Khai quật khảo cổ tại 2 địa điểm ở Quảng Ninh

GD&TĐ - Bộ VH,TT&DL vừa có các quyết định về việc khai quật khảo cổ tại địa điểm Bãi Bằng, di tích đình Xích Thổ, xã Thống Nhất (Quảng Ninh).

Bộ VH,TT&DL yêu cầu Quảng Ninh trong thời gian khai quật, cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích. Ảnh minh họa.
Bộ VH,TT&DL yêu cầu Quảng Ninh trong thời gian khai quật, cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích. Ảnh minh họa.

Bộ VH,TT&DL vừa có các quyết định về việc khai quật khảo cổ tại địa điểm Bãi Bằng, xã Bình Khê (Đông Triều) và di tích đình Xích Thổ, xã Thống Nhất (Hạ Long, Quảng Ninh).

Theo đó, cho phép Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khai quật khảo cổ tại địa điểm Bãi Bằng, xã Bình Khê (Đông Triều) trong thời gian từ ngày 20/11 đến ngày 28/12/2023.

Chủ trì khai quật là ông Nguyễn Văn Anh - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Cho phép khai quật khảo cổ tại di tích đình Xích Thổ, xã Thống Nhất (Hạ Long) từ ngày 20/11 đến ngày 28/12/2023. Chủ trì khai quật là ông Hoàng Văn Diệp - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Xã Thống Nhất là một trong những địa điểm lịch sử gắn liền với thành cổ Xích Thổ - một kiến trúc quân sự thời Lê - Mạc. Theo các nguồn sử liệu,sau khi để mất Đông Kinh năm 1592, nhà Mạc suy yếu nhưng vẫn chiếm cứ được nhiều nơi, tiếp tục chống lại quân Lê - Trịnh trong một thời gian. Nhà Mạc cho xây dựng nhiều thành lũy tại các tỉnh phía Bắc, trong đó có thành Xích Thổ, trước khi rút lên cố thủ ởCao Bằng.

Thành cổ Xích Thổ được xây dựng ngay sát bên bờ vịnh phía Hạ Long, đối diện Cửa Lục. Về kỹ thuật xây dựng, điểm nổi bật thời nhà Mạc là hầu như tất cả mọi tòa thành đều nhỏ, giản đơn và đơn thuần mang tính chất công trình quân sự. Thành Xích Thổ cũng mang đầy đủ tính chất như vậy.

Sách “Đại Nam nhất thống chí”chép rằng: “Thành cổ ở xã Xích Thổ, huyện Hoành Bồ, đắp bằng đất, bốn mặt đều 25 trượng, cao 1 trượng 1 thước, sâu 2 trượng”.

Về cơ bản, thành có hình tứ diện, song do phải thuận với địa hình tự nhiên nên mặt Đông Bắc và Tây Nam phải làm một số đoạn gấp khúc. Tường thành bốn mặt chủ yếu đắp bằng đất cao từ 3 - 4m. Mặt tường thành rộng từ 4 - 5m. Chân thành rộng từ 10 -12m. Mặt ngoài tường thành được xây kè đá, có dùng vôi vữa làm chất kết dính. Hiện, di tích của tòa thành này vẫn còn lại một góc tường.

Các quyết định của Bộ VH,TT&DL yêu cầu trong thời gian khai quật, cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, Bảo tàng Quảng Ninh, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL phương án bảo vệ và phát huy giá trị hiện vật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.