Bước chuyển từ tuyển sinh trực tuyến

GD&TĐ - Công tác tuyển sinh đầu cấp đã và đang được ngành Giáo dục các địa phương khởi động. Đáng chú ý, năm học 2019 - 2020, một số quận, huyện trên địa bàn TPHCM bắt đầu triển khai thí điểm tuyển sinh đầu cấp qua mạng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 Các đơn vị đang tích cực xây dựng kế hoạch, hoàn thiện phần mềm. Dự kiến tất cả thông tin tuyển sinh sẽ được tải lên cổng thông tin điện tử của UBND và Phòng GD&ĐT quận. Phụ huynh không cần đến trường mua hồ sơ trực tiếp mà có thể tải mẫu đơn đăng ký về máy tính để kê khai hồ sơ nhập học.Thời gian đầu tổ chức, song song với hình thức tuyển sinh trực tuyến, vẫn áp dụng phương thức truyền thống để thay đổi dần thói quen của người dân.

Trước đó, tuyển sinh trực tuyến đầu cấp đã được ngành Giáo dục một số địa phương đi đầu triển khai như Sở GD&ĐT Hà Nội, Đà Nẵng. Trong đó, Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai hình thức này vào lớp mẫu giáo 5 tuổi, lớp 1 và lớp 6 đã được 3 năm, tỉ lệ học sinh được đăng ký tăng dần, nhiều đơn vị đạt từ trên 80% đến 100%, như Cầu Giấy, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai, Mỹ Đức…

Năm học 2019 - 2020, Hà Nội dự kiến áp dụng trong công tác tuyển sinh lớp 10 với khâu xác nhận nhập học. Còn Đà Nẵng từ kỳ tuyển sinh năm học 2017 - 2018 tất cả quận, huyện trên địa bànđã triển khai phần mềm tuyển sinh trực tuyến lớp 1, lớp 6, từ năm học 2018 - 2019 áp dụng với lớp 10. Hoạt động tuyển sinh trực tuyến tại các địa phương này cũng đã đi vào guồng, thông suốt.

Mặc dù, tuyển sinh trực tuyến đã có những đơn vị mạnh dạn đi đầu, đạt được những kết quả khả quan, nhưng cho đến nay, vẫn chưa nhiều địa phương áp dụng hình thức này, bởi quá trình triển khai vẫn còn vướng không ít khó khăn. Trước hết là những khó khăn trong công tác nhân sự, đặc biệt là nhân sự CNTT ở cấp cơ sở.

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có quy định giao một chỉ tiêu biên chế CNTT cho các cơ sở giáo dục, nhưng với định danh là “nhân viên CNTT” - tức chỉ cần trình độ trung cấp - chứ không phải cán bộ chuyên trách có bằng cử nhân, nên các trường khó tìm được nguồn tuyển, vì hiện rất ít đơn vị đào tạo chuyên ngành CNTT trình độ trung cấp. Người có chứng chỉ A, B, C tin học không đủ điều kiện công tác theo quy định của Bộ GD&ĐT, còn cử nhân đại học chuyên ngành CNTT lại không chọn môi trường sư phạm để công tác vì hệ số lương không tương xứng.

Một nguyên nhân khác là do một số nơi số trường lớp chưa đáp ứng phục vụ số lượng học sinh, hạ tầng CNTT chưa tốt. Vì thế, địa phương vẫn áp dụng hình thức phân tuyến thủ công, cho phụ huynh đăng ký nguyện vọng vào các trường sau đó dựa vào tình hình tuyển sinh thực tế, phòng GD&ĐT sẽ phân bố lại để bảo đảm có đủ chỗ học cho tất cả người dân. Một rào cản nữa trong tuyển sinh trực tuyến là vẫn còn không ít cán bộ, giáo viên và phụ huynh chưa thực sự yên tâm với hình thức trực tuyến vì lo ngại trục trặc kỹ thuật, ngại lộ thông tin cá nhân của học sinh, chưa thành thạo trong sử dụng máy tính. Tâm lí giấy trắng mực đen vẫn yên tâm hơn.

Ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục là xu thế phát triển chung của toàn ngành. Hình thức tuyển sinh trực tuyến giúp phụ huynh thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu thông tin, rút ngắn thời gian đi lại và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thông tin minh bạch hơn, bên cạnh đó còn giúp công tác lưu trữ hồ sơ của các đơn vị trường học trở nên tinh gọn và tự động hơn. Phát triển hình thức tuyển sinh trực tuyến sẽ không còn cảnh phụ huynh thức đến 3 - 4 giờ sáng hay đạp đổ cổng rào để mua đơn nhập học, hạn chế tối đa nạn “chạy” trường và những tiêu cực kèm theo công tác tuyển sinh...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ