Ca mắc Covid-19 gia tăng, hàng loạt địa phương điều trị F0 tại nhà

GD&TĐ - Thống kê đến chiều 24/11, Khánh Hòa đã triển khai chăm sóc, điều trị cho 362 F0 tại nhà. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết, các F0 tại nhà sẽ được chăm sóc một cách tốt nhất.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Khánh Hòa, đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến tối 24/11) số ca mắc Covid-19 ghi nhận trên địa bàn tỉnh là 12.128 ca, trong đó có 9.401 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 02/09 huyện, thị xã, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Khánh Sơn và Trường Sa.

Thông tin từ Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, thống kê chính thức đến chiều 24/11 đã triển khai chăm sóc, điều trị cho 362 F0 tại nhà. Các F0 này đều đáp ứng được đầy đủ các điều kiện, yêu cầu theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Khánh Hòa.

Cũng theo Sở Y tế Khánh Hòa, ngành y tế địa phương đã triển khai gần 140 trạm y tế lưu động tại các xã, phường trên địa bàn để để đáp ứng cho việc chăm sóc, điều trị các F0 tại nhà.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cũng cho biết, các F0 tại nhà sẽ được chăm sóc một cách tốt nhất. Sở Y tế đã tập huấn đầy đủ, chi tiết công tác chăm sóc, điều trị này cho các Trung tâm Y tế cũng như các Trạm Y tế, y tế lưu động.

Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Khánh Hòa đưa ra hướng dẫn, các F0 chăm sóc, điều trị tại nhà phải đáp ứng được tiêu chí như: Không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Bên cạnh đó phải đáp ứng thêm tối thiểu một trong các tiêu chí như: Đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 hoặc tiêm 1 mũi đủ 14 ngày hoặc là trẻ em trên 1 tuổi; người lớn dưới 60 không có bệnh nền; người không mang thai.

Các F0 điều trị tại nhà cũng phải có đủ khả năng tự chăm sóc bản thân (ăn uống, tắm rửa…). Có khả năng tự liên lạc với nhân viên y tế khi có tình trạng chuyển biến xấu, cấp cứu. F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc được thì phải có người chăm sóc…

Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố ở Khánh Hòa sẽ cấp chứng nhận cho các F0 hoàn thành điều trị tại nhà đối với các trường hợp:

F0 không triệu chứng đã cách ly, điều trị tại nhà tối thiểu 10 ngày, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính hoặc nồng độ vi rút thấp vào ngày thứ 9.

F0 có triệu chứng nhẹ đã được cách ly, điều trị tại nhà tối thiểu 14 ngày. Các triệu chứng nhẹ hết trước ngày hoàn thành điều trị từ 3 ngày trở lên. Có xét nghiệm Covid-19 âm tính hoặc nồng độ vi rút thấp.

Đối với các F0 điều trị trên 10 ngày mà nồng độ vi rút vẫn cao thì sẽ cách ly thêm tại nhà cho đủ 21 ngày, hết các triệu chứng 3 ngày trước ngày hoành thành cách ly thì mới được cấp chứng nhận F0 hoàn thành điều trị.

Trước tình hình số ca mắc Covid-19 tăng, ngoài Khánh Hòa, nhiều địa phương triển khai điều trị F0 không triệu chứng tại nhà như tại tỉnh Tiền Giang hiện có 5.121 bệnh nhân đang được điều trị, trong số này có khoảng 65% F0 điều trị tại nhà.

Hiện toàn tỉnh Tiền Giang có 216 F1 đang cách ly tập trung và hơn 9.660 F1, F2 và người về từ vùng nguy cơ đang theo dõi sức khỏe tại nhà.

Tương tự, gần đây do số F0 tăng cao đột biến, ngoài công tác tiêm vắc xin, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang triển khai kế hoạch điều trị F0 không triệu chứng và cách ly F1 tại nhà. 

Để cách ly điều trị tại nhà người mắc Covid-19 (F0) không triệu chứng đạt hiệu quả cao, Thành phố Bạc Liêu đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế và lực lượng tham gia theo dõi, điều trị F0 tại nhà. Riêng các phường, xã đã thành lập đội phản ứng nhanh, gồm đại diện lãnh đạo UBND, lực lượng công an, y tế,… nhằm thực hiện nhiệm vụ truy vết, dập dịch, theo dõi, cấp cứu người mắc Covid-19 điều trị tại nhà một cách nhanh chóng, kịp thời.

Hiện nay thành phố Bạc Liêu cũng đang rất thận trọng triển khai thực hiện từng bước. Thành phố chỉ đạo thí điểm điều trị F0 tại nhà cho 7/10 phường, xã. Mỗi phường, xã chọn 5 ca bệnh đáp ứng các điều kiện sẽ được điều trị cách ly tại nhà.

Dự kiến sau 1 tuần triển khai thì thành phố sẽ họp đánh giá rút kinh nghiệm những mặt được, chưa được để triển khai tiếp theo.

Tại Đồng Tháp, trong những ngày qua ghi nhận ca mắc Covid-19 tăng cao, hiện nay địa phương đang điều trị là 5.508 ca, trong đó có 405 trường hợp điều trị tại nhà, nơi cư trú, số còn lại đang điều trị tại cơ sở điều trị trên địa bàn.

Tại cuộc họp với các huyện, thành phố trên địa bàn Đồng Tháp về công tác xét nghiệm, điều trị Covid-19 trong tình hình mới mới diễn ra, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương mạnh dạn vận dụng, xử lý các trường hợp đặc biệt trong công tác thu dung, điều trị F0 tại nhà, tạo thuận lợi cho bệnh nhân trong sinh hoạt.

Để giảm bớt áp lực cho tầng 2 ở tuyến tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng yêu cầu các Trung tâm Y tế huyện, phố ngoài các khu cách ly F0 cần bố trí thêm khu điều trị F0 tầng 2.

Trong thời gian tới, Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, Đồng Tháp sẽ chuyển thành khu thu dung, điều trị F0 tầng 2 và tầng 3. Ngoài ra, Đồng Tháp cũng dự kiến tổ chức thêm khu điều trị F0 tầng 2 tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự và Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười.

Còn tại Vĩnh Long, ngày 23/11 đã ghi nhận thêm hơn 500 ca mắc mới, đây là số F0 phát hiện trong ngày nhiều nhất từ trước đến nay. Do số F0 tăng cao Vĩnh Long đã cho phép cách ly trường hợp F1 tại nhà. Sau 7 ngày triển khai Vĩnh Long đã có hơn hơn 2.600 F1 đang được theo dõi tại nhà.

Ông Văn Công Minh, Giám đốc sở y tế tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện đang xây dựng phương án điều trị F0 không triệu chứng tại nhà: "Tỉnh đã có phương án đưa người mắc Covid-19 không triệu chứng về chăm sóc và điều trị tại nhà, có phương án thành lập trạm y tế lưu động. Các trạm y tế lưu động này sẽ chăm sóc các bệnh nhân F0 không triệu chứng tại nhà".

Hiện tỉnh Bình Định đã ghi nhận hơn 3.000 ca mắc. Riêng ngày 24/11, tỉnh này ghi nhận 142 số ca mắc, cao nhất từ trước đến nay, trong đó thành phố Quy Nhơn có 60 ca mắc.

Thành phố Quy Nhơn áp dụng điều trị F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà. Trước mắt, Trung tâm Y tế thành phố thành lập 1 “trạm y tế lưu động” tại phường Nhơn Phú. Tiếp đó sẽ tiếp tục kiện toàn 21 đội y tế lưu động tại 21 phường, xã. Mỗi đội có 5 người, gồm 1 bác sĩ và 4 nhân viên y tế, phụ trách chăm sóc, theo dõi, điều trị từ 50-100 F0 không có triệu chứng tại nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.