Bước ngoặt mới trong quan hệ Mỹ - Cuba

GD&TĐ - Mới đây, tại Little Havana, Miami (Florida), nơi sinh sống chủ yếu của kiều dân Cuba ở Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã đơn phương thông báo chấm dứt thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Cuba do cựu Tổng thống Barack Obama khởi xướng. 

Bước ngoặt mới trong quan hệ Mỹ - Cuba

Quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng đang hứng chịu nhiều chỉ trích của dư luận thế giới, Mỹ - Latinh và cả nước Mỹ.

Bãi bỏ “thỏa thuận một chiều”

Ngày 16/6, tại Miami, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng Washington từ chối cái mà ông gọi là "thỏa thuận một chiều" với Cuba do chính quyền Barack Obama khởi xướng từ năm ngoái. Thay vào đó, Donald Trump đề xuất một “chiến lược mới” trong quan hệ với Cuba.

"Tôi hủy hoàn toàn thỏa thuận một chiều của chính quyền trước với Cuba. Chính sách mới của chúng tôi sẽ phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ không loại bỏ lệnh cấm vận chống Cuba chừng nào tất cả các tù nhân chính trị không được giải phóng" – CNN trích lời Donald Trump ở Florida.

"Chúng tôi đã sẵn sàng và chúng ta có thể bắt đầu cuộc đàm phán về một thỏa thuận tốt hơn đối với Cuba và Mỹ, một thỏa thuận công bằng và có ý nghĩa" - Donald Trump tuyên bố

Tổng thống Mỹ cho rằng, thỏa thuận do người tiền nhiệm của ông khởi xướng là "khủng khiếp" vì nó "mang lại bạo lực và bất ổn trong khu vực".

Donald Trump nhắc lại những gì ông đã nói với các đại diện của chính quyền mới trong vài tháng qua: Một trở ngại lớn trong quan hệ giữa hai nước là vấn đề nhân quyền tại Cuba.

"Với sự giúp đỡ của Chúa chúng ta sẽ sớm đạt được một Cuba tự do" – Donald Trump khẳng định.Tổng thống Mỹ tuyên bố tôn trọng chủ quyền của đảo quốc và hứa rằng Washington sẽ “không quay lưng” với nhân dân Cuba.

Về vấn đề này, trong tuyên bố của Nhà Trắng có đoạn viết: "Mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba trong tương lai hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của chính phủ Cuba trong việc cải thiện cuộc sống của nhân dân Cuba, trong đó cần phải thượng tôn pháp luật, tôn trọng nhân quyền và các bước đi cụ thể để thúc đẩy tự do chính trị và kinh tế".

Ngày 16/6, Donald Trump công bố lệnh cấm công dân Mỹ đi du lịch tới Cuba, đồng thời, Bộ Tài chính và các bộ ngành khác không được thanh toán trực tiếp với quân đội và các lực lượng đặc biệt của Cuba.

Cơn bão dư luận trước “quyết định đảo ngược” của Donald Trump

Việc nối lại quan hệ ngoại giao với Cuba được coi là một trong những thành côngnổi bật trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama.Còn nhớ, Barack Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm hòn đảo tự do sau hơn 50 năm cắt đứt quan hệ giữa hai nước, được dư luận thế giới đánh giá cao. Ngay sau đó, các cơ quan đại diện ngoại giao của hai nước đã được thiết lập, người Mỹ đã có thể tự do đi du lịch tới Cuba, quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng có nhiều khởi sắc.

Tuy nhiên, khi trở thành ông chủ của Nhà Trắng, Donald Trump đã đảo ngược tình thế. Quyết định của Donald Trump nhận được nhiều chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho rằng đây là hành vi gây hấn và dọa nạt của ông chủ Nhà Trắng. Thủ tướng Canada Justin Trudeau tỏ thái độ thất vọng với chính sách mới đối với Cuba của chính quyền Donald Trump và khẳng định Canada sẽ tiếp tục hỗ trợ Cuba trong các lĩnh vực như đầu tư, du lịch…

Chính phủ Cuba phản ứng khá thận trọng trước quyết định bãi bỏ thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa hai nước của Donald Trump. Havana cho rằng đây là bước lùi trong quan hệ Mỹ-Cuba và khẳng định sẵn sàng đối thoại với Chính phủ Mỹ một cách tôn trọng và hợp tác về những vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Viện Cato cho rằng, cấm vận kinh tế đối với Cuba mang lại thiệt hại cho chính nước Mỹ. Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, do lệnh cấm vận, các công ty thương mại của Mỹ thiệt hại từ 700 triệu đến 1,2 tỷ USD mỗi năm. "Nếu mục đích của chính quyền Trump là để giúp người dân Cuba đạt được tự do và một cuộc sống tốt hơn, lệnh cấm vận kinh tế hoàn toàn thất bại" - Các chuyên gia của Viện Cato khẳng định.

Ông Ben Rouds, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, người thay mặt cho Tổng thống Obama tiến hành cuộc đàm phán bí mật với chính quyền Cuba, nói rằng các hành động của Trump sẽ đẩy Cuba vào "vòng tay của Trung Quốc và Nga".

Công dân Mỹ Victor Olevich tin rằng những hành động của Donald Trump đối với Cuba là hoàn toàn có thể dự đoán, nó nằm trong chiến dịch thoát khỏi di sản của người tiền nhiệm. Trước đó, Donald Trump đã bãi bỏ cải cách chăm sóc sức khỏe và thỏa thuận hạt nhân với Iran, thỏa thuận mà ông gọi là “ô nhục”.

Trao đổi với tờ “Vzglyad” (Nga), Victor Olevich khẳng định: "Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, Trump kịch liệt chỉ trích việc cải thiện quan hệ với Iran, sự nồng ấm giữa Washington và Havana cũng như việc bình thường hóa quan hệ với các quốc gia khác”.

Cũng theo lời Victor Olevich, đường lối thắt chặt chính sách đối với Havana là quan điểm chủ đạo của lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Cuba ở Florida và các nơi khác. Giới phân tích đặt câu hỏi: Chả lẽ chỉ vì lời hứa với cử tri mà Tổng thống Mỹ bãi bỏ một thỏa thuận được cả thế giới hoan nghênh?!

Sắc lệnh của Donald Trump nêu rõ: Mỹ quyết định siết chặt các qui định về đi lại, nghiêm cấm công dân Mỹ làm ăn với bất kỳ doanh nghiệp quốc doanh nào có quan hệ với quân đội và lực lượng an ninh Cuba, chấm dứt mọi hoạt động giao lưu nhân dân và chỉ cho phép tiến hành các chuyến đi thăm thân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.