Đề xuất nhiều thay đổi
Tiến sĩ K. Kasturirangan, Chủ tịch Ủy ban Soạn thảo Chính sách giáo dục quốc gia 2019, cho biết dự thảo chính sách GD mới khuyến nghị sáp nhập 900 trường ĐH và 40.000 trường CĐ thành khoảng 15.000 cơ sở GD lớn, có nguồn lực tốt. Ngoài ra, các viện GD đa ngành và viện GDĐH (HEIs) trong nước sẽ được chia thành ba loại trường ĐH.
Phát biểu về “Hồi sinh nền GDĐH Ấn Độ: Khuyến nghị về Dự thảo chính sách GD quốc gia 2019” tại một hội nghị được tổ chức bởi “Diễn đàn các cựu phó hiệu trưởng bang Karnataka tại Đại học Mysore” - TS K. Kasturirangan cho biết, ba loại trường ĐH sẽ bao gồm: Các trường ĐH nghiên cứu - tập trung vào nghiên cứu và giảng dạy; các trường ĐH giảng dạy – chú trọng vào giảng dạy nhiều hơn nghiên cứu và các CĐ được cấp bằng có ứng dụng nghiên cứu.
Trả lời truyền thông, vị chủ tịch này khẳng định, chính sách dự thảo tập trung chủ yếu vào việc xúc tiến cũng như thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới trong tất cả các ngành học tại các trường ĐH, CĐ công lập.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo GD Ấn Độ cũng đề xuất chính phủ thành lập một quỹ mới, nhằm khuyến khích việc nghiên cứu trong các cơ sở GD. Nhiều nguồn tin tiết lộ, khoản trợ cấp hàng năm trị giá khoảng 291 đô la dành cho nghiên cứu cũng có thể sẽ được tăng lên sau từng năm.
Ngoài ra, Quỹ Nghiên cứu quốc gia sẽ chịu trách nhiệm tài trợ cho nghiên cứu của các ngành tại trường ĐH, CĐ, kể cả đối với các tổ chức GD tư thục. Theo TS Kasturirangan, các trường đa ngành cần có sự đầu tư kỹ lưỡng về mặt nhân lực, nhằm bảo đảm các GV sẽ phụ trách lớp trong cả 4 năm ĐH.
Chương trình GDĐH 2 năm sẽ được kéo dài cho đến năm 2030. Kể từ sau năm 2030, chỉ những cơ sở GD cung cấp chương trình đào tạo GV 4 năm mới được phép giảng dạy chương trình 2 năm cho SV. Bên cạnh đó, GV không đạt tiêu chuẩn cũng sẽ không được đứng lớp.
Cũng theo dự thảo GD này, các viện GDĐH sẽ được điều hành bởi những hội đồng độc lập và hoàn toàn tự chủ cả về học thuật và hành chính. Ngoài ra, các trường liên kết sẽ không còn tồn tại do CĐ liên kết sẽ được sáp nhập thành trường CĐ cấp bằng và các trường ĐH liên kết sẽ trở thành tổ chức đa ngành.
Tiến sĩ Kasturirangan cho biết, Cơ quan Quản lý GDĐH quốc gia (NHERA) sẽ trở thành cơ quan chủ quản duy nhất của GDĐH, bao gồm cả GD chuyên nghiệp. Ủy ban Tài trợ Đại học (UGC) sẽ chuyển đổi thành Hội đồng Tài trợ GDĐH (HEGC) bởi, một Hội đồng Giáo dục Tổng quát mới sẽ có khả năng phát triển khung trình độ GDĐH quốc gia và các tiêu chuẩn cụ thể cho GD đại cương. Tất cả cơ quan quản lý GD khác tại Ấn Độ sẽ trở thành cơ quan thiết lập tiêu chuẩn và sẽ có quy định chung đối với cả tổ chức GD công lập và tư thục.
“Phân loại trường đại học là cần thiết”
Ủy ban Soạn thảo Chính sách Giáo dục quốc gia 2019 khẳng định sẽ xem xét mọi phản hồi và đề xuất được gửi từ khắp nơi trên đất nước, nhằm đáp ứng các khuyến nghị sau ngày 31/7.
“Các gợi ý sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành chính sách. Các góp ý về bản dự thảo có thể được đệ trình cho đến hết ngày 31/7 và sau đó Ủy ban sẽ xem xét”, TS Kasturirangan cho biết. Cũng theo vị Chủ tịch này, chính sách dự thảo có thể sẽ thay đổi từ 10 - 20% nhờ những ý kiến đóng góp có giá trị. “Sau đó, chính sách cần được thông qua để các cơ sở GD bắt tay vào thực hiện” - TS Kasturirangan nói thêm.
Khi được hỏi về việc, làm thế nào để các tổ chức GDĐH của Ấn Độ có tầm vóc sánh ngang với các cường quốc thế giới và mang lại chất lượng tốt chỉ với nguồn vốn khan hiếm, Chủ tịch Ủy ban Kasturirangan bày tỏ: “Chúng tôi hy vọng rằng, chính sách này sẽ tạo điều kiện cho nền GDĐH đạt đến mức tối ưu trong vòng 10 năm tới”. Vì vậy, ngoài những thay đổi dự kiến được nêu trên, Dự thảo Chính sách Giáo dục quốc gia 2019 cũng đề nghị chính phủ Ấn Độ đầu tư 20% GDP vào GD.
Phát biểu trước các học giả và giáo giới, TS Kasturirangan khẳng định, việc khuyến nghị phân chia hệ thống GDĐH là cần thiết; đồng thời cho rằng, động thái này sẽ giúp cải thiện chất lượng GDĐH một cách hiệu quả.
Cũng theo vị chủ tịch này, việc phân loại các trường ĐH thành các trường ĐH tập trung vào nghiên cứu và đổi mới, các trường ĐH tập trung vào giảng dạy và các tổ chức tập trung vào GDĐH là điều không thể tránh khỏi”. Số lượng các trường ĐH giảng dạy sẽ nhiều hơn các cơ sở GDĐH nghiên cứu” - TS Kasturirangan nhận định.
Bên cạnh đó, dự thảo chính sách này cũng góp phần khiến cộng đồng trở thành một phần không thể thiếu của hệ thống GD, có liên quan mật thiết đến các vấn đề của trường học và cả GDĐH.
Tuy nhiên, nhiều người đã bày tỏ lo ngại trước tình trạng ngày càng có nhiều tổ chức GDĐH tại Ấn Độ “mọc lên như nấm” và không ít trong số đó là những cơ sở GD giả mạo, không có uy tín, danh tiếng cũng như chất lượng giảng dạy.
Nói về vấn nạn này, Chủ tịch Ủy ban soạn thảo Chính sách giáo dục quốc gia 2019, TS Karnataka khẳng định, Ủy ban đã có những hành động nhằm giảm bớt lo lắng của giáo giới, SV và phụ huynh. Ông Karnataka cho biết đã xác định được hơn 1.000 tổ chức GDĐH giả; đồng thời, tuyên bố các nhà quản lý GD nước này sẽ xem xét và đưa ra hành động phù hợp.