Bức tranh sống động về văn hóa tiền sử Tây Nguyên

GD&TĐ - Di chỉ khảo cổ Lung Leng được khai quật khiến mọi người có cách nhìn khác về vùng đất Tây Nguyên miền Thượng.

Ông A Mít chỉ về nơi phát hiện dấu tích của cha ông trước khi di chỉ ngày nào bị chìm vào quên lãng.
Ông A Mít chỉ về nơi phát hiện dấu tích của cha ông trước khi di chỉ ngày nào bị chìm vào quên lãng.

Tây Nguyên đến nay vẫn là vùng đất hấp dẫn của nhiều lĩnh vực khoa học, nhất là khảo cổ học. Những hiện vật thu được làm cho bức tranh văn hóa tiền sử Tây Nguyên rõ ràng, rực rỡ hơn trong giai đoạn mở cửa và hội nhập.

Từ câu chuyện búa trời

Lung Leng (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, Kon Tum) là một làng người Jrai, hầu hết các ngôi nhà trong làng đều hướng ra dòng sông Pô Kô êm ả chảy. Ít ai biết rằng, nhiều năm về trước, nơi đây nhộn nhịp người ra vào bởi những lần khai quật “Di chỉ khảo cổ Lung Leng”.

Buổi sáng mùa Đông, ông A Vôn (68 tuổi, làng Lung Leng) ngồi bên thềm nhà đưa đôi mắt nhìn ra bờ sông loang loáng nước. Nghe người lạ hỏi thăm về di tích Lung Leng, ông Vôn chỉ ra phía xa, buồn rầu bảo rằng: Tất cả đã nằm lại dưới lòng hồ thủy điện. Những gì còn sót lại có chăng cũng chỉ là cái tên làng và một số “búa trời” mà người dân đã nhặt nhạnh từ trên rừng, trên rẫy.

Ông Vôn kể rằng, dân làng Lung Leng đã ở bên sông này từ lúc nào chẳng rõ. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, đổi thay của thời cuộc, người dân làng Lung Leng vẫn cùng nhau cày cấy, trồng trọt, săn bắn, đánh bắt thủy sản ở vùng đất ven sông Pô Kô.

Thế rồi dòng chảy thời gian qua bao nhiêu thế hệ đã làm cho người làng Lung Leng dần quên đi dấu tích của ông cha. Họ quên luôn cả những công cụ bằng đá mà ông cha đã từng sử dụng. Trong quá trình sinh sống, lao động, người dân vẫn thường nhặt được những viên đá hình chiếc búa.

“Chẳng biết lý giải thế nào nên dân làng thường bảo nhau đây là búa trời. Mỗi khi có mưa giông, thần sấm dùng búa đánh những tia sét xuống đất. Theo ánh sét chớp lòa những chiếc búa trời cũng văng xuống găm vào lòng đất. Thấy những chiếc búa được đẽo gọt, mài giũa nhẵn nhụi nên dân làng thường nhặt về cất giữ trong nhà”, ông Vôn kể.

Đến những năm 1990, khu vực bờ sông Pô Kô, đoạn qua làng Lung Leng được phát hiện có vàng. Người dân truyền tai nhau nên những ngày sau đó nơi đây tấp nập, nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Cũng trong những lần đãi vàng, nhân công tìm thấy nhiều chiếc búa, rìu bằng đá với hình dáng khác nhau.

Chuyện tại làng Lung Leng phát hiện rìu đá, bôn hình răng trâu, hạt chuỗi, đá khoan lỗ, mảnh gốm trang trí... cũng đến tai các cán bộ tỉnh Kon Tum. Ngay lập tức các cơ quan chức năng tại Kon Tum tổ chức xác minh, thám sát để phục vụ nghiên cứu.

Hàng trăm nhân công góp sức khai quật 'Di chỉ khảo cổ Lung Leng' năm 2001. Ảnh: TL.

Hàng trăm nhân công góp sức khai quật 'Di chỉ khảo cổ Lung Leng' năm 2001. Ảnh: TL.

Nhiều nhà khảo cổ học tìm đến nghiên cứu về vùng đất Lung Leng năm 2001. Ảnh: TL.

Nhiều nhà khảo cổ học tìm đến nghiên cứu về vùng đất Lung Leng năm 2001. Ảnh: TL.

Đến công xưởng chế tác đồ đá

Năm 1993, thủy điện Ya Ly được triển khai xây dựng. Dự kiến khi hoàn thành và bắt đầu tích nước lòng hồ thủy điện sẽ nhấn chìm cả một vùng rộng lớn trên lưu vực sông Pô Kô.

Cũng bởi vậy những cuộc khảo cổ phải tiến hành một cách gấp rút để đưa các di vật ở di chỉ Lung Leng ra khỏi vùng lòng hồ thủy điện. Kể từ đó, làng Lung Leng trở thành “tâm điểm” của huyện, tỉnh rồi các cơ quan, ban ngành Trung ương.

Người dân Lung Leng đâu biết rằng, làng mình và những chiếc búa trời đó sau này sẽ trở thành một trong các cuộc khai quật khảo cổ học về thời tiền sử lớn nhất nước từ trước đến nay. Và rồi, khi cán bộ thông báo đây là nơi người tiền sử sinh sống, những cổ vật này cần được bảo vệ để tìm hiểu, nghiên cứu thì dân làng mới vỡ òa.

“Ngày xưa dân làng cứ nghĩ những chiếc búa kia là của thần linh làm nên. Có ai ngờ được nó là dụng cụ lao động của ông cha mài giũa, chế tác. Sau khi được các nhà khoa học giảng giải, dân làng mới biết từ hàng nghìn năm trước ông cha mình đã ở đây, đã làm được các đồ vật bằng đá tinh xảo như vậy”, ông Vôn nói.

Là lực lượng lao động tại chỗ, ông A Vôn và dân làng được đoàn khảo cổ thuê để khai quật di chỉ Lung Leng. Một vùng đất rộng lớn ven dòng sông Pô Kô bỗng chốc thành công trường khai quật. Hàng chục lều trại được dựng sẵn với hàng nghìn người tìm kiếm những cổ vật ẩn sâu dưới lòng đất.

Hàng loạt vật dụng, từ cuốc, xẻng… được trưng dụng để đào bới. Dưới sự hướng dẫn của các nhà khảo cổ, mọi người cố gắng tìm kiếm nhẹ nhàng, tránh làm cho cổ vật bị sứt mẻ, không còn giữ nguyên hình dáng ban đầu.

Từ ngày theo đoàn khảo cổ đi khai quật cổ vật, ông A Vôn trở nên hào hứng, phấn khởi hơn hẳn. Ông bảo rằng, mỗi lớp đất được đào lên là nhiều công cụ của hàng nghìn năm trước hiện ra. Từ trong quá khứ những dấu tích của tiền nhân cũng dần dần phát lộ.

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Kon Tum thông tin, di chỉ khảo cổ học Lung Leng là một dải đất hình mu rùa sát bờ Bắc sông Pô Kô, cách thành phố Kon Tum 15km.

Toàn di chỉ có diện tích khoảng 15.000m2. Tháng 9/1999, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh phối hợp khai quật di chỉ Lung Leng lần 1 với diện tích 106m2, qua đó phát hiện, thu thập được hàng trăm di vật đá, hàng vạn mảnh gốm các loại.

Cuộc khai quật lần 2 kéo dài từ tháng 6 - 8/2001 với diện tích 11.500m2. Đây là một trong những cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất nước ta thời điểm bấy giờ. Từ cuộc khảo cổ đã phát hiện và xử lý 20 di tích là các bếp lửa, lò nung; 120 mộ táng; hơn 14.500 hiện vật đá là công cụ lao động sản xuất, gồm: Rìu, bôn, cuốc, dao, bàn mài, bàn nghiền, khuôn đúc đồng… Đồng thời, các nhà khảo cổ còn phát hiện những món đồ trang sức, như: Vòng tay, vòng đeo tai, chuỗi hạt đeo cổ... cùng hàng trăm hiện vật gốm và hàng triệu mảnh gốm các loại.

Theo ông Quang, Lung Leng là một di chỉ có quy mô lớn, tầng văn hóa dày với số lượng di vật phong phú, phản ánh các giai đoạn phát triển cơ bản của lịch sử. Lung Leng không chỉ là một di tích cư trú, mà còn là nơi chế tác công cụ, sản xuất đồ gốm, đồng thời còn là di chỉ mộ táng.

Những cổ vật ở Lung Leng được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum.

Những cổ vật ở Lung Leng được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum.

Ở làng Lung Leng mỗi gia đình đều gìn giữ một số cổ vật bằng đá để nhớ về ông cha của hàng nghìn năm trước.

Ở làng Lung Leng mỗi gia đình đều gìn giữ một số cổ vật bằng đá để nhớ về ông cha của hàng nghìn năm trước.

Tầng văn hóa chìm dưới đáy nước

Năm 2002, thủy điện Ya Ly được hoàn thành và bắt đầu tích nước. Nước lòng hồ Ya Ly dâng lên phủ kín cả khu vực, ôm vào lòng những dấu tích của tiền nhân. Khu vực di chỉ Lung Leng nằm trong vùng bán ngập, 6 tháng ngập sâu dưới lòng hồ thủy điện Ya Ly, 6 tháng nước rút thì cây mai dương phủ kín.

Ngày nào cũng vậy, mỗi khi dắt đàn bò đi ngang vùng di chỉ, ông A Mít (54 tuổi), lại chỉ cho những đứa trẻ trong làng nơi phát hiện dấu tích của cha ông. Ông A Mít sợ rằng, nếu không truyền cho con cháu, rồi một mai cái di chỉ ngày nào sẽ lại chìm vào quên lãng.

“Nhiều đoàn khách đến đây, từng muốn tham quan di chỉ, nhưng vào mùa ngập thì chịu, chỉ thấy mênh mông nước. Còn 6 tháng mùa cạn thì cây mai dương mọc thành rừng phủ kín chẳng ai len vào nổi”, ông Mít nói.

Để lưu giữ dấu tích của cha ông, mỗi gia đình trong làng đều giữ lại vài chiếc rìu, bôn bằng đá và xem đó là một niềm tự hào về lịch sử phát triển lâu đời của dân tộc. Ở phía lòng hồ, di chỉ Lung Leng lặng lẽ trong tiếng rì rào của sông nước như hàng vạn năm qua.

PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, nguyên Trưởng phòng Thời đại đồ đá (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho biết, di tích Lung Leng được phát hiện năm 1999 và được khai quật di dời toàn bộ ra khỏi vùng lòng hồ thủy điện Ya Ly vào năm 2001. Ngoài di chỉ này, còn phát hiện mới 65 di tích khảo cổ tiền sử ở Kon Tum, trong đó 9 di tích vùng lòng hồ thủy điện Plei Krông đã được khai quật.

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, với những tư liệu mới chúng ta cần thay đổi cách nhìn về vùng đất Tây Nguyên miền Thượng. Tây Nguyên, nhất là vùng đất giao hội giữa các sông lớn thường sớm có sự khai phá của con người. Trong diễn trình lịch sử, đây là vùng đất năng động, sáng tạo và có mối giao lưu rộng mở với xung quanh.

Trên những nét cơ bản, các di tích khảo cổ tiền sơ sử ở tỉnh Kon Tum đã phản ánh sự phát triển tiếp nối từ hậu kỳ đá cũ, qua đá mới đến đỉnh cao là văn hóa Lung Leng - văn hóa hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí.

Văn hóa Lung Leng là nền tảng, là tiền đề cho phép cư dân ở đây mở rộng giao lưu, hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến nhất lúc bấy giờ. Nhờ giao lưu, cư dân Lung Leng đã nắm được kỹ thuật luyện kim, đúc đồng, chế tạo rìu đồng lưỡi lệch bằng khuôn hai mang, kiểu rìu đồng Đông Sơn muộn.

Cũng nhờ giao lưu kỹ thuật mà trình độ luyện sắt và chế tạo công cụ sắt ở Lung Leng đã đạt đỉnh cao, trao đổi được với cư dân vùng Thượng Lào và văn hóa Sa Huỳnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam. Những sản phẩm đồ sắt của người Lung Leng có thể được buôn bán trên vùng biển Thái Bình Dương.

Những chiếc bôn hình răng trâu bằng đá phtanite, chiếc rìu có vai bằng đá opal trong văn hóa Lung Leng được người tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh ưa chuộng. Táng thức mộ quan tài gốm, như: Mộ chum, mộ nồi, mộ vò và nồi - vò úp nhau, vốn phổ biến trong văn hóa Sa Huỳnh cũng có mặt trong văn hóa Lung Leng.

Giao lưu, hội nhập với bên ngoài, nhưng cư dân văn hóa Lung Leng vẫn bảo lưu nét văn hóa riêng, độc đáo của mình. Người ta có thể tìm thấy ở đây sự hiện diện của tổ hợp công cụ cuốc, rìu, bôn bằng đá lửa, những mũi nhọn được ghè lại từ lưỡi rìu, bôn đã qua sử dụng; những viên cuội tròn dẹt hình bánh xe có lỗ giữa, những bàn mài bằng đá granit và những chiếc rìu đồng lưỡi lệch cùng các khuôn đúc chúng mang “thương hiệu” Lung Leng.

“Tây Nguyên đến nay vẫn là vùng đất hấp dẫn của nhiều lĩnh vực khoa học, nhất là khảo cổ học. Chúng tôi hy vọng rằng, trong lòng đất Tây Nguyên sẽ còn khám phá được nhiều tư liệu mới, từ đó bổ sung nhiều tư liệu mới cho văn hóa Lung Leng, làm cho bức tranh văn hóa tiền sử Tây Nguyên rõ ràng hơn, rực rỡ hơn trong giai đoạn mở cửa và hội nhập, góp phần vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Tây Nguyên”, PGS.TS Nguyễn Khắc Sử chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.