Bữa ăn bán trú mùa dịch: Linh hoạt tổ chức, bảo đảm chất lượng

GD&TĐ - Sau 2 tuần mở cửa trở lại, nhiều trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TPHCM đã tổ chức ăn bán trú cho học sinh.

Trường Tiểu học Nguyễn Hiền bố trí cho học sinh ăn trưa tại lớp.
Trường Tiểu học Nguyễn Hiền bố trí cho học sinh ăn trưa tại lớp.

Cùng với công tác phòng, chống dịch, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đủ dinh dưỡng trong các bữa ăn luôn được các cơ sở trường học quan tâm.

Linh hoạt trong khâu tổ chức

Ý thức cao trong công tác phòng dịch, ngay khi mở cửa trở lại, nhiều trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TPHCM đã bảo đảm đầy đủ các điều kiện để học sinh ăn bán trú. Trong tuần đầu tiên học sinh trở lại học trực tiếp, có hơn 60% cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học trên địa bàn đã tổ chức bữa ăn bán trú. Tuy nhiên, còn một số đơn vị trên địa bàn các Quận 1, 3, 6, TP Thủ Đức lùi thời gian đến đầu tháng 3/2022 nhằm đảm bảo các điều kiện về nhân sự và an toàn cho học sinh.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Hiền (TP Thủ Đức), ngày 17/2 nhà trường bắt đầu tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Theo cô Nguyễn Kim Thành, Hiệu trưởng, hiện trường có tổng số 1.647 học sinh. Khi trường học mở cửa đón trẻ trở lại, có 1.467 em được phụ huynh đăng ký ăn trưa tại trường. Tuy nhiên trong 2 tuần qua, số lượng học sinh ăn bán trú tại trường cũng biến động. Nguyên nhân do một số học sinh bị nhiễm Covid-19 sau khi trở lại học trực tiếp, phần nữa một số phụ huynh còn lo lắng về tình hình dịch bệnh nên chuyển con sang học trực tuyến.

Về việc đảm bảo giãn cách trong tổ chức ăn bán trú, trước đây Ban giám hiệu trường tổ chức cho học sinh học tại tầng 1 và tầng 2 ăn trưa tại lớp. Học sinh học tại tầng 3 ăn tại nhà ăn của trường. Tuy nhiên, từ ngày 17/2 đến nay, do tình hình dịch bệnh nên tất cả các học sinh đều ăn tại lớp, thực hiện tốt giãn khoảng cách giữa các bàn ăn và số học sinh ngồi trong 1 bàn.

Cũng theo chia sẻ của cô Thành, suất ăn của học sinh luôn đảm bảo thức ăn nóng, dinh dưỡng. Khoảng 9 giờ 45 phút, nhân viên nhà bếp chia cơm, đồ ăn vào các khay, sau đó đưa đến từng tầng. Bảo mẫu sẽ tiếp nhận theo khẩu phần của từng lớp và phối hợp cùng giáo viên cho học sinh ăn trưa. Thực đơn mỗi bữa trưa gồm bốn món canh, mặn, xào và tráng miệng. Học sinh bắt đầu ăn trưa từ 10 giờ 50 phút, sau khi kết thúc buổi học sáng.

“Sắp tới, trường sẽ nhận thêm học sinh bán trú ở các lớp học nếu phụ huynh có nhu cầu. Công tác tổ chức bán trú trong bối cảnh dịch bệnh khá phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức. Tuy nhiên, việc này là không thể thiếu khi mở cửa trường. Việc tổ chức ăn bán trú sẽ thuận tiện hơn cho học sinh và phụ huynh, đặc biệt phụ huynh là cán bộ viên chức hoặc lao động làm việc thời gian cố định”, cô Nguyễn Kim Thành cho hay.

Trẻ Trường Mầm non 19 Tháng 5 trong giờ ăn trưa ngày 24/2.
Trẻ Trường Mầm non 19 Tháng 5 trong giờ ăn trưa ngày 24/2.

Bảo đảm chất lượng bữa ăn

Khi tổ chức cho trẻ ăn bán trú, các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TPHCM đã triển khai đầy đủ các nội dung về an toàn vệ sinh thực phẩm trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của ngành Giáo dục. Việc đảm bảo chất lượng cũng như khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ được các trường kiểm tra kỹ lưỡng.

Tại Trường Mầm non 19 Tháng 5 (Quận 12), các khâu tổ chức bữa ăn bán trú từ tiếp phẩm, sơ chế đến chế biến đều tuân thủ quy trình bếp ăn một chiều. Nhà trường luôn giám sát chặt chẽ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm bữa ăn cho trẻ.

Cô Nguyễn Thị Từ Tâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non 19 Tháng 5, cho biết: “Khi mở cửa trở lại, nhà trường đón 67 trẻ đến lớp. Tất cả phụ huynh các em đều đồng ý cho con mình ăn bán trú. Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong điều kiện tiếp tục phòng chống dịch Covid-19, ngay từ những ngày đầu sau kỳ nghỉ Tết, nhà trường đã tổng vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ khuôn viên và các phòng học, đặc biệt là khu vực bếp ăn. Bếp ăn được đầu tư với đầy đủ đồ dùng, dụng cụ phục vụ bữa ăn bán trú.

Trong việc chuẩn bị ăn cho trẻ, quan trọng nhất là khâu lựa chọn thực phẩm, nhà trường ký hợp đồng với công ty cung cấp lương thực, thực phẩm có uy tín, địa chỉ tin cậy. Các sản phẩm cung cấp cho bếp ăn bảo đảm rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, 9 nhân viên phục vụ bếp ăn bán trú đều được tham gia tập huấn và có chứng chỉ nghề nấu ăn, có kinh nghiệm lâu năm trong phục vụ bếp ăn bán trú. Các nhân viên phục vụ nhà bếp thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước và sau khi sơ chế, chế biến thực phẩm.

Còn theo chia sẻ của cô Phạm Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Nắng Hồng (TP Thủ Đức), việc tổ chức bán trú của nhà trường nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của hầu hết phụ huynh. Thay vì đến trường lúc 10 giờ 30 phút đón con khi chưa tổ chức ăn bán trú, cha mẹ chỉ cần đón con sau 16 giờ 30 phút.

Đặc biệt, trong thời gian trẻ đến trường học trở lại, nhà trường luôn tăng cường vệ sinh khử khuẩn lớp học, các khu vực sân chơi, hướng dẫn trẻ thực hiện 5K trong thời gian theo học tại trường. Việc bổ sung thực đơn dinh dưỡng cũng được nhà trường đặc biệt chú trọng.

“Trước đây, trẻ được tổ chức ăn theo kiểu ăn gia đình, buffet, mỗi nhóm 8 em. Còn hiện nay để đảm bảo khoảng cách nên nhà trường tổ chức cho trẻ ăn theo hình thức “cuốn chiếu”, chia từng nhóm nhỏ khoảng 4 đến 5 em một bàn”, cô Phượng cho biết.

Đến nay, sau 2 tuần học sinh tiểu học và trẻ mầm non tại TPHCM trở lại trường học, công tác dạy học và tổ chức bán trú ở nhiều cơ sở đã đi vào nền nếp, đảm bảo quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết, tùy theo quy mô tổ chức và điều kiện các trường mà thời điểm tổ chức bán trú sẽ khác nhau. Để tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, các cơ sở trường học phải xây dựng phương án tổ chức và được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 21 quận, huyện và TP Thủ Đức phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ