Đây là lúc các bệnh hô hấp và bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cảm cúm, tiêu chảy…, nhất là đối với trẻ nhỏ vì sức đề kháng của trẻ còn kém, hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện.
Gia tăng số ca nhập viện
Thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư tiếp nhận khoảng 3.000 trẻ tới khám và nhập viện, trong số đó có khoảng 35% - 40% mắc các bệnh về hô hấp.
Ông Trần Minh Điển – Phó Giám đốc BV - cho biết, thời tiết giao mùa xuân hè làm cho sức đề kháng ở trẻ giảm - điều kiện thuận lợi cho một số loại bệnh bùng phát: Hô hấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cảm cúm, tiêu chảy…
Bệnh nhân vào viện chủ yếu là trẻ dưới 6 tháng tuổi, đa số bị nhiễm trùng đường hô hấp, gây viêm tiểu phế quản hoặc viêm phế quản phổi. Trẻ càng nhỏ thì bệnh có diễn tiến càng nhanh, nên việc điều trị thường mất thời gian, bệnh dễ tái phát và phức tạp hơn.
Tại Khoa Nhi (BV Bạch Mai), lượng bệnh nhân nhi nhập viện cũng tăng cao. Đặc biệt số trẻ mắc các nhóm bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen tăng 30%. Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi cho rằng: Số bệnh nhi đến khám vì các bệnh lý này tăng 30% so với ngày thường. Trẻ bị viêm tiểu phế quản với những cơn ho dai dẳng, dễ phù nề đường thở gây khó thở, trong khi bệnh lại không đặc hiệu với kháng sinh nên việc điều trị phải rất kiên trì, tái khám thường xuyên khiến bố mẹ có tâm lý lo lắng.
Theo Ths.BS Vũ Mạnh Cường, Phó khoa Bệnh nhiệt đới (BV E), cách phòng tránh các căn bệnh giao mùa xuân – hè chính là tiêm vắc xin phòng bệnh. Hiện nay, tại BV E và một số điểm tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội có một số vắc xin phòng bệnh: Thủy đậu, sởi, rubella, tiêu chảy do rotavirus, cúm…
Tuy nhiên, một số loại bệnh giao mùa chưa có vắc xin phòng bệnh như bệnh tay chân miệng. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm bệnh có thể được giảm thiểu bằng việc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và chăm sóc y tế kịp thời cho những trẻ em bị bệnh…
Phòng tránh bệnh hiệu quả
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện có một số bệnh có nguy cơ xâm nhập, bùng phát, đặc biệt là dịch mới nổi và dịch bệnh giao mùa xuân - hè. Do vậy, người dân không nên chủ quan với bất kỳ loại bệnh nào vì kể cả bệnh cúm thường - căn bệnh rất dễ mắc trong giai đoạn chuyển mùa - cũng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong.
Ngoài ra, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, để phòng bệnh, mỗi người cần thực hiện vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, mặc đủ ấm, ăn chín, uống sôi, sử dụng nguồn nước sạch, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn. Người dân cần lựa chọn các loại thực phẩm bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Riêng đối với trẻ nhỏ, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo phụ huynh cần cho con tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch, tránh cho trẻ tiếp xúc với người ốm. Mọi người cần thường xuyên theo dõi sức khỏe, khi bị bệnh thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Người dân tuyệt đối không được tự ý mua thuốc để điều trị tại nhà, nhất là với thuốc kháng sinh vì kháng sinh không có tác dụng diệt virus.