Cà sáy, bánh gật gù... hút hàng dịp Tết

Chỉ trong 4 ngày, Hội chợ nông sản Quảng Ninh xuân 2017, bán các sản phẩm trong chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm nông sản", đã đón hơn 30.000 lượt khách, doanh thu hơn 2 tỉ đồng.

Các gian hàng ở Hội chợ luôn tấp nập người mua
Các gian hàng ở Hội chợ luôn tấp nập người mua

Hội chợ do UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức, từ ngày 18 đến 24/1, tại Cung Quy hoạch, hội chợ, triển lãm và văn hóa tỉnh Quảng Ninh; có 150 gian hàng, chia thành 5 khu vực. Trong đó, có 100 gian của tỉnh Quảng Ninh, 50 gian của 21 tỉnh thành khác là Hà Giang, Lạng Sơn, Hải Phòng, Bắc Giang…

Huyện Tiên Yên mang tới 14 mặt hàng nhưng đáng chú nhất là cà sáy, loại gia cầm lai giữa vịt và ngan. Theo ông Hoàng Văn Quang - Trưởng phòng NN - PTNT huyện Tiên Yên, thịt cà sáy rất đậm đà, chắc và không tanh. Cà sáy được chế biến thành nhiều món như luộc, nướng, nấu cháo…

“Đặc biệt là móm cà sáy nướng rất thơm ngon với vẻ ngoài vàng óng, miếng thịt sần sật, chắc ngọt, không quá dai, không quá bở. Món ngon này có thể ăn chơi hoặc ăn với cơm gạo nếp thơm" - Ông Quang giới thiệu.

Ngoài cà sáy, gà đồi Tiên Yên từ lâu đã nổi tiếng trên thị trường. Chỉ trong vòng 2 ngày, hơn 2 tạ gà đồi nướng của huyện này đã bán hết. Một sản phẩm khác của huyện Tiên Yên cũng “cháy hàng” là bánh gật gù.

Bánh gật gù được làm khá cầu kỳ: Gạo được ngâm từ tối hôm trước, đến sáng hôm sau vớt ráo mới nghiền thành bột nước. Lúc nghiền bột, người làm thường cho thêm cơm nguội để khi tráng bánh có độ phồng, xốp, dẻo mịn. Khi cầm trên tay, chiếc bánh như người ngủ gật. Bánh được ăn với nước chấm pha chế đặc biệt.

Trong khi đó, huyện Bình Liêu mang đến hội chợ sản phẩm miến, bán không kịp cấp hàng. Ngay trong buổi tối đầu tiên mở cửa, 2 tạ miến đã bán hết.

Loại miến nổi tiếng này được sản xuất hoàn toàn từ củ dong riềng. Trước đây, miến dong được sản xuất thủ công, nhỏ lẻ để phục vụ cho bữa ăn gia đình của bà con dân tộc Sán Chỉ.

Những năm gần đây, do nhu cầu thị trường đối với sản phẩm này tăng cao nên bà con nông dân đã mở rộng vùng nguyên liệu, hiện đại hóa khâu sản xuất kèm theo các tiêu chí vệ sinh, mỹ thuật để đưa miến Bình Liêu vươn xa.

Một sản phẩm khác cũng “cháy hàng” là bún thảo dược của huyện Hoành Bồ. Bà Đỗ Thu Hằng, quản lý gian hàng bật mí về món bún "độc lạ" này: "Bún thảo dược được làm bằng một số loại thảo dược như hoài sơn, ý dĩ, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen và không sử dụng hóa chất phụ gia, chất bảo quản, làm trắng. Nhờ pha chế các thảo dược, sản phẩm không những dẻo, kết dính tự nhiên, mà còn có vị thơm ngon, tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng".

Gây tò mò ở gian hàng của huyện Hải Hà (Quảng Ninh) là sản phẩm bánh chưng cơm lông. Ngoài những nguyên liệu như các loại bánh chưng khác thì còn thêm lá cơm lông xay nhuyễn.

Đây là một loại lá cây mọc nhiều ở địa phương, có vị ngọt bùi, hương thơm, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, tăng cường sức khỏe. Khi nấu chín hoặc xay nhuyễn, lá cây cơm lông có màu đỏ tía, đẹp, bắt mắt.

Tại gian hàng của TP.Móng Cái, sản phẩm trà chùm ngây lập kỷ lục bán ra từ trước đến nay. Bà Tống Thị Lợi, đại diện Công ty CP quốc tế Ngọc Hà, đơn vị sản xuất trà chùm ngây cho biết, sau 3 ngày gần 1.000 hộp trà đã bán hết.

Ông Nguyễn Đình Tuấn - Trưởng ban Xây dựng nông thôn mới Quảng Ninh - cho biết: "Năm nay tuy số lượng sản phẩm ít hơn năm trước nhưng toàn hàng chất lượng, được các địa phương tuyển chọn kỹ mới đem ra bán nên hút khách".

Theo Thanh Niên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.