Ca mắc Covid-19 tăng nhanh sau Tết, Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương ứng phó

GD&TĐ - Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương lên phương án ứng phó với Covid-19 gia tăng nhanh chóng sau Tết.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Bộ Y tế, đến nay dịch bệnh Covid-19 cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Mặc dù vậy, trong bối cảnh nước ta đang dần mở cửa lại các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế xã hội; nhất là sau Tết Nguyên Đán người dân trở lại đi làm, đi học... có sự gia tăng giao lưu đi lại của người dân tại tất cả các địa phương, việc tổ chức lễ hội văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, việc thăm hỏi người thân, việc di chuyển của người dân trở lại làm việc sau Tết… dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến thể Omicron.

Nếu không kiểm soát, số mắc tăng quá mức, sẽ tăng ca nặng, gây quá tải hệ thống y tế dẫn đến nhiều trường hợp tử vong ngoài ý muốn.

Hiện có nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng nhanh sau Tết như Sơn La vượt ngưỡng 4.000 ca mắc Covid-19 từ đầu năm 2022 đến nay. Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 mới ở Sơn La tăng mạnh, trong đó có rất nhiều trường hợp phát hiện tại cộng đồng.

Trong quá trình xét nghiệm phục vụ công tác giám sát dịch Covid-19 trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Sơn La đã ghi nhận thêm 291 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 (tăng 116 ca so với ngày trước đó). Thành phố Sơn La và huyện Mộc Châu có số mắc cao từ 77 đến 83 ca; 10 huyện còn lại có số ca mắc 1 đến 45 ca.

Theo đánh giá của CDC Sơn La, trong số 291 ca mắc Covid-19, có 81 ca thuộc các huyện Yên Châu, Thuận Châu, Mường La, Phù Yên, Bắc Yên, Sông Mã và thành phố Sơn La có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng cao. Do các trường hợp này đã tiếp xúc với nhiều người trước khi phát hiện hoặc phát hiện tại cộng đồng qua khám sàng lọc, một số trường hợp là F1 liên quan đến các ca dương tính trước đó.

Hiện, các cơ quan chức năng đang khẩn trương truy vết những trường hợp tiếp xúc gần để quản lý, cách ly và tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.

Hải Phòng ngày 9/2 tiếp tục ghi nhận 1.290 ca mắc Covid-19 mới ở 14/15 quận, huyện. Trong đó, 1.138 trường hợp tự đi làm xét nghiệm, 48 bệnh nhân test nhanh dương tính, 73 ca F1, 21 bệnh nhân nghi ngờ, còn lại là trường hợp xét nghiệm sàng lọc nhân viên y tế.

Đáng chú ý, từ ngày 8/2/2022 đến 17h chiều nay, ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng có 983 ca mắc; trong đó, 65 trường hợp là giáo viên và 918 bệnh nhân là học sinh.

Cũng theo ngành Y tế Hải Phòng, trong ngày địa phương đang điều trị cho 2.771 bệnh nhân nặng. Cụ thể: 1.977 ca thở oxy qua mặt nạ, thở oxy dòng cao HFNC 369 trường hợp, 72 ca thở máy không xâm lấn, thở máy xâm lấn 335 ca và 18 bệnh nhân ECMO.

Đối với tỉnh Hải Dương, hôm nay phát sinh thêm 1.120 trường hợp mới, đây cũng là ngày thứ 2 địa phương này ghi nhận trên 1.000 ca mắc. Trong số những bệnh nhân mắc mới có 677 là F1, 165 ca ho sốt cộng đồng, 240 trường hợp sàng lọc cộng đồng, 1 ca sàng lọc bệnh viện và 37 trường hợp về từ các tỉnh khác.

Những địa phương có số ca mắc trong ngày trên 100 bệnh nhân gồm: Huyện Kim Thành 248, thị xã Kinh Môn 164 và TP. Hải Dương 170. Đến ngày hôm nay 7 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố có số ca mắc vượt mốc trên 1.000 bệnh nhân.

Cũng theo ngành Y tế Hải Dương, trong ngày trên địa bàn tiếp tục có thêm 2 trường hợp mắc Covid-19 tử vong ở huyện Nam Sách và TP. Hải Dương. Những ca bệnh này thuộc người cao tuổi, có bệnh nền và chưa tiêm vaccine phòng Covid-19.

Tình hình dịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang có nhiều diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh, có nguy cơ lây nhiễm qua khu vực biên giới vào nội địa. Đặc biệt tại một số địa bàn (xã, bản) thuộc các huyện Tủa Chùa, Mường Ảng và thành phố Điện Biên Phủ có số ca mắc ngoài cộng đồng tăng cao. Chỉ trong 7 ngày đầu tháng 2/2022, toàn tỉnh Điện Biên đã ghi nhận hơn 670 bệnh nhân mắc Covid-19 (trong đó có 470 ca ngoài cộng đồng).

Theo đó, lãnh đạo tỉnh Điện Biên yêu cầu các địa phương trong tỉnh cân nhắc việc tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa, tổ chức thực hiện các tập tục tang ma, lễ cưới của người dân sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, phải nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, bị động và điều hành công tác phòng, chống dịch phù hợp theo từng hoàn cảnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành y tế tỉnh Hà Nam đang tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan, tiến hành điều tra dịch tễ, lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19. Đội ngũ kỹ thuật viên của khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam đã làm việc xuyên đêm.

Bên cạnh đó, ngành y tế phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện các hoạt động giám sát, theo dõi sức khỏe các trường hợp hoàn thành cách ly tập trung, bệnh nhân Covid-19 đã được điều trị khỏi xuất viện, người về từ các địa phương đang có dịch để hướng dẫn cách ly, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định; duy trì các hoạt động tiếp nhận, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm định kỳ đối với các công dân được xác định là F1; các chuyên gia và thân nhân chuyên gia nhập cảnh, công dân Việt Nam về nước đang được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh theo quy định; đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tiêm chủng toàn dân, đẩy nhanh tiến độ bao phủ nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và sức khỏe người dân.

Tỉnh Nghệ An cũng đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ