Bà Tomomi Inada.
Tomomi Inada
“Mọi chính trị gia đều khát khao được trở thành Thủ tướng. Nhưng đó là một tham vọng đòi hỏi khả năng, lựa chọn đúng thời điểm, chọn đúng vị trí và rất nhiều may mắn. Mục tiêu chính của tôi hiện tại là làm tốt công việc của mình”- bà Tomomi Inada.
Cũng giống như ông Abe, bà Inada là một thành viên của Nippon Kaigi, một tổ chức bảo thủ cực hữu hùng mạnh gồm 35.000 thành viên. Tổ chức này ủng hộ việc tăng cường bảo vệ chủ quyền đất nước, bác bỏ các giá trị hưởng thụ và tư nhân của phương Tây, tăng cường vai trò của Nhật hoàng trong cuộc sống thường nhật và củng cố sức mạnh của quân đội Nhật Bản.
Việc chỉ định tân Bộ trưởng Quốc phòng diễn ra sau một cuộc cải tổ nội các sâu rộng của Thủ tướng Shinzo Abe. Giới chuyên gia tin rằng, với sự chỉ định này, ông Abe sẽ củng cố được vị trí của mình và lấy đó làm bàn đạp để tiến hành các cuộc cải cách cần thiết, trong đó gồm cả việc sửa đổi Hiến pháp.
Bà Tomomi Inada sinh năm 1959 và khởi đầu sự nghiệp luật sư của mình trong năm 1985. Bà trở nên nổi tiếng nhờ bảo vệ các thân chủ trong một vụ việc có liên quan tới ngôi đền chiến tranh Yasukuni, và từng làm luật sư cho bên nguyên đơn liên quan tới vụ “giết hại 100 người bằng kiếm” xảy ra trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Trung Quốc trong Thế chiến II. Sau khi thất bại trong vụ kiện, bà quyết định tham gia con đường chính trị để bảo vệ danh dự của những cựu binh Nhật trong thời chiến. Cũng nhờ những sự kiện đó mà bà Tomomi Inada sau đó được giới truyền thông trong nước cho là một thành viên của Nippon Kaigi. Bà cũng là người theo đạo Thần và thường xuyên tới thăm đền Yasukuni. “Đền Yasukuni không phải là nơi đưa ra lời thề hòa bình, mà là nơi để thề chiến đấu kiên cường chống lại những người đe dọa Nhật Bản từ bên ngoài, đi theo tinh thần của những binh sỹ đã hy sinh tại đền Yasukuni”- bà Inada từng nói.
Ở đất nước Mặt trời mọc, bà Inada được mô tả là một người phụ nữ mạnh mẽ, cởi mở, có học thức, luôn trung thành với hệ tư tưởng của mình và là người có khiếu thẩm mỹ nhất trong giới lãnh đạo hiện đại hiện nay. Ông Shinzo Abe thường gọi bà là “Joan xứ Arc” -vị nữ anh hùng từng lãnh đạo quân đội Pháp trong thời kỳ nước này bị chiếm đóng bởi Anh của nước Nhật. Bà được coi là người có khả năng lớn nhất sẽ kế nhiệm ông Abe và bản thân cũng từng thể hiện sự sẵn lòng đảm nhiệm vị trí này trong tương lai.
Bà Inada có tư tưởng ủng hộ việc sửa đổi toàn bộ chính sách ngoại giao của Nhật Bản, và chỉ đạo về một chính sách chủ quyền. Khi nhắc tới điều này, nhiều người đã nghĩ đến tham vọng phục hồi toàn bộ chủ quyền của đất nước Nhật Bản và tham vọng đế quốc của họ.
Bà Inanada từng nói rằng chính sách của Nhật Bản trong Thế chiến II không phải là đi xâm lược và đất nước nên ngừng đi xin lỗi Trung Quốc và các nước châu Á khác.
“Gai” trong mắt Trung, Hàn
Việc bà Inada đảm nhiệm vị trí mới đã khiến chính quyền Bắc Kinh khó chịu và hết sức cảnh giác. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV0) đã không ít lần gọi bà là “chính trị gia cánh hữu điển hình” sau những chuyến thăm đền chiến tranh Yasukuni cùng các phát ngôn mà bà đưa ra.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc, trong phản ứng đưa ra ngay sau ngày bà nhậm chức, đã cáo buộc bà Inada “âm mưu che đậy lịch sử xâm lược của Nhật, thách thức trật tự quốc tế bằng cách làm sống lại chủ nghĩa quân phiệt” khi bà từ chối nói về các vụ thảm sát dân thường Trung Quốc do phát xít Nhật thực hiện.
Về phần mình, chính quyền Seoul cũng từng nhiều lần chỉ trích các chuyến thăm đền Yasukuni của bà Inada. Năm 2011, bà từng bị Hàn Quốc từ chối cho nhập cảnh khi tìm cách tới thăm quần đảo tranh chấp giữa hai nước mà phía Hàn gọi là Dokdo còn Nhật gọi là Takeshima.
Giới chuyên gia nhận định việc bổ nhiệm bà Inada là bước đi để hiện thực hóa tham vọng địa chính trị của ông Abe và Chính phủ Nhật Bản. Theo đó, Nhật Bản sẽ không để quá khứ thất bại hơn 70 năm trước ám ảnh và tiếp tục mở rộng vai trò của quân đội ra ngoài lãnh thổ.
Nhân tố mới trong cải thiện quan hệ với Nga
Trong khi việc chỉ định bà Inada vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng có thể khiến Trung Quốc và Hàn Quốc bất an, thì đối với Nga, đó lại là một tin vui. Khi chính thức trở thành người kế vị ông Junichiro Koizumi hồi năm 2012, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã thể hiện sự sẵn lòng cải thiện quan hệ với Nga.
Ngay cả trong thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng Ukraine, dưới sức ép của Mỹ, Nhật Bản cũng buộc phải đưa ra một số lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, dù ông Abe vẫn tiếp tục hướng tiếp cận của mình.
Theo học giả Ấn Độ K.V Kesavan, sức ép từ Mỹ “đã buộc chính quyền Abe phải đưa ra một cách tiếp cận độc lập đầy thận trọng, vừa bảo vệ được lợi ích quốc gia lại vừa tránh việc khiến cho các thành viên G7 tức giận. Vì vậy, dù phải chung tay cùng G7 để trừng phạt Nga, Nhật cảm thấy hết sức không hài lòng vì chính hành động của họ”. Năm 2015, Thủ tướng Abe đã khởi động chính sách phục hồi quan hệ với Nga, và bà Tomomi Inada lúc bấy giờ là một trong số ít các chính trị gia cao cấp được cử sang Moscow với một nhiệm vụ đặc biệt.
Tháng 4/2016, cũng chính bà Tomomi Inada đã có chuyến thăm đặc biệt tới Nga với tư cách Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách của đảng Dân chủ Tự do (LDP), nhằm thiết lập mối quan hệ giữa giới lãnh đạo hai nước ngay trước cuộc họp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Shinzo Abe.
Liên quan tới mối quan hệ với Mỹ, bà Tomomi Inada từng công khai thể hiện quan điểm cực kỳ thận trọng của mình về sự cần thiết của mối quan hệ đối tác an ninh Mỹ-Nhật. Tuy nhiên, bà cũng từng cam kết sẽ xem xét lại thời kỳ Mỹ chiếm đóng, trong đó gồm cả bản Hiến pháp mà người Mỹ áp đặt với Nhật Bản.
“Chúng tôi đã nhận được nhiều đề xuất rằng cần phải có một cuộc điều tra toàn diện về những điều đã xảy ra trong thời kỳ chiếm đóng cho đến khi Hiệp ước hòa bình San Francisco được ký kết, trong đó gồm cả quá trình mà Hiến pháp hiện tại được soạn thảo”.