Bươn chải để nuôi dưỡng đam mê

GD&TĐ - Thu nhập chưa bảo đảm cuộc sống, một số giáo viên chọn cách rời bục giảng để tìm kiếm công việc mới. 

Rời bục giảng, nhiều thầy cô ở Trường Mầm non Pú Hồng “hóa thân” thành dân buôn, rong ruổi trên những con đường gập ghềnh, trơn trượt.
Rời bục giảng, nhiều thầy cô ở Trường Mầm non Pú Hồng “hóa thân” thành dân buôn, rong ruổi trên những con đường gập ghềnh, trơn trượt.

Tuy nhiên dù khó khăn đa phần giáo viên ở Điện Biên vẫn tìm cách bươn chải để bám trụ với nghề.

Tằn tiện chi tiêu

Khi phụ huynh cuối cùng đến đón con cũng là lúc Mặt trời dần khuất sau dãy Pú Hồng. Dọn dẹp ngăn nắp lớp học, vợ chồng cô Quàng Thị Khánh và thầy Trần Đức Tú, Trường Mầm non Pú Hồng (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) lại ngược xuống bản. “Hôm nay, bà con vào rừng lấy được ít măng, gọi chúng tôi xuống mua”, cô Khánh nói.

Mặc dù từ trung tâm bản đến các hộ dân chỉ chừng 3 – 4km, song toàn bộ là đường đất. Cơn mưa nhỏ lúc chiều khiến nhiều đoạn đọng nước thành vũng, trơn trượt, khó đi hơn. Cô Khánh mang theo 2 đôi ủng, vài chiếc bao tải còn thầy Tú lắp bộ xích vào lốp xe rồi lên đường.

Thầy Tú, quê Phú Thọ, lên Điện Biên công tác từ năm 2016. Năm 2018, thầy và cô Khánh kết hôn và sinh con 1 năm sau đó. “Thu nhập không cao, trước một mình thì tạm ổn. Nhưng từ khi có gia đình, nhiều khoản chi tiêu phát sinh phải lo toan, cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Chúng tôi phải xoay đủ cách kiếm thu nhập thêm”, thầy Tú giãi bày.

Giáo viên mầm non xã Mường Lói, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên trồng thêm rau xanh để cải thiện bữa ăn.

Giáo viên mầm non xã Mường Lói, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên trồng thêm rau xanh để cải thiện bữa ăn.

Thế là, cứ ngoài giờ lên lớp và sau khi hoàn thành nhiệm vụ được phân công, thầy cô lại cùng nhau rong ruổi hết các điểm bản trong xã. Tranh thủ tìm và thu mua nông sản của bà con để mang về phố bán. Khi thì ngô, thóc; lúc lại gà, lợn; còn hiện tại là mùa măng. Theo thầy Tú, mỗi lần đi như vậy cũng giúp thầy cô gần gũi với phụ huynh và dễ nắm bắt tình hình học sinh hơn.

“Tổng thu nhập vợ chồng tôi khoảng 15 triệu đồng, tính cả phụ cấp thu hút. Trước chắt bóp thì cũng tạm đủ. Nhưng không thể ở nhờ mãi được nên năm kia vợ chồng vay ngân hàng hơn 200 triệu đồng để mua đất. Từ đó đến giờ, tháng nào cũng dành già nửa số lương để trả nợ. Nửa non còn lại lo đủ thứ, từ nuôi con, sinh hoạt, đi lại… nên phải tằn tiện lắm”, thầy Tú bộc bạch.

Còn cô Khánh chia sẻ, thường trong tuần hai vợ chồng ở tại trường. Cuối tuần cả nhà lại về ngoại, cách trường gần 40km. Chi phí đi đường mỗi tháng đã ngốn tiền triệu. Chưa kể năm nào cũng phải về quê nội, mỗi lần về tốn kém không ít. Trong khi việc buôn bán chỉ theo thời vụ (mùa nào bán nấy) và thêm cặp “lấy công làm lãi”, nên vợ chồng không có tích lũy. Tháng nào cũng phải “giật gấu vá vai”.

Thầy giáo Mùa Xuân Quý, Trường PTDTBT THCS Tủa Thàng tranh thủ ngoài giờ đóng hàng gửi cho khách.

Thầy giáo Mùa Xuân Quý, Trường PTDTBT THCS Tủa Thàng tranh thủ ngoài giờ đóng hàng gửi cho khách.

Theo cô Trần Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Pú Hồng, trong tổng số 48 cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn trường thì 2/3 có nghề “tay trái” như vợ chồng thầy Tú. Chủ yếu là thu mua và sơ chế nông sản của bà con rồi bán lại ra bên ngoài hoặc chăn nuôi thêm.

“Do mua từ dân nên thường thầy cô cũng không ép giá mà ủng hộ bà con rồi bán lại. Tiền chênh lệch gần như cũng chi trả vào xăng xe, rủi ro đi lại nên cũng không ai làm giàu được. Chỉ là có thêm chút thu nhập để lo bỉm, sữa, quà bánh cho con”, cô Liên chia sẻ.

Theo thống kê của cô Liên, hiện thu nhập của giáo viên trong trường dao động từ khoảng 7 – 12 triệu đồng, bao gồm cả tiền thu hút. Với mức này rất khó để đảm bảo cuộc sống đối với các gia đình có từ 2 con, nhất là giáo viên có gia đình ở xa. Do chặng đường phải di chuyển đi lại mỗi tuần khá lớn (đa phần thầy cô nhà cách trường từ 60 – 80km).

“Với mức thu nhập hiện tại, thầy cô chỉ đủ trang trải những khoản cơ bản nhất. Nếu có việc phát sinh như: Mua đất, nhà, xe, lo chạy chữa bệnh tật… thì hầu hết đều phải vay nợ ngân hàng. Hiện nay, một nửa giáo viên trong trường đang vay nợ ngân hàng. Vì thế, cứ nhận lương xong lại xoay vòng trả nợ là hết”, cô Liên nói.

Cô giáo Quàng Thị Khánh, Trường Mầm non Pú Hồng trong giờ lên lớp.

Cô giáo Quàng Thị Khánh, Trường Mầm non Pú Hồng trong giờ lên lớp.

Xoay xở để bám trụ với nghề

Còn với thầy giáo Mùa Xuân Quý, Trường PTDTBT THCS Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên), mặc dù lương có phần khá hơn, song vẫn phải “bươn chải” với nghề tay trái. Có thâm niên 14 năm trong nghề, lại giảng dạy ở vùng đặc biệt khó khăn nên thu nhập bình quân hiện tại của thầy Quý là hơn 10 triệu đồng/tháng.

Mỗi lần nhận lương, thầy Quý phải bỏ ra 1 triệu đồng để chi phí xăng xe đi lại trong tháng; 800 nghìn đồng thanh toán tiền thuê nhà, điện, dịch vụ Internet; 4 triệu tiền ăn cá nhân. Số còn lại, thầy để dành mỗi tuần về mua bỉm, sữa, bánh, đồ dùng cho con.

Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Mường Mươn phải ở trong nhà công vụ tạm bợ bằng gỗ.

Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Mường Mươn phải ở trong nhà công vụ tạm bợ bằng gỗ.

“Vì giao thông đi lại khó khăn, đường lại xa nên chi phí xăng xe hàng tháng rất tốn. Rồi thức ăn trên này đắt đỏ nữa, nếu 1kg thịt lợn ngoài thành phố 100 nghìn đồng, thì ở đây phải 150 nghìn đồng. Vì thế, lương có thêm tiền thu hút, vùng miền mà vẫn không đảm bảo cuộc sống”, thầy Quý giãi bày.

Là con trai trong nhà, bố mẹ không có việc làm ổn định, lại phải nuôi 2 con, nên để bảo đảm cuộc sống, thầy Quý làm thêm nghề “tay trái” là sấy thịt và làm lạp sườn bán. Hàng ngày, thầy dậy từ 4 giờ sáng ra trung tâm đón thịt lợn dân vừa mổ để chọn mua. Trưa hết giờ lên lớp, thầy lại tất tưởi về giã, trộn gia vị tẩm ướp. Tối đến nhóm lửa sấy thịt. Một đêm vài ba lần thầy tỉnh giấc để canh thịt sấy.

“Cũng tất bật, nhưng may là tôi không làm thường xuyên nên đỡ mệt. Chỉ khi nào có khách đặt, tôi mới tranh thủ làm. Giá thịt dân mua vốn đã cao nên thu nhập không đáng là bao, tạm đủ lo vài việc phát sinh như con ốm đau phải mua thuốc, đi viện. Nếu không làm thêm thì lại phải vay mượn”, thầy Quý chia sẻ..

Nhiều thầy cô Trường PTDTBT Tiểu học Mường Mươn tranh thủ ngoài giờ xuống bản để thu mua nông sản của dân, như: Ngô, thóc, lợn, gà, măng…

Nhiều thầy cô Trường PTDTBT Tiểu học Mường Mươn tranh thủ ngoài giờ xuống bản để thu mua nông sản của dân, như: Ngô, thóc, lợn, gà, măng…

Những năm qua, ngành GD-ĐT Điện Biên luôn xác định thực hiện triệt để các quy định hiện hành của Nhà nước và chi trả kịp thời chế độ chính sách tiền lương và phụ cấp nhằm thu hút và “giữ chân” giáo viên. Đặc biệt là đối với giáo viên công tác tại các trường vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, hiện nay địa phương này cũng đang triển khai thực hiện nhiều chế độ chính sách đãi ngộ, phù hợp với điều kiện thực tế. Cụ thể như: Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; chính sách thu hút người có trình độ cao (40 lần mức lương tối thiểu/người đối với những người có trình độ thạc sĩ và tương đương; 60 lần mức lương tối thiểu/người đối với những người có trình độ phó giáo sư, tiến sĩ)…

Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo ngành Giáo dục Điện Biên thì mức lương đối với giáo viên các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay chỉ cơ bản đáp ứng nhu cầu tối thiểu của đời sống. Cụ thể là đối với giáo viên có gia đình đang sinh sống và ổn định lâu dài tại địa phương. Trong khi số lượng giáo viên ở các tỉnh miền xuôi lên công tác tương đối lớn.

“Do đặc thù là tỉnh miền núi, giao thông đi lại phức tạp, điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội gặp nhiều khó khăn, hạn chế, chế độ chính sách đãi ngộ riêng của tỉnh còn eo hẹp nên khó tránh khỏi tình trạng giáo viên bỏ việc vì lương thấp. Trong 2 năm học vừa qua, địa phương có hơn 100 giáo viên xin nghỉ thôi việc. Số này hầu hết là giáo viên miền xuôi lên nhận công tác. Vì lý do xa gia đình, điều kiện đi lại khó khăn. Trong khi nhu cầu việc làm tại các tỉnh miền xuôi giai đoạn hiện nay lại đang tốt”, ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cho hay.

Thu nhập chưa bảo đảm cuộc sống, một số giáo viên chọn cách rời bục giảng để tìm kiếm công việc mới. Song đa phần giáo viên ở Điện Biên vẫn tìm cách bươn chải, bám trụ với nghề.

Mặc dù, mức lương chưa bảo đảm, công việc giáo viên vùng khó, nhất là bậc học mầm non phải luôn chân luôn tay từ sáng đến chiều tối. Song đa phần các thầy cô chia sẻ đều không có ý định bỏ nghề. Phần vì cuộc sống, song nhiều giáo viên cho rằng “đã xác định chọn nghề thì phải cố gắng tìm cách xoay xở để bám trụ”. “Dẫu vậy, chúng tôi vẫn nuôi hy vọng, vài năm tới sẽ bớt khó khăn hơn. Sẽ có thêm những chính sách quan tâm tới đời sống giáo viên và cả học sinh vùng khó”, cô Liên nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.