Bút rơi trúng làng, Trời sinh nhân kiệt

GD&TĐ - Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) là ngôi làng có truyền thống hiếu học, sản sinh ra nhiều nhân tài có công lớn với đất nước.

Đình Hoa Xá, nơi gần vị trí “quản bút” trong truyền thuyết.
Đình Hoa Xá, nơi gần vị trí “quản bút” trong truyền thuyết.

Với 12 tiến sĩ, 27 hương cống thời Lê và 10 cử nhân thời Nguyễn, Tả Thanh Oai xứng đáng là làng khoa bảng đất Thăng Long xưa. Không chỉ có vậy, Tả Thanh Oai chính là quê hương của những danh sĩ nổi tiếng đương thời như Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm.

“Quản bút” rơi trúng làng

Làng Tả Thanh Oai có tên Nôm là Kẻ Tó, còn gọi là Tó Tả để phân biệt với làng Tó Hữu bên kia sông Nhuệ. Tó Tả là một làng quê nổi danh khoa bảng, văn chương được ghi chép nhiều trong các thư tịch, sách vở và qua nguồn tư liệu Hán - Nôm phong phú còn được lưu giữ tại làng như văn bia, bản khắc gỗ hay gia phả dòng họ.

Trong đó, rất đáng chú ý là cuốn “Lư sử điển yếu điều lệ”. Cho đến nay, giới nghiên cứu chưa từng thấy tài liệu nào thuộc loại hình gọi là “Lư sử”. Một tư liệu khác là “Dư địa chí” của Nguyễn Trời, cũng ghi rằng “Tó Tả là một trong bốn kinh trấn phên dậu phía Nam của kinh đô Thăng Long”.

Chẳng biết vô tình hữu ý, mà người xưa đã sáng tạo ra một truyền thuyết liên quan đến con trai Thủy Thần vâng mệnh thầy giáo danh tiếng Chu Văn An. Dù mất đi sinh mệnh, nhưng người học trò kia đã cứu dân và tặng ban cho ngôi làng chẳng liên quan một “quản bút” phát đường khoa bảng.

Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính khi ghi chép về sự tích con trai Thủy Thần có viết rằng: Vào thời nhà Trần có danh nho tên là Chu Văn An thi đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan, ông trở về quê hương mở trường dạy học ở xã Cung Hoàng, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Trong số học trò của thầy có một thư sinh rất chăm đến nghe thầy giảng nhưng không rõ tung tích. Thầy cho trò lần tìm mới hay thư sinh đó học xong thường đi ra đám lau sậy bên bờ đầm Lân Đàm thì mất tích. Chu Văn An biết đó là Thủy Thần.

Thời ấy, phải năm đại hạn, dân tình đói khổ, Chu Văn An liền gọi chàng thư sinh là Thủy Thần đến bảo có cách gì cứu dân. Chàng thư sinh suy nghĩ trong chốc lát rồi lấy nghiên bút ra đổ nước mài mực và dùng bút thấm mực vẩy ra khắp bốn phương.

Mực son vung lên trời thành sấm chớp. Mực đen vung lên trời thì mây đen kéo đến và mưa tầm tã, nước đen như mực. Sau một tuần mưa, chàng thư sinh từ trường vội đi về bờ đầm, bỗng trên trời có tiếng nổ lớn. Thầy trò ra đầm không thấy thư sinh đâu, chỉ thấy có một xác thuồng luồng nổi dưới đầm.

Chu Văn An cùng học trò và dân chúng trong vùng mai táng xác thuồng luồng, lập đền thờ. Nay vẫn còn dấu vết mộ thần. Chỗ nghiên mực bị ném rơi xuống đã biến thành đầm nước lúc nào cũng đen, gọi là Đầm Mực. Quản bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai, biến thành làng văn.

Cầu Minh Ngự Lâu, nơi ghi dấu ấn cha con Ngô Thì Sĩ - Ngô Thì Nhậm.
Cầu Minh Ngự Lâu, nơi ghi dấu ấn cha con Ngô Thì Sĩ - Ngô Thì Nhậm.

12 tiến sĩ Tả Thanh Oai

Cho đến nay, nhiều người chỉ coi đấy như một giai thoại để giải thích địa danh Đầm Mực và làng văn khoa Tả Thanh Oai. Tuy nhiên, người địa phương vẫn cho đấy là một câu chuyện thật. Trời giúp làng sinh ra những bậc nhân kiệt tài đức nổi danh thiên hạ.

Các nhà nghiên cứu đều thống nhất, chỉ ở những vùng quê nho học khoa bảng, có đội ngũ nho sĩ đông đảo mới soạn ra những cuốn sách chữ Hán - Nôm quy mô đồ sộ. Như làng Quỳnh Đôi ở Nghệ An có sách “Quỳnh Đôi hương biên”; làng Đông Ngạc ở Từ Liêm (Hà Nội) có “Đông Ngạc xã chí”. Và có thể nói, những sách đó chỉ là “chí” hoặc “biên”, hoặc “ký”, còn “Lư sử” thì chỉ thấy ở Tả Thanh Oai.

Nếu như tiền nhân biên soạn được cuốn sách hay, ghi lại luật lệ thì hậu thế lại giữ được luật lệ ấy. Không chỉ vậy, người địa phương còn lưu được khá toàn vẹn các đền thờ, các văn bia xưa chứng minh cho khoa danh rạng rỡ của làng.

12 tiến sĩ và nhiều cử nhân, hương cống cùng họ, tên, năm đỗ, chức quan của các tiến sĩ đó được ghi trên tấm bia “Lịch triều đại khoa”, dựng tại Văn Chỉ làng. Người khai khoa của Tó Tả là Nguyễn Chỉ, đỗ khoa Quý Dậu niên hiệu Thái Hòa đời Lê Nhân Tông.

Thứ hai là tiến sĩ Nguyễn Khánh Dung đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Quốc Tử giám Tế tửu. Sau đến Ngô Tuấn Dị đời Lê Hy Tông, làm quan Hàn lâm viện Hiệu thảo. Tiến sĩ thứ tư là Ngô Vi Thực làm quan Lễ khoa Cấp sự trung, sau được cử đi đốc chiến ở Cao Bằng, tử trận.

Tiếp đến là Ngô Vi Nho làm quan Giám sát Ngự sử. Rồi Ngô Đình Thạc làm Phó sứ sang nhà Thanh, sau phong Thượng thư bộ Binh, tước Quận công. Khoảng năm 1739 ông giữ chức Tham tụng kiêm Thượng thư bộ Hộ, đặc phái lên trấn thủ Lạng Sơn, không may bị sa vào tay giặc, như sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ghi: “Đình Thạc giữ tiết tháo, không chịu khuất phục, để chết”.

Tiếp nữa là Ngô Đình Chất, trải nhiều bước thăng trầm rồi cũng làm tới Thượng thư bộ Binh. Tiến sĩ thứ tám là Nguyễn Tông Trình, hiệu Song Ngạc, nổi tiếng văn hay và đức độ.

Ngô Thì Sĩ đỗ đầu khoa chọn người giỏi, được chọn làm tuỳ giảng cho Thế tử Trịnh Sâm. Sau này đỗ Hoàng giáp làm Đốc trấn Lạng Sơn. Ông chính là người cho dời thành Lạng Sơn lên núi Lộc Mã, mở mang động Nhị Thanh trở thành một thắng tích nổi tiếng.

Con trai ông là tiến sĩ Ngô Thì Nhậm làm thầy dạy Trịnh Khải. Đến năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, Ngô Thì Nhậm theo Tây Sơn, được Nguyễn Huệ xếp cùng Ngô Văn Sở cai quản Bắc Hà. Sau Thì Nhậm có Nguyễn Nha và Ngô Điền đỗ tiến sĩ, làm quan to và để lại nhiều trước tác văn chương cho hậu thế.

Đền thờ họ Ngô, nơi gắn bó với “Ngô gia văn phái”.
 Đền thờ họ Ngô, nơi gắn bó với “Ngô gia văn phái”.

Họ Ngô một bồ tiến sĩ

Không chỉ là làng khoa bảng, Tả Thanh Oai còn là quê hương của “Ngô gia văn phái”. Tổng số các tác phẩm của “Ngô gia văn phái” lên đến 36 bộ sách phản ánh được nhiều mặt đời sống xã hội, chính trị, văn hóa của nước ta từ giữa thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19.

Ngô Trân - cụ nội của Ngô Thì Nhậm từng được coi là một trong “Trường An thất hổ” bởi sức học uyên thâm cùng tài văn chương, đã dạy Ngô Thì Nhậm từ thuở còn để chỏm. Ngô Thì Ức - ông nội Thì Nhậm là người hay chữ, 14 tuổi đã đỗ thứ hai kỳ thi hương.

Cha ông là Ngô Thì Sĩ, ngoài việc được cụ Ngô Trân kèm cặp, còn được cho đi theo học những bậc danh gia ở Thăng Long và cuối cùng đã đỗ tiến sĩ, làm quan lớn, văn chương nổi danh khắp vùng Bắc Hà.

Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, Ngô Thì Nhậm trong tính cách và học vấn đã thừa kế được những tinh túy học thuật. Ngay từ nhỏ, Thì Nhậm đã được coi là thần đồng. Hơn chục tuổi đã thông làu kinh truyện; 16 tuổi viết được cả một bộ sách nhan đề “Nhị thập thất sử toát yếu”; 21 tuổi soạn xong “Tứ gia tuyết phả”.

Tên cúng cơm của Ngô Thì Nhậm là Phó. Khi đi thi, người cha vấn vương mãi không biết đặt tên con mình là gì cho hợp. Cậu bé Phó mới bảo cha: “Cho con thêm trên đầu chữ Sĩ của cha một dấu phẩy thành chữ Nhậm”. Cụ Sĩ vui mừng, gật gù: “Rồi con sẽ hơn cha một cái đầu”. Quả thật, sau này khi làm quan triều Lê, Thì Nhậm được vua khen là “Tuấn mã ngàn dặm”.

Ngô Thì Nhậm sớm đỗ đạt, tài năng trổi vượt, được chọn làm người dạy học Thế tử Trịnh Cán. Sau vụ án năm Canh Tý (1780), Thì Nhậm bị nghi là người tố giác Trịnh Khải nên phải lánh nạn. Khi theo Nguyễn Huệ, Thì Nhậm bày nhiều kế hay nên được cùng tướng Ngô Văn Sở cai quản Bắc Hà.

Cuối năm Mậu Thân (1788), Lê Chiêu Thống cầu viện rước 29 vạn quân Thanh tràn đánh Bắc Hà. Thế giặc như lũ cuốn, Ngô Thì Nhậm đề ra kế sách rút quân về Tam Điệp. Nhờ kế ấy mà Nguyễn Huệ còn đủ binh lực, thần tốc đánh bại 29 vạn quân Thanh, giải phóng Thăng Long.

Chí khí của người anh hùng còn được thể hiện ngay cả khi lâm nạn. Đặng Trần Thường từng đến xin Nhậm tiến cử nhưng vì khúm núm, nên Thì Nhậm đuổi đi. Thường hổ thẹn, vào Nam theo phò Nguyễn Phúc Ánh. Khi Gia Long phục triều thì các võ tướng văn quan của Tây Sơn bị xử đánh roi ở Văn Miếu. Chủ trì cuộc phạt là Đặng Trần Thường.

Để rửa hận, Thường kiêu hãnh ra vế đối: “Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai”. Ngô Thì Nhậm đáp: “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế”.

Đặng Trần Thường bắt Ngô Thì Nhậm phải sửa lại “thế đành theo thế”. Thì Nhậm không nói lại, Thường sai người dùng roi tẩm thuốc độc đánh ông. Sau trận đòn ấy, biết mình không qua khỏi, Thì Nhậm làm bài thơ gửi Đặng Trần Thường: Ai tai Đặng Trần Thường/Chân như yến xử đường/Vị Ương cung cố sự/Diệc nhĩ thị thu trường.

Quả như tiên đoán, khi đang ở đỉnh cao thì Thường bị sa cơ bởi lời xúc xiểm và bị chính chủ nhân của mình – vua Gia Long kết tội xử giảo năm 1816.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.