Bước đột phá trong quan hệ Nhật - Mỹ

Bước đột phá trong quan hệ Nhật - Mỹ

(GD&TĐ) - Ngày thứ năm (3/10), Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã gặp gỡ với những người đồng cấp Nhật Bản trong khuôn khổ cuộc gặp “2+2” tại Tokyo để bàn về mở rộng hợp tác quân sự giữa hai nước. Theo các nhà phân tích, thỏa thuận Mỹ - Nhật lần này đáp ứng được những thách thức của thế kỷ XXI, trong đó có chương trình hạt nhân của Triều Tiên, tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, an ninh mạng và chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.

Thoả thuận mang tính đột phá

Thỏa thuận giữa Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel với các đối tác Nhật Bản được ký kết tại Tokyo hôm thứ năm (3/10) thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Washington với kế hoạch tăng cường tiềm lực quân sự cũng như nguyện vọng sửa đổi hiến pháp của Thủ tướng Sinzo Abe.

Đây cũng được coi là bước đột phá trong việc hiện đại hóa liên minh quân sự giữa hai nước trong 16 năm qua. Theo thỏa thuận, vào những năm tới Mỹ sẽ đặt hệ thống radar X-Band mới tại Kiogamisaki nhằm đối phó với Bắc Triều Tiên.

Đầu tiên, Washington và Tokyo sẽ phát triển các dự án đặc biệt trong lĩnh vực an ninh mạng. Tiếp theo, thủy quân lục chiến Mỹ sẽ thay thế những máy bay được coi là lỗi thời (2 phi đội MV-22 Ospresy) bằng một số máy bay quan sát trực tiếp hiện đại Global Hawk.

Lần đầu tiên, Tokyo được trang bị máy bay tuần tra chống tàu ngầm Boeing P-8 Poseidon. Những máy bay này có nhiệm vụ tuần tra, phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm trên Thái Bình Dương. Hai nước nhất trí dời 9.000 binh sĩ Mỹ ra khỏi căn cứ quân sự Okinawa, trong đó đưa 5.000 binh sĩ đến Guam theo lịch trình 10 năm và phía Nhật đồng ý đóng góp 3,1 tỷ USD cho kế hoạch di dời này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết: “Radar bổ sung này sẽ tăng cường khả năng bảo vệ nước Mỹ và Nhật Bản nhằm chống lại tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên và củng cố mối quan hệ đồng minh quan trọng trong thế kỷ XXI”.

Tại cuộc gặp gỡ này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tái khẳng định quần đảo Senkaku thuộc phạm vi áp dụng của hiệp ước phòng thủ chung Mỹ -Nhật và Washington có bổn phận giúp Nhật bảo vệ quần đảo này. Trong tuyên bố chung, hai bên nhất trí sửa đổi hiệp ước phòng thủ chung để Tokyo có tư cách bình đẳng với Mỹ và ngày càng có vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ chủ quyền của chính họ.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng các đối tác Nhật - Mỹ nắm tay nhau sau lễ ký kết thoả thuận mới tại Tokyo
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng các đối tác Nhật - Mỹ nắm tay nhau sau lễ ký kết thoả thuận mới tại Tokyo
 

Và phản ứng của Bắc Kinh

Theo các nhà phân tích, những động thái quân sự tích cực mang tính chiến lược của Washington ở châu Á - Thái Bình Dương đang là mối quan tâm đặc biệt của Trung Quốc. Theo lời các quan chức cấp cao Mỹ thì hệ thống radar X-Band mới mà Mỹ chuẩn bị đặt ở Nhật là nhằm bảo vệ trước những đe doạ từ Bắc Triều Tiên chứ không phải từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chẳng ai nghĩ rằng loại vũ khí tối tân này không nhằm vào Trung Quốc.

Vào thời điểm hiện tại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa có phản ứng về thoả thuận an ninh Nhật - Mỹ vừa được ký tại Tokyo hôm 3/10. Tuy nhiên, Tân Hoa Xã có bài bình luận với nhan đề “Liên minh Nhật - Mỹ đang tiến vào con đường nguy hiểm”. Bài báo có đoạn viết: “Cùng với quyết định sửa đổi các lĩnh vực chính trong hợp tác quốc phòng và gia tăng mức độ hội nhập giữa hai nước trong lĩnh vực quân sự, trong cuộc họp báo, các bên liên tục nhắc đến Trung Quốc và vấn đề quần đảo Điếu Ngư, điều này chắc chắn sẽ gửi những tín hiệu báo động đến hoà bình thế giới”.

Điểm qua sự hình thành của liên minh Nhật - Mỹ như hệ quả của thời chiến tranh lạnh, những nỗ lực của chính quyền Shinzo Abe trong việc sửa đổi hiến pháp, tăng cường tiềm lực quân sự với hy vọng có thể đánh phủ đầu vào các căn cứ quân sự của đối phương... Tân Hoa Xã khẳng định: “Theo đuổi hoà bình, phát triển và hợp tác là một xu hướng toàn cầu lớn... Nhưng Nhật và Mỹ không những không loại bỏ nếp nghĩ của thời chiến tranh lạnh mà ngược lại, tiếp tục tăng cường các liên minh quân sự, đe doạ hoà bình và ổn định trong khu vực, tạo ra mối lo ngại đối với thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Theo các nhà phân tích, bước đột phá trong hợp tác quân sự Mỹ - Nhật là bước đi tiếp theo trong chiến lược trở lại châu Á - Thái Bình Dương mà Tổng thống Barack Obama đã vạch ra ngay từ nhiệm kỳ thứ nhất. Ở châu Á - Thái Bình Dương, kể từ sau Thế chiến thứ 2, Nhật Bản luôn là đồng minh chiến lược, là chỗ dựa vững chắc nhất để Mỹ thực hiện các kế hoạch quân sự của họ.

Nói theo cách nói của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì “liên minh này (Mỹ - Nhật) là một nhân tố trọng yếu trong chiến lược an ninh khu vực” và “mối  quan hệ của chúng tôi chưa bao giờ mạnh hơn và tốt hơn như hôm nay”.

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự, tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng thì việc củng cố và phát triển liên minh Mỹ - Nhật như một đòi hỏi tất yếu. Có điều, liên minh này có trở thành trụ cột gìn giữ hoà bình trong khu vực hay không mới là điều phải suy ngẫm.

Anh Phương 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ