Để phụ huynh yên tâm
Trường Tiểu học Lê Văn Tám có tỷ lệ học sinh ăn bán trú cao trên địa bàn quận Lê Chân. Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Minh Khoa, Hiệu trưởng nhà trường, trường có tổng số 1.388 học sinh, 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Đến nay có trên 800 em đi học.
Ban giám hiệu đã phổ biến tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và xác định khi học sinh đến trường học sẽ tổ chức bán trú. Vì vậy, trường đề cao công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Thầy cô tích cực tuyên truyền, phối hợp với cha mẹ nên số lượng học sinh ăn bán trú tăng dần qua từng ngày, đến nay đạt trên 50%.
Cô Khoa cho hay: Xác định việc cho học sinh đi học trở lại, thầy cô giáo khá áp lực và vất vả trong việc đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, ý thức được quyền lợi của trò khi đến trường, thầy cô và gia đình cùng phối hợp. Trường mạnh dạn tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, bởi nhiều phụ huynh không thể đưa đón con ngày 4 buổi/ngày.
Ban đầu, số lượng trẻ ăn bán trú còn ít, nhưng khi phụ huynh thấy sự chuẩn bị kỹ từ cơ sở vật chất, sát sao của ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm cùng toàn thể đội ngũ nhà trường nên yên tâm gửi con ăn bán trú tại trường. Em Lưu Thị Thu Nguyệt, lớp 3A4, Trường Tiểu học Lê Văn Tám, vui vẻ cho biết: Em rất vui được quay lại trường học. Các món ăn tại trường ấm, nóng và rất ngon.
Đảm bảo quyền lợi cho học trò
Bếp ăn tại Trường Mầm non Dương Quan (huyện Thủy Nguyên) được xây dựng theo quy trình vận hành một chiều từ chế biến thực phẩm tươi sống, nấu ăn, để thức ăn chín và xử lý chất thải. Nhà trường lựa chọn những cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín, nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm. Hàng ngày, ban giám hiệu nhà trường theo dõi, giám sát chặt chẽ tất cả các khâu từ tiếp nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến, chia suất ăn cho trẻ. Mọi món ăn của trẻ được lưu mẫu hàng ngày theo đúng quy trình.
Trong điều kiện dịch bệnh, mọi quy trình chế biến thức ăn, phân phối bữa ăn cho học trò càng nghiêm ngặt hơn. Các cô nuôi phải rửa tay, sát khuẩn trước khi vào bếp, đeo khẩu trang, găng tay suốt quá trình làm việc.
Chia sẻ thông tin trên, cô Đoàn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận Hồng Bàng), đồng thời cho hay: Thời gian đầu khi tổ chức ăn bán trú cho học sinh, các cô nuôi phải thực hiện test nhanh để kịp thời phát hiện ca bệnh. Các bữa ăn bán trú của học sinh đều đảm bảo dinh dưỡng với đủ 3 món: Thức ăn mặn, món xào, quả. Dù thời điểm này giá cả thực phẩm tăng cao nhưng trường vẫn đảm bảo đủ định lượng trong mỗi khẩu phần ăn.
“Quan điểm của nhà trường bữa ăn không chỉ cung cấp dinh dưỡng, tăng cường rau xanh chế biến phù hợp với sở thích của trẻ, mà còn định hình thói quen ăn uống khoa học lành mạnh, hướng tới sự phát triển toàn diện về thể chất, điều chỉnh sở thích không tốt của các em như món chiên nướng”, cô Hằng chia sẻ.
Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng chú trọng nâng cao an toàn phòng dịch, vệ sinh thực phẩm, chất lượng chăm sóc và dinh dưỡng bữa ăn bán trú. Các thông tin, hình ảnh về chế độ ăn, ngủ nghỉ của học sinh được các thầy, cô giáo thường xuyên cập nhật trên nhóm Zalo của lớp, từ đó tạo chuyển biến trong tư tưởng các bậc cha mẹ học sinh. Do vậy, tỷ lệ học sinh ăn bán trú tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng tăng lên từng ngày, từ 18% những ngày đầu lên đến trên 50% (1.098 em).
Theo ghi nhận, từ 14/3, tỷ lệ học sinh ăn bán trú của các trường học trên địa bàn thành phố Hải Phòng tiếp tục tăng lên. Nhiều trường trên địa bàn quận: Ngô Quyền, Hải An; huyện: Vĩnh Bảo, Thuỷ Nguyên… bắt đầu tổ chức bán trú trở lại trên cơ sở tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch.