Bước đi cần thiết

GD&TĐ - Tiền lương là vấn đề mà hàng triệu GV cả nước quan tâm, bởi đây là nhu cầu chính đáng tạo động lực để họ toàn tâm cho sự nghiệp “trồng người”.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 73/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Theo Nghị định này, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng. Cùng đó, lương của giáo viên sẽ tăng và phụ cấp thâm niên nhà giáo vẫn được giữ nguyên.

Trước đây, Bộ GD&ĐT từng đề xuất tăng lương cho giáo viên. Bộ từng nhiều lần kiến nghị thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong quá trình cải cách tiền lương, cần xác định lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, vùng.

Công việc của giáo viên là dạy học gắn liền với “dạy người”. Hiện nay, quy định về tiền lương của nhà giáo được áp dụng chung với tất cả viên chức các ngành, lĩnh vực. Điều này dẫn đến những bất cập vì không thể hiện được mức độ phức tạp từng ngành nghề khác nhau; trong đó có lao động mang tính đặc thù nhà giáo.

Vẫn biết, dù được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, thâm niên nhưng so với ngành, nghề khác thu nhập của giáo viên ở mức khiêm tốn nên đời sống của nhà giáo còn nhiều khó khăn, nhất là giáo viên mầm non. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng là bước đi cần thiết. Từ đây, giáo viên cả nước có thêm niềm tin về một ngày không xa, họ được ưu tiên xếp lương cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW.

Hiện, Bộ GD&ĐT được Chính phủ giao xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo. Dự thảo Luật đề xuất, tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Theo đó, tiền lương và các chính sách theo lương nhà giáo công tác tại cơ sở giáo dục tự chủ không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, thâm niên, chức danh trong cơ sở giáo dục chưa tự chủ; đồng thời không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ. Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có điều kiện đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù.

Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Trên cơ sở đó, thang bảng lương của nhà giáo nên điều chỉnh phù hợp với cống hiến của các thầy, cô. Qua đó, nhằm thu hút người tài và giữ chân được giáo viên giỏi.

Bên cạnh việc tăng lương cơ sở, Nhà nước và các cơ quan quản lý cần có những giải pháp để cải thiện đời sống và nâng cao vị thế nhà giáo. Trong đó có bổ sung các khoản phụ cấp cho giáo viên như: Phụ cấp đặc biệt, phụ cấp hỗ trợ giáo viên vùng sâu, xa; hỗ trợ giáo viên về nhà ở, y tế, giáo dục con cái; tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Điều mà giáo viên mong mỏi là, các cơ quan chức năng cần kiểm soát giá cả thật tốt để “tăng lương nhưng không tăng giá”, nếu không sẽ làm giảm ý nghĩa việc tăng lương, gây khó khăn cho đời sống người dân nói chung và giáo viên nói riêng. Chỉ khi giá cả hàng hóa được kiểm soát, hạn chế tình trạng “giá tăng theo lương” thì mục đích của việc tăng lương mới thực hiện đầy đủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.