Bút Chì và những lớp học toa tàu

GD&TĐ - Nổi tiếng với việc vẽ bìa, minh họa sách, vẽ truyện tranh… dưới nghệ danh Bút Chì, năm 2011, Đỗ Hữu Chí tạm gác việc làm sách để đi Mỹ du học. Hiện anh chàng thạc sĩ ngành Truyện tranh của Savannah College of Art and Design (Mỹ) lại tạm gác những gì đã học để theo đuổi dự án “tìm kiếm niềm vui” trên Toa Tàu của mình với nhiều lớp học hấp dẫn như: Thế giới câu chuyện, Tìm mình qua ảnh, Ngồi xuống viết chơi... 

Đỗ Hữu Chí
Đỗ Hữu Chí

Rủ mọi người cùng chơi

Sau khi từ Mỹ trở về, Đỗ Hữu Chí băn khoăn tại sao mọi người cứ đầu tắt mặt tối để làm thứ này thứ kia mà không chơi, nhiều người còn xem việc dành thời gian để chơi là xa xỉ, tiếp cận nghệ thuật là xa xỉ. Thế là chàng Bút Chì khởi động những dự án để rủ mọi người đến chơi với mình bằng cách vẽ, viết, kể chuyện, chụp hình…

Ban đầu, Chí mở các lớp Vẽ kể chuyện ở các thành phố lớn với mong muốn làm gì đó để con người trở lại ngây thơ, trong trẻo như lúc ban sơ. Ở lớp vẽ của chàng họa sĩ “kỳ cục” này, người ta không phải đến để học vẽ cho đẹp mà đến để được khuyến khích vẽ lên câu chuyện tự trong lòng mình, như một cách giãi bày.

Những lớp Vẽ kể chuyện ngày càng thu hút học viên từ người lớn đến thiếu nhi, nhưng bao nhiêu đó chưa đủ cho những gì Chí muốn làm.

Giữa năm 2014, Chí cùng hai người bạn là Phương Huyên (dịch giả) và Thu Thủy (tiến sĩ Thiết kế tài liệu giảng dạy, Đại học Texas - Austin) thành lập Toa Tàu - một mô hình học tập tự do theo tinh thần của trường Tomoe trong tác phẩm Tottochan-cô bé bên cửa sổ của nhà văn nữ Nhật Bản Kuroyanagi Tetsuko.

Một nhà kho cũ nằm gần Khu du lịch Văn Thánh được sửa sang, Toa Tàu được lập ra ở đó với ước mong là “nơi người lớn được là trẻ con và trẻ con được là chính mình” và chính vì thế các khóa học ở đây thu hút nhiều người.

Đỗ Hữu Chí và chú xe ôm vẽ

Đỗ Hữu Chí và chú xe ôm vẽ

Một lớp học Toa Tàu

Một lớp học Toa Tàu

Ý tưởng của Toa Tàu là tạo một nơi mọi người đến dùng nghệ thuật làm phương tiện để trải nghiệm những khoảnh khắc được là chính mình, được biểu đạt những cảm xúc, suy nghĩ và kể câu chuyện của mình.

Đến với Toa Tàu là để vui chơi, để được giải phóng những tù túng trong tâm trí và cơ thể mình, thế nên học viên ở đây được vẽ, được chơi đàn, được gấp giấy origami, được nhảy múa… theo những cách rất đặt biệt mà ai cũng thấy vui, không ai bị phán xét.

Bạn thử tưởng tượng, một sáng cuối tuần, bạn đến với Toa Tàu nhìn những đứa trẻ say sưa vẽ vẽ, viết viết hay chụp hình, nặn đất, thậm chí nằm dài ra sàn ôm chú mèo thủ thỉ chuyện trò… thì sáng hôm ấy nhẹ nhàng biết bao, kiểu gì bạn cũng muốn nhập cuộc để chơi với mọi người.

Đến Toa Tàu rất dễ bị Chí “dụ dỗ”: “Chị có muốn chơi trò này không, em chỉ chị chơi nhé. Dễ lắm!”, đó là lúc anh chàng đang “nguệch ngoạc” những vệt màu trên giấy A4 để kích thích người chơi tưởng tượng đó là hình thù gì và vẽ thêm vào để hoàn thành hình ảnh mà mình đã tưởng tượng.

Các lớp học ở Toa Tàu nhìn qua thì thấy đầy sự tự do nhưng thật ra chúng được làm bài bản và khoa học sau một thời gian nghiên cứu, thử nghiệm. Quan điểm của Chí là người ta phải thấy vui với việc học nên các lớp học ở đây không phải học để biết mà để cảm nhận, chẳng hạn lớp đàn Ukulele không chỉ là học các thế tay, cách gảy đàn mà để học viên cảm nhận được âm nhạc và thấy âm nhạc đem lại niềm vui cho mình hay việc nhảy múa không chỉ là việc học điệu Waltz, điệu cha cha cha…, mà còn là việc cảm nhận cơ thể mình, thể hiện cảm xúc bằng cơ thể và yêu quý cơ thể mình hơn.

Rất dễ nhận thấy ở Toa Tàu mọi người đều chơi vui và sáng tạo theo cách của riêng mình, không khuyến khích sự sao chép. Chí đã chứng minh cho nhiều người thấy đến với nghệ thuật không có gì khó, nghệ thuật rất cần thiết và gần gũi chứ không xa xỉ. Sau 3 năm thành lập, Toa Tàu đã tạo ra hơn 200 khóa học cho cả người lớn và trẻ em, đón khoảng 4 nghìn người đến chơi.

Toa tàu lăn bánh

Rất nhiều người đã đến với Toa Tàu nhưng với Chí thì con số ấy chẳng đáng là bao so với một cộng đồng rộng lớn ngoài kia - những người hoàn toàn chưa biết đến Toa Tàu hoặc có biết đến nhưng “tôi không quan tâm, tôi thích đi chơi, đi ăn…”. Chàng trai trẻ đặt ra câu hỏi, nếu những người chưa biết hoặc không quan tâm họ cũng được chơi, được viết, vẽ… thì chúng ta có gì?

Vậy là, chàng họa sĩ Bút Chì cùng những người anh em trong Toa Tàu mở thêm một dự án khác mang tên Gieo. Chí nói Gieo là ước mơ nối dài của Toa Tàu, để làm sao ngày càng nhiều người được có cơ hội bày tỏ cảm xúc hay mạnh dạn kể câu chuyện của mình.

Từ ngày có Gieo, Toa Tàu không đứng yên một chỗ mà bắt đầu chuyển động để tìm đến mọi người. Nếu các lớp học ở Toa Tàu có phí thì Gieo - một dự án cộng đồng - đến chơi miễn phí với mọi người. Năm 2016, Gieo được khởi động lần đầu tiên, đến với những cộng đồng gần TPHCM và từ sau ngày 2/9, Chí và Toa Tàu đã bắt đầu hành trình Gieo xuyên Việt để đến với 8 địa điểm trên cả nước với 8 nhóm người hoàn toàn khác biệt nhau. Hành trình này sẽ kéo dài 45 ngày.

Để Gieo xuyên Việt năm nay được diễn ra, Toa Tàu đã có những lần chơi thử nghiệm ở TPHCM và các tỉnh lân cận từ 6 tháng trước đó. Chí và những người bạn đã phải làm việc rất nhiều để chuẩn bị cho hành trình Gieo xuyên Việt của Toa Tàu. Nào là xin kinh phí, giấy phép hoạt động ở địa phương, chuẩn bị “giáo án”, họa cụ, máy ảnh… và cả những phương án dự phòng.

Các bạn Toa Tàu bao phen làm mọi người ngạc nhiên khi thì lên Facebook xin những đôi dép kẹp cũ, khi thì xin/mượn máy ảnh cũ, khi thì vận động mọi người đến xếp giấy giùm… Đến khi Toa Tàu bắt đầu chuyển bánh thì mọi người mới “ồ, thì ra họ xin dép để sơn lại và biến chúng thành những nhánh cây rất đẹp... Ồ thì ra họ đem máy ảnh để mọi người chụp hình…”. Cứ như vậy mà nhiều người tình nguyện phụ Toa Tàu một tay để Gieo kịp lên đường. Thế nhưng, không việc nào khó bằng việc xin kinh phí.

Theo Đỗ Hữu Chí thì một dự án như Gieo có cái khó là không trình bày cho nhà tài trợ thấy được kết quả việc mình làm hay tính bền vững của dự án rằng 3 hay 5 năm nữa sẽ lớn lên như thế nào. Cái mà Gieo nhận lại được là những gì thuộc về cảm xúc nên khó diễn đạt bằng chữ nghĩa. Chí vẫn quyết định dù không kêu gọi đủ 600 triệu như dự toán thì Gieo vẫn phải chạy, có ít tiền thì làm kiểu ít tiền.

Anh không kêu gọi tài trợ theo kiểu thương hại: tôi xin - anh cho và cũng không làm cho mọi người hiểu rằng đây là một dự án thiện nguyện để mình đi giúp đỡ người khác, không có nỗi buồn và sự thương xót ở đây.

Chí nói rõ: “Với dự án này, không phải chúng tôi đem cho ai cái gì, mà là chúng ta cho nhau, nguồn lực của cộng đồng sẽ được chúng tôi trao lại hoàn toàn cho cộng đồng”. Anh giải thích thêm, những người Toa Tàu của anh mời chơi cùng không phải vì họ khó khăn, nghèo khổ hay hời hợt - biết đâu tận bên trong họ vui hơn và sâu sắc hơn chúng ta - mà vì họ chưa biết cách bày tỏ cảm xúc của mình và các anh kích thích họ thể hiện những cảm xúc ấy.

Đỗ Hữu Chí cứ loay hoay mãi với cảm xúc của con người bởi vì anh cảm thấy dường như mỗi người đều có một nút ngăn không cho cảm xúc của mình bật ra và anh muốn làm tung cái nút ấy, chí ít là lúc anh đến chơi với họ. Với Chí, sẽ rất đẹp khi mọi người ngồi chơi với nhau một cách ngây thơ, kể cho nhau nghe những câu chuyện của mình, những cảm xúc mình, biết chia sẻ và lắng nghe nhau, hẳn đó là khoảnh khắc đáng quý của mỗi người.

Không biết bao nhiêu điều làm cho Chí cảm động kể từ khi Toa Tàu vận hành, như lần anh đưa cọ động viên bác xe ôm hãy vẽ ước mơ của mình hay lần anh khuyến khích chị bán áo mưa viết thư cho con trai, cả lần các anh dắt bọn trẻ đi ra ngoài chụp hình chủ đề Tình bạn thì bọn chúng đã làm anh ngạc nhiên khi chụp hình nhánh cây và đám mây rồi giải thích cây với mây là bạn thân, lúc cùng với anh em nhà máy rượu Phú Lễ (Ba Tri - Bến Tre) vẽ lên bức tường thật đẹp…

Chàng thanh niên mang tham vọng đem lại niềm vui, sự sáng tạo, kết nối và chữa lành những rạn nứt trong tâm hồn con người đang mải mê với “đoàn tàu” của mình - nơi anh có niềm vui mỗi ngày. Hỏi Chí gác lại những thứ đã học trong chuyên ngành của mình, anh nói: “Mỗi thời điểm, tôi chỉ làm một việc mà thôi và mỗi thứ đều vui”. Chí là vậy, không tính quá xa cho tương lai, mà anh sống trọn vẹn trong những khoảnh khắc làm cho mình cảm thấy vui và cuộc sống có ý nghĩa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.