Niềm vui không trọn vẹn
Kê cho mẹ chậu quất vào góc phòng xong, quay ra chị Kim Chi (khu tập thể Nhạc viện - Hào Nam - Hà Nội) mới để ý thấy thái độ buồn bã của mẹ. Như chỉ chờ có câu hỏi của con gái, mẹ chị rầu rĩ bảo: - Năm nay vợ chồng con cái nhà cậu cả lại giong nhau đi Nhật Bản ăn Tết rồi. Nó chở đến một túi thực phẩm nhét đầy tủ lạnh kia kìa, Tết nhất cốt là gia đình đoàn tụ, đầm ấm vui vầy bên nhau, chứ đi chơi nước ngoài hết thì đào, quất, thịt thà bày biện cho lắm làm gì?
Trong lúc chị Chi bấm điện thoại hỏi chị dâu thì bà mẹ hơn tám mươi tuổi bỏ vào phòng nằm đắp chăn. Chị rất sợ tâm trạng của mẹ những lúc gặp chuyện bất ưng như thế này.
Vợ chồng anh cả ở riêng, quanh năm suốt tháng bận bịu công việc nên thỉnh thoảng mới đáo qua nhà thăm mẹ già. Mấy đứa cháu nội thì bận mải học hành năm thì mười họa mới đến thăm bà. Nhà chỉ đông vui tiếng cười tiếng nói vào những ngày có giỗ nên bà cụ mong mỏi ngày Tết là dịp nghỉ dài thì mới có điều kiện được gần gũi con cháu lâu lâu một chút. Ai dè…
Nhạt vơi văn hóa cổ truyền
Nhiều người đi xa chỉ mong được về quê hương ăn Tết, sum vầy bên gia đình, họ hàng dù có phải lặn lội tàu xe, lo toan mua vé máy bay, tay xách nách mang sau tháng ngày chờ đợi. Người không về được thì khóc lóc, trở trăn.. Thế nhưng, nhịp sống của xã hội đang đổi thay từng ngày, từng giờ. Nhiều phong tục tập quán về ngày Tết cổ truyền đang dần bị quên lãng.
Chị Vĩnh Hoa - chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng lớn ở Đường Láng (Hà Nội) chia sẻ: Đành rằng đi du lịch thì đi lúc nào chả được. Song công việc kinh doanh cả năm của gia đình quá bận rộn. Gia đình tôi chả có dịp nào được đi du lịch cùng nhau nên việc đi chơi Tết xa nhà sẽ giúp các thành viên “xả” stress, gắn kết với nhau hơn.
Vì áp lực Tết nên nhiều nhà đóng cửa đi du lịch cũng bởi nhiều người phụ nữ chưa từng được hưởng thụ hương vị ngày Tết một cách đúng nghĩa. Họ quá tải với nỗi lo toan ăn uống, bếp núc, khách khứa… Khi có chút điều kiện, chị em muốn được sống cho bản thân một chút để nạp thêm nguồn năng lượng mới.
Nhận xét về xu hướng “trốn Tết” đi du lịch, nhà thơ Trần Đăng Khoa không tán đồng. Ông cho rằng: Tết là để sum họp, là để quay về với nguồn cội. Con cháu quây quần là đoàn tụ đại gia đình. Đoàn tụ cả với tổ tiên. Không phải trong khói hương huyền ảo trên bàn thờ, mà trong vóc dáng gương mặt các thế hệ nối tiếp.
Vì thế, con cháu về là mang theo cả mùa xuân về. Mùa xuân do con người làm ra rực rỡ, vui tươi và ấm áp hơn rất nhiều cái mùa xuân của quy luật tự nhiên, của trời đất. Cho nên, Tết - thay vì về nhà sum họp - lại bỏ quên cha mẹ, kéo nhau đi du lịch là bất hiếu...