Bức chân dung làng bằng thơ lay động lòng người

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bằng sự chân thành, những vần thơ về làng của Nguyễn Ngọc Hạnh đã có sức lay động lòng người sâu xa.

Trong một bài viết về thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, hai câu thơ “Xưa tôi sống trong làng/Giờ làng sống trong tôi” là logo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, bởi mỗi khi nhắc đến ông, ai cũng nhắc đến hai câu thơ này.

Điều đó được xác tín qua những tập thơ trước đó, rồi tiếp tục được thể hiện trong tập thơ “Nắng dậy thì” (NXB Hội Nhà văn, 2023), mà ông vừa trình làng tại TPHCM trong những ngày gần đây.

Thi phẩm này với 64 bài thơ gồm nhiều chủ đề khác nhau. Điều đó thể hiện sự đa dạng trong đề tài sáng tác của Nguyễn Ngọc Hạnh.

Ngoài những bài thơ mới, tác giả còn in lại những bài thơ đã từng tạo ấn tượng với bạn đọc như: Bếp lửa chiều quê, Chỗ ướt mẹ nằm, Chợ quê, Nguyện cầu… như một sự kết nối nguồn mạch về hình ảnh cái làng trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh.

Và độc giả sẽ gặp lại tác giả khi nhà thơ vét cạn lòng mình với quê nhà: “Chút tình gửi lại với quê/Hồn thơ còn lấm bờ đê đầu làng” (Gửi quê nhà). Bởi trong thi phẩm này, hàng loạt những bài thơ Xa quê, Quê ngoại, Lạc mất đường về, Không đề… luôn đầy ắp làng quê trong thơ của ông.

Tập thơ “Nắng dậy thì” của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh.

Tập thơ “Nắng dậy thì” của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh.

Cái tên “Nắng dậy thì” dễ thương và trong sáng như vậy, tạo cho người ta một cảm giác tươi mới, sáng sủa, đầy hi vọng. Nhưng đằng sau nhan đề ấy, chúng ta vẫn thấy một Nguyễn Ngọc Hạnh điềm đạm, từng trải và đầy chiêm nghiệm. Ở đó, một hồn thơ cô đơn mà nồng cháy tình yêu với cuộc đời này. Mọi nỗi niềm đều phát khởi từ cái làng đã cùng ông ra phố bao năm lăn lộn, phong trần.

Cái tên “Nắng dậy thì” ấy cũng từ thượng nguồn con sông Vu Gia mà lấp lánh. Một lần ngồi trò chuyện, tác giả đã tâm sự với tôi về sự ra đời của tên tập thơ này. Vắn tắt là trong một lần về quê, nhà thơ đã thấy nắng sớm lên và nhớ lại một thuở tóc còn xanh để rồi tiếc nuối: “Ai chẳng có một thời trai trẻ/Thời chỉ yêu ai, đâu dám yêu mình/Khi tóc bạc mới thương ngày thơ bé/Để bây giờ yêu muộn thuở còn xanh”.

Từ cảm xúc ấy, bài thơ “Nắng dậy thì” ra đời với những câu thơ mở đầu ngây dại: “Khi sớm mai rơi bên hiên nhà/Ánh nắng lan dần nơi đầu ngõ/Như nét cọ mềm ai vẽ ngoài sân/Ôi mơ màng ngây dại mông lung”…

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh ra mắt tập thơ “Nắng dậy thì”.
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh ra mắt tập thơ “Nắng dậy thì”.

Phải nói rằng thơ Nguyễn Ngọc Hạnh từ lâu không hề phô diễn đánh đố, không bày trò cách tân, phô trương kiểu cách. Nguyễn Ngọc Hạnh lấy tình mà diễn tình. Thơ ông cứ nhẹ nhàng, tĩnh lặng như con sông quê ấy, mộc mạc, chân phương như chính cái làng quê thân thuộc của ông.

Những dòng thơ viết về quê bao giờ cũng giản dị và ăm ắp tình yêu với con sông Vu Gia hiền hòa: “Đêm xa làng/ đong đầy nước mắt/Đâu biết lòng mẹ đau như cắt/Tôi cứ lơ ngơ nhớ đàn trâu mỗi lúc chiều về/Cứ nhớ hoài tiếng chim dồng dộc hót/Nơi cổng làng trước phút xa quê…/Đâu biết xa quê/tiếng chim buồn lẻ bạn/ tuổi thơ tôi ở mãi với làng” (Bếp lửa chiều quê).

Cái cảm xúc xót xa trong giờ phút giã biệt làng xưa, gửi tuổi thơ mình ở lại bỗng chốc đã hóa thành những giọt mặn đắng từ trong lòng chan chứa trào ra.

Đó là những ngày tháng rời làng ra phố, mà lòng thì luôn mang nặng nỗi niềm với quê hương mình. Hình ảnh quê nhà luôn đeo đẵng trong tâm hồn một đứa bé sinh ra từ nơi gốc rạ, ra đi từ mái tranh nghèo. Bởi vậy, khi ông phiêu bạt xứ người, nỗi hoài hương càng thêm trĩu nặng trong lòng: “Ở đây biển rộng bốn bề/Mà sao lòng cứ muốn về sông xưa” (Nương thân). Sông nào chẳng xuôi về biển để cái hẹp hòi trở thành cái bao la.

Nói như nhà thơ Ngô Minh: “Nguyễn Ngọc Hạnh cứ về với cái làng đầu sông Vu Gia ấy mà viết, còn khối cái xúc động lòng người. Ở làng quê này, anh mới là Nguyễn Ngọc Hạnh, không lẫn vào ai. Hãy tiếp tục về đó để dựng nên bức chân dung làng bằng thơ, bằng tấm lòng của đứa con son sắt. Thành công của Nguyễn Ngọc Hạnh nhất định là ở đó, vì đó là tình yêu, là máu thịt quê nhà”.

Có lẽ thế, vì chỉ có sự chân thành như vậy, những vần thơ về làng của Nguyễn Ngọc Hạnh mới có sức lay động lòng người sâu xa đến vậy. Làng quê mãi mãi cùng ông đi qua mưa nguồn chớp bể, là nỗi niềm riêng sâu nặng đời đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một số trẻ gặp khó khăn trong việc định hướng các mối quan hệ ở trường.

Học sinh Anh nghỉ học tăng nhanh

GD&TĐ - Tiền phạt, nhu cầu sức khỏe và môi trường học tập kém là những nguyên nhân khiến số trẻ em tại Anh nghỉ học ngày càng tăng.
Trường Tiểu học Ngô Quyền lúc tan học. Ảnh: Trúc Hân

Mô hình hiệu quả về an toàn giao thông

GD&TĐ - Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” được các trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum triển khai những năm qua đã nâng cao ý thức cho cả HS và phụ huynh.