Nghệ sĩ Trần Thị Tuyết - Tiếng thơ hay cưỡi hạc về trời

GD&TĐ - Nhà thơ Tố Hữu từng khen ngợi nghệ sĩ Trần Thị Tuyết: “Cô là người hiểu được ý tứ, tình cảm của tác giả, đã tìm ra giọng ngâm phù hợp với hồn thơ, sâu sắc nhất và hay nhất”.

Nghệ sĩ Trần Thị Tuyết trong 1 lần ngâm thơ cho Bác Hồ nghe. Ảnh: Tư liệu
Nghệ sĩ Trần Thị Tuyết trong 1 lần ngâm thơ cho Bác Hồ nghe. Ảnh: Tư liệu

Nghệ sĩ Trần Thị Tuyết – nhà ngâm thơ kỳ cựu từng làm “tan chảy” biết bao tâm hồn người yêu thơ đã từ giã cõi đời. Dù ra đi, nhưng “một tiếng thơ hay” qua giọng ngâm truyền cảm của bà mãi đọng lại trên văn đàn, như nốt sol trưởng trong bản hoà ca.

Duyên nợ ngâm thơ

Nghệ sĩ Trần Thị Tuyết sinh năm 1931 trong gia đình có truyền thống nghệ thuật ở Hà Nội. Thân mẫu của bà là nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Phúc. Năm 1957, bà Phúc làm cộng tác viên cho Đài Tiếng nói Việt Nam trong mảng ca trù và ngâm thơ.

Năm 2016, nghệ sĩ Trần Thị Tuyết được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân, bà tâm sự thế này: Thời ấy, những người làm nghệ thuật như mẹ tôi (bà Phúc) không được xã hội đề cao trọng dụng, họ thường gán cho cụm từ “xướng ca vô loài”.

Chính quan niệm thời cũ làm bà Phúc buồn nên không cho con gái Trần Thị Tuyết theo nghề. Bà kiên quyết không truyền dạy bất cứ một kỹ thuật ngâm thơ hay ca trù nào cho con cái.

Tuy nhiên, làm con của một đào nương nên cô bé “nhà nòi” Trần Thị Tuyết đã nghe mẹ ngâm thơ từ khi nằm trong nôi. Nghe nhiều thành quen cho đến lúc “tiếng thơ” bỗng dưng rẽ đất nảy chồi.

Những lúc mẹ không có nhà, cô bé Trần Thị Tuyết lại ngâm nga những vần thơ đã thuộc tự khi nào. Một hôm, đồng nghiệp của bà Phúc là nhà thơ Hoàng Tấn hỏi về gia đình con cái, xem có ai theo nghiệp ca hát không? Bà Phúc xua tay: “Mấy đứa nhà tôi làm ngoài cả. Chỉ có đứa con gái hay ngâm nga vớ vẩn, đâu có chuyên nghiệp gì”.

Trong thời buổi khó khăn, không tìm đâu ra nhân tài nên nhà thơ Hoàng Tấn nài nỉ bà Phúc đưa con tới để xem thế nào, nếu giọng ngâm không ra gì thì không bao giờ nhắc tới chuyện này nữa. Bà Phúc đành đưa con gái tới, nhà thơ Hoàng Tấn đưa cho cô gái trẻ một đoạn thơ để ngâm thử.

Ngâm thử thì ngâm chứ không có quyết tâm phải trở thành nghệ sĩ nên Trần Thị Tuyết hồn nhiên ngâm thơ bằng chính bản năng sẵn có chứ nào để ý tới vần điệu. Thế mà mọi người đều phải thốt lên về một giọng ngâm trong veo. Từ đó, cô gái Trần Thị Tuyết chính thức bước vào con đường thi ca.

Trong một toạ đàm về thơ, nghệ sĩ Trần Thị Tuyết kể rằng, thơ ca gắn bó với bà giống như duyên nợ định sẵn từ kiếp trước. Khi cộng tác với Đài Tiếng nói Việt Nam, bà chịu trách nhiệm ngâm thơ 2 lần mỗi tuần vào lúc 10 giờ đêm.

Chính bản thân bà cũng không ngờ rằng, từ một thợ may vá bình thường lại có ngày trở thành giọng ngâm thơ được triệu người yêu mến.

Từ một thợ may vá, bà Trần Thị Tuyết trở thành một nghệ sĩ ngâm thơ kỳ cựu. Ảnh: GĐCC.
Từ một thợ may vá, bà Trần Thị Tuyết trở thành một nghệ sĩ ngâm thơ kỳ cựu. Ảnh: GĐCC.

Ngâm thơ Bác Hồ

Không chỉ có thính giả và người yêu thơ mà chính các nhà thơ cũng trân trọng, yêu quý giọng ngâm của nghệ sĩ Trần Thị Tuyết. Ngoài chất giọng trong trẻo, truyền cảm, bà rất dụng công trong việc chuẩn bị, cảm nhận thơ trước khi ngâm. Đó là điều làm nên sự khác biệt của bà đối với các nghệ sĩ cùng thời, để chuyển tải ý tứ thông điệp thơ ca một cách trọn vẹn nhất.

Theo đánh giá của các nhà phê bình, giọng ngâm của bà Trần Thị Tuyết đã đưa người ta đến với thơ, cảm thơ và yêu thơ hơn. Giọng ngâm của bà tác động đến tâm tư tình cảm của rất nhiều người, từ thời niên thiếu, trai trẻ đến lúc về già.

Tiếng thơ của Trần Thị Tuyết trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam một ngày rồi cũng đến tai Bác Hồ. Khi nghe ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác thông báo bà là người được chọn vào Phủ Chủ tịch ngâm thơ cho Bác Hồ nghe, bà Tuyết như không tin vào tai mình, cảm giác lo sợ, hồi hộp choán lấy tâm trí.

Bà không biết phải chuẩn bị những gì, ngâm như thế nào để Bác hài lòng nhất. Trong đầu bà Tuyết chỉ nghĩ đến những bài thơ của Bác Hồ sáng tác và suy nghĩ sẽ ngâm thơ của Bác thì mới có ý nghĩa trong hoàn cảnh này.

Lần đó bà Tuyết ngâm liền 3 bài thơ của Bác gồm “Cảnh khuya”, “Trên đường đi” và “Đêm không ngủ”. Bà Tuyết say sưa ngâm, dồn tất cả cảm xúc và tấm lòng vào mỗi câu từ.

Trước khi ra về, Bác tặng nghệ sĩ cuốn sổ tay để ghi chép công tác có lời đề tặng. Bà trân trọng, cất giữ, và năm 2012, bà Tuyết trao tặng cuốn sổ và một số kỷ vật cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Sau lần được ngâm thơ cho Bác Hồ nghe, bà Tuyết cảm nhận được hạnh phúc và tự hào vô cùng. Tinh thần bà phấn chấn, giọng ngâm như được tiếp thêm lửa, mạnh mẽ, hùng hồn và sâu lắng. Từ đó, dịp Tết hàng năm bà đều tham gia ngâm thơ của Bác trên sóng đài phát thanh và thỉnh thoảng lại được Bác Hồ gọi vào ngâm thơ.

Cho tới hiện tại, những bài thơ được Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thị Tuyết ngâm vẫn được phát sóng đều đặn trên đài phát thanh và lan toả mạnh mẽ trên mạng xã hội. Với những người yêu thơ Việt, dù chưa một lần gặp mặt nghệ sĩ nhưng vẫn luôn dành cho bà một tình cảm yêu quý, ngưỡng mộ một tài hoa – một “tiếng thơ” Việt.

“Phải nói rất khó để tìm được một giọng ngâm như nghệ sĩ Trần Thị Tuyết. Giọng ngâm rất trong sáng, tình cảm, luyến láy và có chiều sâu. Cho đến nay, chưa có ai ngâm thơ hay, sâu lắng và chinh phục tâm hồn người nghe đến vậy. Rất nhiều người, đặc biệt các chiến sĩ vào Nam chiến đấu đã được tiếp thêm sự hào hùng tinh thần từ chính cung giọng ngâm thơ thời chiến của nghệ sĩ Trần Thị Tuyết”  - Nhạc sĩ Trần Mùi, Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ