Boris Johnson và cuộc đảo chính kiểu Anh

GD&TĐ - Nữ hoàng Elizabeth II đã thông qua đề xuất của Thủ tướng Boris Johnson, rút ngắn phiên họp quốc hội. Đây là bước đi nhằm hạn chế khả năng của các nhà lập pháp trong việc cản trở kế hoạch của ông Johnson - đưa Anh ra khỏi Liên minh châu Âu vào ngày 31/10 bằng mọi giá. 

Người biểu tình ngồi xuống đường gần Quảng trường Trafalgar ở trung tâm London vào ngày 31/8/2019 để phản đối chính phủ Anh. Ảnh: AFP
Người biểu tình ngồi xuống đường gần Quảng trường Trafalgar ở trung tâm London vào ngày 31/8/2019 để phản đối chính phủ Anh. Ảnh: AFP

Các nghị sĩ Anh sẽ có ít thời gian hơn để tìm một giải pháp thay thế. Những người phản đối gọi quyết định này là một bước tiến tới chuyên chế. Công đảng đang cố gắng đàm phán với những người phản đối Brexit về một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của ông Boris Johnson.

Quyết định mang tính chiến thuật

Thông thường, vào thời điểm khủng hoảng tầm cỡ quốc gia, các lãnh đạo Anh triệu tập cuộc họp Quốc hội. Ông Johnson đã làm điều ngược lại - đối đầu với các nhà lập pháp. Dù Thủ tướng Anh có giải thích thế nào chăng nữa, số phận của người tiền nhiệm Theresa May đang rất gần với ông. Ba lần bà Therese May đề nghị với Quốc hội một thỏa thuận mà bà đạt được với Liên minh châu Âu, cả ba lần đều bị từ chối. Bà May không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ chức.

Trước đây, theo kế hoạch, Quốc hội Anh sẽ họp trong hai tuần đầu tiên của tháng 9, sau đó nghỉ, dành thời gian cho các hội nghị thường niên của các đảng phái chính trị và cuộc họp sẽ nối lại vào ngày 9/10. Nhưng ông Johnson đã kéo dài kỳ nghỉ cho đến ngày 14/10, đến lúc Nữ hoàng có bài phát biểu quan trọng.

Kết quả của động thái này, theo ghi nhận của New York Times, Thủ tướng Johnson dành cho Quốc hội ít thời gian hơn để thảo luận Brexit mà không cần thỏa thuận. Như vậy, Quốc hội có chưa đầy ba tuần trước ngày nước Anh rời khỏi EU.

Tuy nhiên, theo ông Johnson, Quốc hội Anh có đủ thời gian để tranh luận. Và bài phát biểu của Nữ hoàng khi khai mạc phiên họp Quốc hội mới là một thủ tục bình thường, không vi phạm Hiến pháp. Trả lời phỏng vấn hãng tin Sky News, ông Boris Johnson khẳng định sẽ không có một thỏa thuận như người Anh mong muốn, nếu lãnh đạo EU vẫn còn hy vọng có thể đảo ngược được tình hình. Ông Johnson cảnh báo, mọi nỗ lực ngăn chặn hoặc trì hoãn tiến trình Brexit của Anh sẽ gây ra những tổn thất với các đảng lớn và làm mất niềm tin của người Anh vào hệ thống chính trị của nước này.

Nói như một chính trị gia Công đảng: Nếu gọi là đảo chính thì đó là “phiên bản rất Anh”.

Làn sóng thù hận

Boris Johnson: Chúng ta cần phải rời khỏi EU vào ngày 31/10. Ảnh: TASS
Boris Johnson: Chúng ta cần phải rời khỏi EU vào ngày 31/10. Ảnh: TASS

Chủ tịch Hạ viện Anh John Birkow cho rằng Thủ tướng Boris Johnson có hành vi vi phạm Hiến pháp, còn thành viên “Nội các bóng tối” John McDonnell khẳng định, một cuộc đảo chính của người Anh đã xảy ra.

Margaret Beckett, chính chị gia Công đảng cáo buộc Thủ tướng Anh “lôi kéo Nữ hoàng vào trung tâm của những lạm dụng nguy hiểm và khó khăn nhất với quyền hạn thông thường của chính phủ”.

Còn Bộ trưởng Ngoại giao Ireland Simon Coveney thì khẳng định, quan điểm của Chính phủ Anh về Brexit là vô lý.

Ngay sau khi quyết định được công bố, những người biểu tình bắt đầu tụ tập gần Cung điện Westminster để phản đối Thủ tướng Anh.

Trong cuộc phỏng vấn với Nezavisimaya Gazeta, Andrei Ostalsky, một nhà báo tự do ở Anh, cho biết: Hầu hết các nhà quan sát tin rằng Thủ tướng sẽ thành công và Anh sẽ rời EU vào ngày 31/10 theo kịch bản cứng nhất. Trên thực tế, nhờ quyết định này mà ông Boris Johnson đã chiến thắng phần lớn các thành viên của Đảng Bảo thủ, những người đã bầu ông làm lãnh đạo của họ. Tuy nhiên, dường như vào thời điểm hiện tại, trong Hạ viện, đa số nghị sĩ sẵn sàng chống lại ông Johnson. Đó là lý do tại sao ông đã thực hiện một bước đi gần như chưa từng có - đình chỉ công việc của toàn bộ Quốc hội trong 5 tuần.

Andrei Ostalsky tin rằng các nghị sĩ sẽ trở lại vào ngày 3/9. Nhưng họ không thể kêu gọi: Hãy bỏ phiếu cho bộ luật mới cấm một kịch bản “Brexit cứng”. Điều này là không thể bởi Chính phủ quyết định toàn bộ chương trình nghị sự. Đúng vậy, về mặt lý thuyết, có thể Hạ viện Anh sẽ có một cuộc thảo luận phi thường về một số vấn đề. Ví dụ, Hạ viện có thể thông qua luật cho phép không rời khỏi EU vào ngày 31/10 và hoãn đến một thời điểm khác. Nhưng Hạ viện sẽ phải phê chuẩn luật, và không ai có thể đảm bảo rằng sẽ có kết quả như vậy.

Có một lựa chọn khác - bỏ phiếu bất tín Chính phủ.

“Theo các nguồn tin, gần 100 nghị sĩ quá bức xúc bởi hành động của ông Johnson. Không loại trừ sẽ thu thập đủ số phiếu cho việc này” - Andrei Ostalsky giải thích.

Trong khi đó, đại diện của Thủ tướng Anh tuyên bố, hãy để họ bỏ phiếu vì mất lòng tin. Ông Johnson thậm chí sẽ không nghĩ đến việc từ chức và sẽ hành động theo luật. Ông sẽ kêu gọi bầu cử Quốc hội mới có thể vào sau ngày 31/10, khi Anh sẽ rời khỏi EU. Có nghĩa là, cơ chế làm mất lòng tin vào chính phủ đối với các đối thủ của Brexit sẽ không mang lại bất cứ điều gì.

Cả London và Edinburgh đều đã đệ đơn kiện ông Johnson. Nữ hoàng đã ký sắc lệnh không được phép kiện. Tuy nhiên, lời khuyên của Thủ tướng Johnson dành cho Nữ hoàng vẫn còn là điều tranh cãi. Nếu tòa án phán quyết rằng lời khuyên này là bất hợp pháp, thì chuyện gì sẽ xảy ra?

“Tình hình là chưa từng có. Thủ tướng Boris Johnson sẽ ra đi hay ông sẽ kháng cáo vô thời hạn? Nhiều khả năng sẽ là phương án hai. Một lần nữa không thể ngăn chặn được một “Brexit cứng” - Andrei Ostalsky nhận định.

Ngoài ra, theo Andrei Ostalsky, còn có cái gọi là lời kêu gọi khiêm tốn dành cho Nữ hoàng. Nếu đa số nghị sĩ bỏ phiếu cho điều này, họ có thể yêu cầu Nữ hoàng xem xét lại quyết định của mình. Tuy nhiên, đó cũng là một điều cực kỳ khó xảy ra.

Giờ đây, thật đáng sợ khi đọc các mạng xã hội. Dường như một làn sóng thù hận đã càn quét nước Anh. Vào thời điểm hiện tại, điều này có vẻ như không ảnh hưởng đến người bình thường, nhưng tầng lớp trí thức, giới thượng lưu bị chia rẽ sâu sắc - Andrei Ostalsky nói.

Trước đó, một tài liệu bí mật của Chính phủ - “Chiến dịch Bột yến mạch” đã bị rò rỉ với báo chí. Hàng ngàn xe tải xếp hàng ở biên giới chờ thông quan, gây ách tắc trong việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu, thuốc men.

Việc mua hàng bắt đầu khó khăn. Một cái gì đó tương tự như một cơn hoảng loạn lớn đang diễn ra - Andrei Ostalsky kết luận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.