Đề nghị mới đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden về ngừng chiến giữa Hamas và Israel, tiến tới chấm dứt chiến tranh giữa hai bên đã nhận được sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết hướng tới thỏa thuận ngừng bắn toàn diện theo 3 giai đoạn nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Gaza. Nghị quyết này rất đáng được chú ý bởi hai lẽ.
Thứ nhất, dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo và nội dung hoàn toàn là ý tưởng và đề xuất của Mỹ, không phải là kết quả đàm phán thỏa hiệp giữa các thành viên của Hội đồng Bảo an.
Vậy mà cả Nga và Trung Quốc đều không phủ quyết. Trung Quốc thậm chí còn bỏ phiếu thuận và chỉ có Nga bỏ phiếu trắng. Thứ hai, nghị quyết này sẽ gia tăng mạnh mẽ sức ép quốc tế đối với cả Hamas lẫn Israel, đặc biệt đối với Israel.
Giá trị pháp lý quốc tế của nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã giúp nâng cao rõ rệt giá trị và tác động của Tổng thống Biden về ngừng chiến và tiến tới chấm dứt cuộc chiến tranh giữa Israel và Hamas.
Vì thế, Hamas và Israel đều không thể bác bỏ đề xuất của ông Biden cho dù họ không hoàn toàn đồng tình với nó. Đáng chú ý, sau khi đã có những đề nghị hòa bình được nhiều bên đưa ra, thế giới lần đầu tiên có được một đề xuất cho hòa bình ở Dải Gaza mà tất cả các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đều chấp thuận hoặc không phản đối.
Nhưng việc thông qua nghị quyết, đồng nghĩa với đề xuất lộ trình ba bước nhằm tiến hành ngừng chiến ngay và tiến tới chấm dứt cuộc chiến tranh, tái thiết Dải Gaza, mới chỉ là bước đi đầu tiên.
Việc cụ thể hóa những nội dung trong đó còn khó khăn hơn rất nhiều. Israel vẫn muốn xóa sổ hoàn toàn và tiêu diệt hết ban lãnh đạo Hamas. Còn Hamas thì muốn buộc Israel phải ngừng chiến và triệt thoái hoàn toàn binh lính ra khỏi Dải Gaza.
Những mục tiêu cụ thể này của hai bên không thể hiện cụ thể trong đề nghị ngừng chiến của Tổng thống Mỹ Biden (đối với Israel) và không được đảm bảo chắc chắn sẽ được Israel thực hiện (đối với Hamas).
Thế nên, quá trình đàm phán trực tiếp hay gián tiếp giữa Israel và Hamas để cụ thể hóa thành thỏa thuận giữa hai bên sẽ rất khó khăn và không thể sớm có thể kết thúc thành công.
Cả Hamas lẫn Israel đều buộc phải chấp nhận đề nghị ngừng chiến của ông Biden nhưng trước mắt chỉ để có được danh nghĩa là đã đồng ý đi vào giải pháp chính trị. Cả hai sẽ còn trì hoãn chừng nào còn có thể để tiếp tục tạo sự đã rồi và tăng vị thế của từng bên cho các cuộc đàm phán tới đây.
Trong số các trở ngại đối với việc thực thi những gì vừa mới được Hội đồng Bảo an ủng hộ và thông qua, trở ngại phía Israel vẫn lớn nhất và khó khắc phục nhất. Thủ tướng Benjamin Netanyahu không những kiên định quyết tâm tiêu diệt Hamas, mà còn có chủ ý chơi con bài chiến tranh ở Dải Gaza.
Qua đó, ông Netanyahu muốn tác động trực tiếp vào cuộc vận động tranh cử tổng thống ở nước Mỹ theo hướng làm lợi cho cựu Tổng thống Donald Trump và gây bất lợi cho ông Biden. Ai cũng biết ông Netanyahu mong muốn ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ chứ không muốn ông Biden tái đắc cử.
Do vậy, nghị quyết đã được ông Netanyahu thông qua nhưng đề xuất ngừng chiến của Tổng thống Biden có trở thành hiện thực hay không lại là chuyện chưa thể chắc. Nó mới là bước đi nhỏ về hướng ấy.