Ở một đất nước mà suốt bốn ngàn năm ra trận, không có mấy khi nguôi tắt ngọn lửa chiến tranh, cuộc sống độc lập tự do chỉ được tính từng giờ và phải trả giá bằng núi sương sông máu, thì nhân vật trung tâm trong văn học phải là người lính. Nhưng người lính ở mỗi thời mỗi khác.
Ở cái thời “chín năm làm một Điện Biên” này, người lính có một dáng vẻ và tầm vóc bình dị mà oai hùng mà lớn cao lồng lộng. Hình ảnh người lính đẹp đẽ và thân thương đã in dấu trong nhiều tác phẩm văn chương, nghệ thuật mà đặc biệt là trong thơ ca, như “Lên Tây - Bắc” của Tố Hữu, “Nhớ” của Hồng Nguyên, “Bao giờ trở lại” của Hoàng Trung Thông, “Tây tiến” của Quang Dũng…
Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu, sáng tác vào năm 1947, sau chiến thắng thu đông Việt Bắc, in trong tập “Đầu súng trăng treo”, có thể coi là một kiệt tác viết về người lính của nền văn học hiện đại, trong đó nổi lên bức tượng đài những người đồng chí.
Bài thơ cho ta thấy vẻ đẹp của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, họ là những chàng trai đứng lên từ những luống cày, ra đi từ những mái tranh nghèo:
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Nước mặn đồng chua là vùng đồng chiêm trũng, đất cày lên sỏi đá là miền trung du, hoặc núi đồi.
Dù là miền ngược hay miền xuôi, đều giống nhau ở sự đói nghèo. Cảnh sống đói nghèo đến mức đã đi vào những câu thành ngữ: “Nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá”. Lẽ thường thì càng xới sâu vào lòng đất là cày xới lên chất mỡ màu, nhưng ở đây càng cày xới thì càng xới lên sự đói nghèo. Những người có cùng một cảnh ngộ thì cũng dễ hiểu được lòng nhau. Nào ai đã một lần quen nhau, “họ trên nào có biết, anh người đâu tôi đâu”, thế mà mới gặp nhau lần đầu đã thành thân thiết:
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ.
Mỗi chàng trai đều mang theo một đời sống riêng tư vào đội ngũ, làm cho cuộc kháng chiến thêm đa dạng. Có người ra đi trong tình cảnh gieo neo, mẹ già, con thơ, vợ dại. Có người, công việc ruộng nương còn dang dở, căn nhà xiêu vẹo, dột nát, chưa kịp lợp lại lấy một lần, nhưng tất cả đành xếp lại, để ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc:
Đồng chí!
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay.
Bao nhiêu ý tình dồn nén vào từ “gửi” và “mặc kệ” ấy. “Gửi” là thể hiện sự phó thác trông cậy, với một niềm tin vào người ở lại. Còn”mặc kệ”, lại nói lên thái độ dứt khoát của người đi. Đây không phải là thái độ vô trách nhiệm của những đứa con đối với gia đình trong lúc gặp khó khăn, mà là biểu hiện của tinh thần sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng tư cho lợi ích chung.
Tất cả những người lính này đều giống nhau ở tinh thần tự giác trách nhiệm vì Tổ quốc. Tấm lòng của các anh đối với non sông trong những chiều giông bão, đã được cả quê hương ghi nhận: “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”. Bằng hình thức nhân hóa, tác giả đã thể hiện được tình cảm sâu nặng của quê hương đối với những đứa con thân yêu của mình.
Chính tinh thần tự giác hiến dâng tuổi xuân cho đất nước, đã làm cho họ càng gắn bó bên nhau. Những con người từ trăm miền đất lạ ấy, đã sống bên nhau, “phải lòng” nhau và ở trong nhau. Họ gắn bó với nhau như hình với bóng trong chiến đấu: “Súng bên súng, đầu sát bên đầu” và cả trong sinh hoạt thường ngày: “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”. Họ đã cùng nhau chia đắng sẻ bùi, nên cùng có chung một cảm giác trong những trận ốm đau:
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi.
Ngọn bút hiện thực của Chính Hữu, không hề giấu giếm cảnh sống thiếu thốn của anh bộ đội Cụ Hồ, nên đã không ngại đưa vào thơ những hình ảnh tưởng như rất thô:
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giầy
Nhưng chính cái thô ấy đã làm nên chất thơ gắn bó tình đồng chí trong gian khổ. Qua đây ta thấy, người lính thời “chín năm’’ này, không phải là người nông dân mặc áo lính mà là những người lính mặc tấm áo vá của trăm miền quê đất nghèo. Gian khổ là thế mà cuộc sống vẫn cứ vang lên những tiếng cười vui, xua tan buốt giá. Họ đã sưởi cho nhau bằng tiếng cười đầy lạc quan và hơi ấm của con tim, truyền qua đôi bàn tay:
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.
Sức mạnh của tình đồng chí đã kết họ lại thành một khối vững chắc và đẹp đẽ, hùng tráng như một bức tượng đài có một không hai trong lịch sử văn chương đánh giặc:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
Hình ảnh của những anh bộ đội Cụ Hồ trước khi bước vào trận đánh đẹp quá, đã làm đảo lộn bút pháp của bài thơ. Cả bài thơ cứ miêu tả đều đều những gian khổ mà người lính phải chịu đựng cùng dáng hình khắc khổ của họ như cây xương rồng gai góc, bằng bút pháp hiện thực, bỗng đột ngột chuyển sang bút pháp lãng mạn, bay bổng, làm cho hình ảnh họ bỗng trở nên rực rỡ như cây xương rồng trong phút chốc nở hoa.
Trên cái nền trời đêm hoang sơ, buốt giá dữ dội của rừng hoang sương muối, lại vừa có cái vẻ thơ mộng của ánh trăng rừng, Chính Hữu đã tạc vào đó bức tượng đài những người anh hùng vô danh, với bóng dáng cao lồng lộng như chạm tới vầng trăng. Hình ảnh đầu súng trăng treo là hình ảnh ảo. Đầu súng, lúc này được nhìn ở góc độ vị trí vầng trăng đang lên, ngang tầm với mũi súng, để ta có ảo giác như trăng treo đầu súng.
Vầng trăng là tạo vật lớn lao trong vũ trụ, xa cách vạn dặm, còn khẩu súng là vũ khí nhỏ bé trong tay của người chiến sĩ, làm sao có thể treo được vầng trăng? Thế mà nhà thơ đã gộp hai sự vật đối lập về nhiều phương diện này vào trong một hình ảnh nghịch lý, nhằm thể hiện cho được tầm vóc lớn lao của người lính vệ quốc. Họ như đã sánh ngang tầm với vũ trụ, khẩu súng trong tay họ cũng như được phóng đại lên, đến mức vầng trăng chỉ còn là một cái gì nhỏ bé, treo lơ lửng nơi đầu súng.
Trăng và súng, đặt bên nhau là hình ảnh so sánh mang tính đối lập nhưng đã làm nên một vẻ đẹp hài hòa. Súng là biểu tượng của chiến tranh, đau thương, chết chóc; trăng là biểu tượng cho cuộc sống thanh bình, êm dịu, hiền hòa. Súng là biểu hiện của sự nóng bỏng, của ý chí mãnh liệt, còn trăng lại là biểu hiện của vẻ đẹp trong sáng tươi mát, của tâm hồn lãng mạn đắm say. Hình ảnh đa nghĩa này, còn gợi ta nghĩ đến hai mặt đối lập nhưng lại rất hài hòa trong tính cách đẹp đẽ của anh lính Cụ Hồ. Hóa ra, những con người quần rách, áo vá mộc mạc như hạt lúa, củ khoai vừa có tinh thần chiến sĩ, lại có tâm hồn mơ mộng, bay bổng của người nghệ sĩ.
Mặt khác, hình ảnh này còn gợi liên tưởng đến phẩm chất cao quý của dân tộc Việt Nam ta, một dân tộc rất yêu vầng trăng của cuộc sống thanh bình nhưng cũng rất yêu khẩu súng. Nếu chỉ có vầng trăng không thôi mà thiếu đi khẩu súng, liệu cuộc sống của một dân tộc luôn luôn phải đương đầu với “dập dồn gió bấc, gió tây” có trọn vẹn? Ngược lại, nếu chỉ có khẩu súng không thôi thì cuộc sống sẽ nóng bỏng biết bao nhiêu!
Bức tượng đài về những người anh hùng vô danh, được tạc bằng nghệ thuật ngôn từ, đã có sức khái quát bản chất hiền hòa, mơ mộng mà quật cường của dân tộc Việt Nam ta. Bức tượng nghệ thuât này sẽ mãi mãi vượt lên sức hủy hoại của thời gian để trở thành bất tử.