 2 do Việt Tú đạo diễn, Hoài Sa làm giám đốc âm nhạc, đầu tư hết 30 tỉ đồng, trong đó riêng 150 bộ trang phục cho vũ công hết hơn 1 tỉ, còn thù lao cho họ là 1,5 tỉ.
Anh Đức Huy - phu quân của ca sĩ thường trực trong hậu trường để coi sóc, chăm chút từ phụ kiện trang phục tới nhắc nhở vợ ăn uống. Anh chính là người đứng sau hỗ trợ, làm quản lý, nhà sản xuất cho Lệ Quyên nhiều năm qua.
Nhân dịp Q Show 2, anh tặng Lệ Quyên chiếc micro đặc biệt, có khả năng cân chỉnh âm thanh tuỳ theo giọng hát, khiến cho âm thanh đến người nghe ở mức rõ và trong nhất.
Chiếc micro do hãng âm thanh nổi tiếng Sennheiser và Neumann (Đức) kết hợp chế tạo này không bán đại trà mà phải đặt hàng trước 2-3 tháng. Khi cùng Lệ Quyên sang Mỹ lưu diễn trong tour quảng bá cho Q Show 2, anh đã kịp nhận chiếc mic này để tặng vợ.