(GD&TĐ) - 24 năm lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh có đến 23 bức thư gửi ngành Giáo dục. Mỗi bức thư đều thể hiện ước vọng tha thiết về một nền giáo dục đào tạo học sinh, sinh viên thành những công dân hữu ích; Nền giáo dục có thể “phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Có thể nói, hầu hết tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đã thể hiện trong các bức thư của Người. Bức thư cuối cùng lãnh tụ “Gửi các học sinh” vào ngày 15/10/1968, gần một năm trước lúc Người vĩnh viễn đi xa, tính đến nay đã tròn 45 năm.
Bác Hồ với các cháu thiếu niên và nhi đồng |
1. Trước Bác, chúng ta có thể tự hào vì trong những năm qua, ngành Giáo dục nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu. Chúng ta tự tin khi khẳng định kiến thức học sinh, sinh viên Việt Nam không hề thấp so với thế giới. Điều này có thể được chứng minh từ rất nhiều học sinh học lực chỉ trung bình khi đi du học, kể cả ở những nước phát triển, đều học được và tốt nghiệp.
Nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH ở Việt Nam ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh đều bảo vệ thành công luận án thạc sĩ, tiến sĩ. Và khoảng chục năm trở lại đây, mỗi năm có hàng ngàn công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên được tuyển chọn từ các trường, từ đó Bộ GD&ĐT chọn được con số khoảng 500 công trình trao giải; trong đó có không ít những công trình có giá trị. Có thể nói, ngành Giáo dục đã cung cấp cho xã hội đội ngũ tri thức đông đảo, đã và đang cống hiến trong mọi lĩnh vực của đất nước.
Thế nhưng, cũng vẫn còn không ít vấn đề khiến chúng ta phải ngẫm ngợi trước những lá thư của Người. Trong thư, Bác khuyên thầy và trò thật thà phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thật thà học tập. Đã có một thời, trong mỗi bài kiểm tra, phần đầu có hai ô: chấm điểm và lời phê.
Thầy chấm bài rất cẩn thận, ô lời phê nào cũng ghi nhận xét. Số bài làm nhận được điểm cao không nhiều nhưng đó là những bài khá giỏi thực sự. Nhưng, nhiều năm trở lại đây, bài làm của học sinh dường như được chấm nhanh hơn với rất nhiều ô lời phê bỏ trống… Rồi chuyện không chỉ trò copy mà ngay cả thầy cũng đạo văn; chuyện dùng tiền mua điểm; chuyện trò “xử” thầy… đâu đó vẫn làm xót xa những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.
2. Tròn 45 năm ngày Bác gửi bức thư cuối cùng cho ngành Giáo dục. Mốc thời gian đó càng vô cùng ý nghĩa khi toàn ngành Giáo dục đang chuẩn bị cho một cuộc đổi mới căn bản, toàn diện. Nói như GS.NGND Nguyễn Đình Chú, từ các nhà quản lý giáo dục cho đến các thầy cô giáo ở mọi ngành học, bậc học trên mọi miền tổ quốc đều phải nghiêm túc nhìn cho thật rõ thực trạng giáo dục nước nhà đã và chưa thực hiện được gì so với ước vọng cao cả của Người để từ đó cùng nỗ lực, phấn đấu.
Nghị quyết Trung ương Đảng gần đây về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục là nhằm thực hiện đúng nguyện vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục.
Nhưng làm sao để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống là chuyện không phải đơn giản, dễ dàng. Bởi lẽ, không một ngành nào đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của mọi gia đình trong xã hội như ngành Giáo dục; Do đó, cũng không ngành nào bị đặt nên bàn cân của dư luận một cách thường trực như ngành Giáo dục.
Vậy nên, GS.NGND Nguyễn Đình Chú cho rằng, để thực hiện đúng ước vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc cần làm trước tiên phải là một “cuộc đại phẫu hiện tình giáo dục của nước nhà”.
Đồng thời đề nghị, cuộc đại phẫu này sẽ là một chương trình khoa học cấp nhà nước mà nội dung giải phẫu sẽ thuộc hai cụm vấn đề: Thứ nhất là các vấn đề có liên quan đến sinh mạng của sự nghiệp giáo dục như đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục; Những vấn đề thuộc khoa học xã hội và nhân văn đích đáng cần có để làm nền tảng vững chắc cho sự nghiệp giáo dục phát triển đúng hướng; Thành tựu của khoa học giáo dục Việt Nam trực tiếp cần cho yêu cầu phát triển giáo dục trong thời hiện đại; Mối quan hệ hữu cơ, tương tác thuyền nước – nước thuyền giữa cuộc sống của đất nước hiện thời với nền giáo dục; Mối quan hệ giữa giáo dục của gia đình với giáo dục của nhà trường và xã hội trong thời hiện đại; Chính sách đầu tư của nhà nước cho giáo dục trong tương quan với các ngành khác trong phạm vi quốc gia, có so sánh với một số nước trong khu vực…
Cụm thứ 2 gồm những vấn đề thuộc bản thân nền giáo dục gồm mục tiêu nền giáo dục từ cấp độ tổng thể đến bộ phận theo tư tưởng Hồ Chí Minh; Nội dung khoa học xã hội nhân văn hiện có trong nền giáo dục; Triết lý giáo dục; Chiến lược giáo dục cho trước mắt và lâu dài; Hệ thống quản lý giáo dục từ trung ương đến địa phương; Hệ thống trường học các cấp và các loại trường trong nền giáo dục quốc dân; Việc lựa chọn những người đứng đầu ngành giáo dục với trình độ văn hóa cao và hiểu biết giáo dục sâu rộng; Chương trình, sách giáo khoa; Phương pháp giảng dạy; Đội ngũ giáo viên; Chính sách giáo dục; cơ sở vật chất…
Với hai cụm vấn đề trong cuộc “đại phẫu” nêu ra như trên, GS.NGND Nguyễn Đình Chú cho rằng, có thể có người cho là bày biện, vẽ vời, nhưng nhất định phải như thế vì Nghị quyết Trung ương đã đặt ra yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện chứ không phải chỉ cải cách một số mặt nào đó. Muốn thế, phải tạo ra được một trạng thái đánh giá, một tư thế “đại phẫu” thực sự khoa học, có được tự do tư tưởng chân chính, không bị một rào cản tư tưởng nào ngăn chặn; Từ đó, hình thành được hệ quan điểm, hệ phương pháp đánh giá tối ưu.
Có được thành quả như thế sẽ là tiền đề, cơ sở vững chắc cho mọi hoạt động cải cách tiếp sau, để có một nền giáo dục tiên tiến đích thực, góp phần đưa non sông Việt Nam tới tươi đẹp, dân tộc Việt Nam tới đài vinh quang sánh vai cùng năm châu thế giới, đúng như mong mỏi của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Tuệ Minh