Bóng Phật về trong bóng mẹ hiền

GD&TĐ - Lê Văn Hiếu làm thơ nhẹ nhàng, hóm hỉnh, có chút phớt đời nhưng lắng sâu và lay thức người đọc.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Chăm Phật

(Kính tặng Mẹ)

Người ta chăm đi chùa

Ta ở nhà chăm Phật

Nấu cơm cho Phật ăn

Rót nước cho Phật uống

Mở nhạc cho Phật nghe

Mắc võng cho Phật ngủ

Phật có nụ cười hiền

Phật chợt quên chợt nhớ

Mắt Phật không biết buồn

Dường như buồn đã đủ

Ta ngồi nhìn Phật nhai

Cả những điều xưa cũ…

                        Lê Văn Hiếu

Lời bình của Lê Thành Văn

Bình thản viết, bình thản đăng trên trang Facebook cá nhân. Mỗi lần đọc thơ anh, tôi đều thích thú và nhận thấy tài thơ với phong cách rất riêng của tác giả.

Đặc biệt, khi đọc “Chăm Phật”, lòng tôi không sao nén được cảm xúc, nhận ra thi phẩm đạt được những phẩm chất nghệ thuật đáng quý cả về nội dung lẫn hình thức. Đây thực sự là bài thơ hay viết về mẹ - một đề tài mà dường như ai cũng thử bút nhưng không dễ có thơ hay neo lại giữa hồn người.

Trước hết, chúng ta thử bàn về mối tương quan giữa thi đề “Chăm Phật” và lời đề tặng “Kính tặng Mẹ!”. Giữa Phật và mẹ có gì tương đồng nhau không? Dân gian thường nói “Mẹ là Phật sống” kia mà. Ca dao lại thêm “Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha, kính mẹ mới là chân tu”.

Hóa ra Lê Văn Hiếu, ngay từ nhan đề bài thơ đã có ý thức sử dụng vốn văn hóa truyền thống để khai mở cho người đọc hiểu được hành động “chăm Phật” cũng chính là chăm lo cho mẹ của mình, yêu thương, nâng đỡ mẹ lúc tuổi già bóng xế.

Vì thế, toàn bộ bài thơ không có một từ mẹ (chỉ có ở lời đề tặng) nhưng chúng ta vẫn nhận ra tình cảm xuyên suốt mà tác giả dành cho mẹ bằng cả sự thành kính, yêu thương vô cùng sâu đậm.

Trong cuộc sống đời thường, người ta đi lễ chùa là để hướng đến cõi tâm linh thiện lành, cúng dường làm phước để nhà chùa có chút vật chất bố thí cho những mảnh đời bất hạnh. Đi chùa cũng là tìm đến sự an vui, tích góp phúc đức, giảm nhẹ muộn phiền giữa cuộc sống vốn nhiều bể dâu, khổ lụy. Vì vậy, hành hương đến chùa chiền là một hoạt động tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc ta từ xưa đến nay.

Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Lê Văn Hiếu khẳng định “Người ta chăm đi chùa”. Người đời thường vậy, nhưng bản thân thi nhân lại hành xử kiểu khác, khác mà không xem nhẹ tín ngưỡng và văn hóa Phật giáo: “Ta ở nhà chăm Phật”. Cũng là hướng đến cõi Phật cả thôi, nhưng Phật của đời ta chính là Mẹ, người sinh ra và nuôi dưỡng ta khôn lớn nên người.

Đến câu thơ thứ hai này, bài thơ bắt đầu lóe sáng, hấp dẫn người đọc nhờ sự phát hiện độc đáo về thi tứ, hình tượng, đặc biệt là cách biểu đạt tự nhiên, nhẹ nhàng nhưng cự kỳ sống động, mới mẻ. Nhờ đó, hình tượng Phật và Mẹ hòa vào nhau, sóng sánh, tương đồng để làm nên sức hút đặc biệt cho thi phẩm từ đầu đến cuối.

Ở nhà “chăm Phật”, nhà thơ liệt kê một loạt hành động của người con lo cho mẹ mình hết sức cảm động. Từ miếng cơm, bát nước, giấc ngủ… tất cả đều được chăm sóc thành tâm, kính cẩn. Một loạt động từ “nấu”, “rót”, “mở”, “mắc” kết hợp với nghệ thuật lặp cú pháp qua cấu trúc câu “…cho Phật…” đã giúp người đọc hình dung được những việc làm hiếu nghĩa thật nhẹ nhàng, từ tốn mà vô cùng thiêng liêng, cao đẹp.

Người con dường như không lúc nào rời mắt khỏi mẹ mình, chăm chút từng li từng tí, như nhà sư lặng lẽ, tỉ mẩn dâng hương đêm rằm cúng Phật. Không chỉ lo cho mẹ về đời sống vật chất, Lê Văn Hiếu khiến người đọc giật mình khi đưa vào ý thơ rất lạ qua hành động người con chăm lo cho mẹ mình về đời sống tinh thần bằng âm nhạc: “Mở nhạc cho Phật nghe”.

Âm nhạc có lẽ làm cho mẹ vui hơn, nhờ khúc dân ca, làn quan họ, câu hò dân dã mà mẹ khỏe hơn, yêu đời và sống lâu hơn chăng? Càng suy ngẫm, ta dễ rưng lệ trước nghĩa cử này của người con chí hiếu:

Nấu cơm cho Phật ăn

Rót nước cho Phật uống

Mở nhạc cho Phật nghe

Mắc võng cho Phật ngủ

Sau thời gian ở nhà “chăm Phật”, gần gũi và yêu thương đến vô cùng, người con càng nhận ra vẻ đẹp hiền từ của “Phật” qua hình hài và cả những nghĩ suy thầm kín. Có yêu mẹ mình đến tận cùng gan ruột, quan sát và thấu hiểu biết bao bà mẹ trong đời, Lê Văn Hiếu mới có cái nhìn, sự rung cảm tinh tế và sâu sắc đến thế.

Nhà thơ tập trung miêu tả nụ cười, trí nhớ, ánh mắt mà dựng lên được một chân dung “Phật sống” thật đúng và sống động không chê vào đâu được. Đặc biệt với đôi mắt “không biết buồn”, cứ hồn nhiên, an vui như trẻ thơ vì “Phật” đã trải qua biết bao nỗi buồn trần thế, nhà thơ đã khiến người đọc giật mình bởi sự thấu cảm tài hoa tâm tính của người già:

Phật có nụ cười hiền

Phật chợt quên chợt nhớ

Mắt Phật không biết buồn

Dường như buồn đã đủ

Hai câu thơ cuối bài vẫn là cái nhìn thiết tha, trìu mến và kính yêu của người con hướng về “Phật” nhưng sâu lắng và nhiều suy tư ý vị. Sự chậm rãi, trệu trạo khi mẹ ngồi nhai cơm hay nhai trầu có cả một trời kỷ niệm và ký ức buồn vui ùa về trong tâm tưởng là một phát hiện tinh tế, độc đáo.

Mẹ ngồi nhai mà hồn như đang trôi dạt về cõi nào xa lắm, biết bao “điều xưa cũ” dường như đang rưng rưng sống lại trong ký ức của người. Quả là cả một trời thực và mộng; hiện tại và quá khứ đan xen qua hình dáng mẹ hiền trong linh thiêng bóng Phật:

Ta ngồi nhìn Phật nhai

Cả những điều xưa cũ…

“Chăm Phật” chỉ vỏn vẹn 12 dòng thơ, mỗi dòng 6 chữ; giọng thơ nhẹ nhàng, thành kính; nhà thơ Lê Văn Hiếu đã làm hết thảy chúng ta giật mình xúc động về lòng hiếu thảo của người con trước đấng “Phật” sinh thành.

Bài thơ viết không chỉ cho một người, một gia đình, một thế hệ mà cho muôn triệu người ở cả mai sau. Bao giờ mỗi người còn có mẹ trong đời, bài thơ vẫn sống động và chạm được những tình cảm thiêng liêng trong mỗi chúng ta.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...