Thí sinh có thể được xem xét chuyển ngành/chuyên ngành
Tại gian tư vấn của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, rất đông phụ huynh và học sinh đến tìm hiểu về những ngành nghề, chương trình đào tạo. Năm nay, Học viện tuyển hơn 5.800 chỉ tiêu, với 25 nhóm ngành đào tạo, gồm 47 ngành với 74 chuyên ngành đào tạo.
Học viện xét tuyển theo 3 phương thức gồm: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc THPT và dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Cụ thể, với phương thức xét tuyển thẳng, tiêu chí được áp dụng theo quy định của Bộ GD&ĐT và theo Đề án của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đối với thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2022 và các năm trước, nhưng đáp ứng được một trong các điều kiện theo quy định của Học viện.
Với phương thức xét tuyển dựa trên học bạ. Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình cả năm lớp 11 (đối với đợt xét tuyển 1) hoặc lớp 12 (đối với các đợt xét tuyển sau) theo thang điểm 10 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển, cộng điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 20,0 điểm trở lên.
Nguyên tắc xét tuyển là, thí sinh đăng ký xét tuyển theo nhóm ngành với tối đa 2 nguyện vọng (NV) tương ứng 2 nhóm ngành đào tạo và được xét tuyển theo thứ tự ưu tiên. Thí sinh trúng tuyển NV1 sẽ không được xét tuyển NV2. Thí sinh không trúng tuyển vào NV2 đã đăng ký thì tiếp tục được xét tuyển vào các nhóm ngành khác khi còn chỉ tiêu. Thí sinh có thể được xem xét chuyển ngành/chuyên ngành trong thời gian học tập theo quy định.
Thí sinh trúng tuyển có điểm xét tuyển lớn hơn hoặc bằng điểm trúng tuyển theo mức từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu hoặc chỉ tiêu còn lại của từng nhóm ngành của phương thức này. Đối với các thí sinh có điểm bằng nhau xét tuyển ở cuối danh sách thì xét theo thứ tự ưu tiên theo quy định của Bộ GD&ĐT. Mức chênh lệch điểm xét tuyển giữa các tổ hợp là không điểm. Thí sinh đã trúng tuyển vào nhóm ngành sẽ quyết định lựa chọn ngành hoặc chương trình đào tạo phù hợp.
Đối với xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 theo tổ hợp xét tuyển cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định. Mức chênh lệch điểm xét tuyển giữa các tổ hợp là không điểm. Học viện sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Điểm ưu tiên theo khu vực và theo đối tượng thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT. Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng là 1,0 điểm và giữa các khu vực kế tiếp là 0,25 điểm.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng của khối ngành Sư phạm được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ GĐ&ĐT đối với tất cả các phương thức xét tuyển.
Lắng nghe mong muốn của bản thân
Tại gian của Học viện Tài chính, các thí sinh và phụ huynh quan tâm đến Chương trình liên kết đào tạo mỗi bên cấp một bằng cử nhân (DDP) của Viện Đào tạo quốc tế.
TS Trịnh Thanh Huyền – Phó Viện trưởng tư vấn: Năm 2022, Viện sẽ tuyển sinh khóa 7 chương trình liên kết mỗi bên cấp 1 Bằng Cử nhân DDP. Chương trình DDP mở ra những cơ hội cho sinh viên Việt Nam tiếp cận và trải nghiệm môi trường đào tạo hiện đại chuẩn quốc tế, cơ hội cùng lúc đạt chuẩn đào tạo đại học của Việt Nam và Trường đại học Greenwich (Vương quốc Anh), được cấp cùng lúc 2 bằng đại học chính quy với chi phí tiết kiệm hơn rất nhiều so với đi du học toàn phần tại nước ngoài.
“DDP năm nay tuyển sinh 120 chỉ tiêu. Với nghiệp vụ kế toán kiểm toán tốt, khả năng phân tích tài chính nhanh nhạy và vốn tiếng Anh chuyên ngành lưu loát, sinh viên DDP tốt nghiệp được chào đón làm việc với mức lương hấp dẫn tại các cơ quan nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp lớn nhỏ cũng như tổ chức tài chính lớn trong và ngoài nước (Big Four) như: Deloitte, Ernst & Young, KPMG, PwC, BIDV, Vietinbank, Vietcombank,…” - TS Trịnh Thanh Huyền cho hay, đồng thời chia sẻ:
Hiểu bản thân nghĩa là cần biết sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp THPT, bằng cách tự trả lời các câu hỏi như: Mình quan tâm đến nghề nào và tại sao? Mình dự định sẽ làm gì để theo đuổi nghề yêu thích? Sở thích nghề nghiệp của mình phù hợp với những ngành nghề nào? Và năng lực học tập, hoàn cảnh cá nhân của mình có phù hợp ngành nghề dự định hay không?
Nhiều lựa chọn
Năm 2022, Học viện Phụ nữ Việt Nam tuyển sinh 11 ngành đào tạo. Với 3 Phương thức tuyển sinh: Tuyển thẳng (10% tổng chỉ tiêu), Xét kết quả học THPT (xét Học bạ THPT) (50% tổng chỉ tiêu) và xét điểm thi tốt nghiệp THPT (40% tổng chỉ tiêu). Học viện Phụ nữ Việt Nam dành cơ hội xét tuyển cho tất cả thí sinh đã tốt nghiệp chương trình THPT của Việt Nam (theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên) trên phạm vi toàn quốc.
Thời gian xét tuyển của Học viện được chia làm 3 đợt. Đợt 1 bắt đầu từ 15/4 đến 20/5. Đợt 2 xét tuyển từ tháng 6 và đợt 3 xét tuyển theo lịch chung của Bộ GD&ĐT.
Năm nay, Học viện mở thêm chương trình đào tạo chất lượng cao và liên kết với nước ngoài là: ngành Quản trị kinh doanh là hệ Chất lượng cao và hệ liên kết quốc tế với Đại học Ming Chuan, Đài Loan (chuyên ngành Kinh doanh và Thương mại quốc tế).
PGS.TS Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện – cho hay: Đây là cơ sở giáo dục đại học công lập có học phí thấp nhất, chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng cao. Đặc biệt, sinh viên của Học viện có cơ hội nhận học bổng du học tại Mỹ, Australia, Nga… Đặc biệt, Học viện có mạng lưới doanh nghiệp rộng khắp nên cơ hội việc làm của sinh viên rất rộng mở.