Mới đây, trang Goodtimes của Malaysia đã có bài viết hướng dẫn các cha mẹ cách đơn giản nhất để hạ sốt cho con ngay tại nhà. Cách làm này cũng rất được các bậc cha mẹ Đức ưa chuộng. Để dẫn dắt người đọc vào bài viết này, tác giả đã chia sẻ câu chuyện một ông bố đưa con đi khám cảm cúm ở Anh như sau:
“Nhớ lại 2 năm trước tại Bristol, Anh, con gái 1 tuổi của tôi bị cảm cúm. Tôi vội đưa con đi khám thì chỉ thấy bác sĩ kiểm tra tai, mũi, họng và khoang ngực của con rồi dặn tôi về nhà cho con uống nước ấm kết hợp nghỉ ngơi. Tôi ngớ người ra hỏi bác sĩ tại sao không kê thuốc cho bé và nhận lại được câu trả lời rằng, 2 ngày sau hãy đến kiểm tra lại, nếu bệnh không trở nên nghiêm trọng thì cứ để cơ thể tự ứng phó, như vậy mới có thể nâng cao được sức đề kháng”.
Quả đúng như lời bác sĩ nói, chỉ 7 ngày sau, bé gái ấy đã chiến thắng virus cảm cúm mà không cần nhờ đến thuốc hay bất cứ biện pháp điều trị nào.
Còn ở Đức, bác sĩ nhi khoa sẽ chủ động trang bị cho các bậc phụ huynh kiến thức về cách sơ cứu ban đầu cho trẻ trước khi đi khám chữa bệnh, bao gồm cả việc xử lý khi con bị cảm, sốt để tránh trường hợp bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian chờ khám. Đồng thời cũng có thể tiết kiệm nguồn tài nguyên y tế đáng kể.
Trong những kiến thức ấy, có một phương pháp đơn giản để hạ sốt cho trẻ gọi là “buộc khăn làm mát” rất được các cha mẹ Đức ưa chuộng. Cách thức thực hiện bao gồm:
1. Nhúng 2 chiếc khăn bông vào nước ấm, vắt hơi khô và trải khăn ra (Nhiệt độ nước nên tương đương hoặc thấp hơn một chút so với nhiệt độ cơ thể bé).
2. Quấn khăn quanh 2 bắp chân của trẻ, sau khoảng 20 phút, tháo khăn và lau khô chân bé ngay sau đó.
Trên thực tế, đây là một phương pháp hạ nhiệt cơ thể hiệu quả mà mỗi cha mẹ người Đức đều đã áp dụng, giúp nhiệt độ cao trên cơ thể trẻ sẽ giảm dần theo sự hạ nhiệt của chiếc khăn bông. Khi trẻ bị sốt, thân nhiệt tăng cao, nếu càng được quấn khăn, ủ ấm hay mặc quần áo dày sẽ càng khiến con khó chịu hơn. Phương pháp hạ sốt này dựa trên nguyên lý chiếc khăn sẽ từ từ làm hạ nhiệt độ của cơ thể xuống.
Nếu trẻ sốt dưới 38.5 độ, tinh thần ổn định thì có thể áp dụng cách hạ sốt như trên, nhưng khi trẻ sốt cao trên 39 độ và có những biểu hiện bất thường thì nhất định phải đưa bé đến bệnh viện kịp thời (Ảnh minh họa)
Theo NCBI – Trung tâm công nghệ sinh học quốc gia Hoa Kỳ, đây là một trong những phương pháp hạ sốt dựa trên nguyên lý tác động từ bên ngoài làm giảm dần nhiệt độ cơ thể như: chườm khăn, cởi bớt quần áo, dùng đồ uống lạnh… Có nhiều cách làm mát từ bên ngoài cơ thể như quạt cho bé, đắp cho trẻ một chiếc khăn ướt lên trán hoặc chân hay mở rộng các cửa phòng bé nằm. Ở các nước phương tây, phương pháp làm mát cơ thể trẻ dùng khăn ấm quấn ở chân được dùng phổ biến hơn cả.
Theo NCBI, điều quan trọng của các phương pháp hạ sốt từ bên ngoài này là đảm bảo cho bé cảm thấy thoải mái nhất và không làm bé bị cảm lạnh. Và NCBI cũng khuyến cáo nếu như bé bị sốt nhưng chân và tay lạnh thì không nên áp dụng cách hạ sốt này.
Ngoài các biện pháp hạ sốt tác động từ bên ngoài như kể trên, các bậc cha mẹ cũng có thể hạ nhiệt cơ thể cho bé bằng cách lau người hoặc cho bé tắm bằng nước ấm. Tuy nhiên, bác sĩ Lưu Quốc Quân, phó khoa nhi Bệnh viện nhi đồng thành phố Đông Quản (Quảng Đông, Trung Quốc) khuyến cáo rằng, nếu trẻ sốt dưới 38.5 độ, tinh thần ổn định thì có thể áp dụng sơ cứu vật lý như trên, nhưng khi trẻ sốt cao trên 39 độ và có những biểu hiện bất thường thì nhất định phải đưa bé đến bệnh viện kịp thời.