Bóng đá Việt Nam hướng đến World Cup: Đánh thuế… giấc mơ!

Bóng đá Việt Nam hướng đến World Cup: Đánh thuế… giấc mơ!

Nhưng World Cup không đơn thuần là cuộc chơi của một thế hệ vàng, với một HLV mang danh “phù thủy”, mà phải bằng sự phát triển của cả một nền bóng đá.

3 đội tuyển gánh trọng trách World Cup

Bóng đá Việt Nam đang tăng trưởng nóng. Hơn 2 năm qua, dưới bàn tay của HLV Park Hang Seo và một thế hệ cầu thủ tài năng, các đội tuyển quốc gia Việt Nam đi hết từ thành công này đến thành công khác. Trong đó, chức vô địch AFF Cup 2018 và thành tích lọt vào tốp 8 đội mạnh nhất ASIAN Cup 2019 đã đưa bóng đá Việt Nam vươn ra khỏi “vùng trũng” Đông Nam Á, tiệm cận với nhóm các đội mạnh châu lục. Từ bước chuyển mình mạnh mẽ ấy, những người quản lý đã xây dựng kế hoạch giàu tham vọng hướng đến những sân chơi đẳng cấp thế giới.

Bóng đá Việt Nam hướng đến World Cup 2026 là chương trình do Ban chiến lược LĐBĐVN (VFF) thực hiện, trưởng ban là ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực VFF. Cơ sở để bóng đá Việt Nam bước đến World Cup được dựa trên những thành tích của các cấp độ đội tuyển quốc gia thời gian qua và sự hình thành, phát triển của các lò đào tạo bóng đá Việt Nam. Đặc biệt, theo lộ trình đã được FIFA thống nhất, World Cup 2026 sẽ mở rộng lên thành 48 đội, châu Á sẽ có 8,5 suất thay vì 4,5 suất như hiện tại.

Không chỉ có đội tuyển quốc gia, mới đây ông Trần Quốc Tuấn cho biết, đội tuyển U20 Việt Nam được giao chỉ tiêu giành vé tham dự VCK U20 World Cup 2021. Trước đó, tại vòng loại U19 châu Á 2020, U19 Việt Nam dưới tay chiến lược gia Philippe Troussier đã về nhì trong bảng đấu có sự góp mặt của Nhật Bản, Mông Cổ và Guam. Với thành tích này, thầy trò HLV Philippe Troussier đoạt vé tham dự VCK U19 châu Á 2020, giải đấu dự kiến diễn ra từ 14 đến 31/10/2020 tại Uzbekistan. VCK U19 châu Á 2020 cũng là vòng loại U20 World Cup 2021. Ngoài đội chủ nhà Indonesia, châu Á được trao thêm 4 suất. 4 suất này sẽ dành cho 4 đội bóng vào bán kết U19 châu Á 2020.

Bóng đá Việt Nam hướng đến World Cup: Đánh thuế… giấc mơ! ảnh 1
HLV Park Hang Seo: Bóng đá Việt Nam cần có lộ trình bài bản về phát triển bóng đá trẻ.

“U19 Việt Nam từng đoạt vé tham dự VCK U20 World Cup 2017 tại Hàn Quốc. Hiện tại, sau khi vượt qua vòng loại, U19 Việt Nam nằm trong nhóm hạt giống số 3 của VCK U19 châu Á 2020. Nếu may mắn trong lễ bốc thăm, chúng ta có thể nhắm một trong hai vị trí đầu bảng. Hơn nữa, ở các giải đấu trẻ, khoảng cách giữa Việt Nam và các đối thủ là không quá lớn. Thầy trò HLV Philippe Troussier có thể vượt qua vòng bảng. Một khi đã vào tứ kết, mọi thứ hoàn toàn có thể xảy ra và chiến thắng sẽ giúp chúng tôi giành vé dự World Cup” - ông Tuấn cho biết.

Chưa hết, việc FIFA chính thức xác nhận sẽ tăng số lượng các đội tham dự VCK World Cup bóng đá nữ 2023 từ 24 lên thành 32 đội đã mở ra cơ hội rất lớn cho đội tuyển nữ Việt Nam. Theo kế hoạch, FIFA sẽ dành cho châu Á khoảng 6 suất tham dự World Cup 2023. Trước đó, ở kỳ World Cup 2019, châu Á có 5 suất góp mặt bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Australia và Hàn Quốc. Đội tuyển nữ Việt Nam đã vào đến vòng loại cuối cùng nhưng đã không thể đoạt vé sau khi đứng cuối bảng B. Thầy trò HLV Mai Đức Chung thua cả ba trận trước những đối thủ rất mạnh là Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bóng đá Việt Nam hướng đến World Cup: Đánh thuế… giấc mơ! ảnh 2
VFF kỳ vọng lứa U19 hiện nay sẽ đưa bóng đá Việt Nam đến World Cup 2026.

VFF đốt cháy giai đoạn?

Nhìn tổng thể bóng đá nữ châu Á, Việt Nam khó qua mặt 4 “đại tỷ”, gồm: Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Australia. Nhưng thầy trò HLV Mai Đức Chung có thể cạnh tranh được với Trung Quốc và phần nào đó, chúng ta lấn lướt Thái Lan, đội bóng 2 lần giành quyền tham dự World Cup 2015 và 2019. Bên cạnh đó, vị trí thứ sáu châu Á và hạng 35 thế giới trên bảng xếp hạng mới nhất của FIFA của đội tuyển nữ Việt Nam cho thấy rõ hơn về cơ hội tham dự World Cup nữ 2023. Vấn đề mấu chốt là chúng ta sẽ tận dụng thời cơ như thế nào. Nên nhớ, thầy trò HLV Mai Đức Chung từng gục ngã đau đớn trước Thái Lan trong trận đấu quyết định tranh suất tham dự World Cup 2015.

Bóng đá nam Việt Nam đang sở hữu thế hệ vàng, thống trị bóng đá khu vực với chức vô địch AFF Cup 2018 và HCV SEA Games 2019. Sau 5 lượt trận vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, đội tuyển Việt Nam đứng đầu bảng G với 11 điểm, nhiều hơn 2 điểm so với đội nhì bảng Malaysia và phía trước còn 3 trận đấu gặp Malaysia, Indonesia và UAE. Đội đang có cơ hội lớn lọt vào top 12 đội vòng loại thứ 3, tranh vé trực tiếp đến World Cup 2022. Nếu vượt qua vòng loại thứ hai, thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ đánh dấu cột mốc lịch sử cho bóng đá Việt Nam.

Cho dù bóng đá Việt Nam tiến gần đến nhóm đội mạnh châu lục, song khoảng cách vẫn còn rất lớn. Chúng ta có thể chơi 100% khả năng, thi đấu quả cảm nhưng đối thủ quá mạnh thì vũ khí tinh thần không thể bù đắp nổi. Thầy trò HLV Park Hang Seo chưa thể mộng mơ đánh bại Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Australia... trong cuộc đua đến Qatar năm 2022. Trình độ của đội tuyển Việt Nam thể hiện trước Nhật Bản, Iran… ở ASIAN Cup 2019 đã phản ánh chính xác tương quan lực lượng. Thế nên, VFF, trong phác thảo trên giấy, cũng chỉ đề cập đến khả năng đua tranh World Cup 2026 khi sân chơi thế giới lần đầu tiên được mở rộng lên 48 đội.

Bóng đá Việt Nam hướng đến World Cup: Đánh thuế… giấc mơ! ảnh 3
Đội tuyển Việt Nam đứng trước cơ hội lớn vượt qua vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á.

Nhưng giữa VFF cùng “phù thủy trắng” Troussier và HLV Park Hang Seo đã có sự khác biệt khá lớn trong chiến dịch tầm cỡ World Cup. Chiến lược gia người Pháp cho rằng, việc mở rộng quy mô World Cup vào năm 2026 giúp Việt Nam có thêm cơ hội khi châu Á có 8,5 suất. Hành động cần phải bắt đầu ngay bây giờ là đầu tư cho đội U19 Việt Nam. Các cầu thủ sẽ ở trong thời kỳ hoàng kim của họ đúng vào World Cup 2026. Tuy nhiên, ông Park cho biết: “Phải thực hiện giấc mơ World Cup từ các cầu thủ 8 - 9 tuổi và Việt Nam chưa thực sự sẵn sàng cho cuộc đua đến World Cup 2026”. Theo ông thầy người Hàn, bóng Việt Nam cần xây dựng lứa cầu thủ dưới 12 tuổi thật bài bản và chuyên nghiệp thì may ra 10 năm sau có một thế hệ mới đủ sức gánh vác trọng trách ở đội tuyển.

Bên cạnh mốc thời gian, 2026 hay 2030 thì bóng đá Việt Nam sẽ được nâng cấp như thế nào để hướng đến World Cup đang là câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng? Cách đây hơn 20 năm, khi lần đầu tới Việt Nam để dẫn dắt đội tuyển quốc gia dự giải vô địch Đông Nam Á - Tiger Cup 1998, HLV Alfred Riedl đã có câu phát biểu để đời - Bóng đá Việt Nam xây nhà... từ nóc! Điều đó có nghĩa, 1 nền bóng đá chưa thực sự vững mạnh, chưa có chân đế vững chắc, nhưng lại luôn muốn giành chiến thắng ở bất kỳ giải đấu nào mình tham dự. Vậy nền móng của ngôi nhà bóng đá là gì? Đó là bóng đá trẻ! Chỉ khi bóng đá trẻ thực sự tiến bộ mới tạo ra nền tảng sức mạnh cho cả nền bóng đá quốc gia, với đỉnh cao nhất là đội tuyển quốc gia.

3 năm qua, không phủ nhận tài cầm quân của HLV trưởng Park Hang Seo, nhưng chất liệu chính để làm nên những kỳ tích như chức vô địch AFF Cup, SEA Games, hay ngôi Á quân U23 châu Á... phải là 1 lứa cầu thủ trẻ tài năng đạt độ chín với những: Quang Hải, Văn Hậu, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn... Chỉ có điều, lứa tài năng trẻ này không phải kết quả của chiến dịch xây nhà từ móng của VFF, mà lại là sản phẩm riêng biệt của những bầu Hiển, bầu Đức... cùng một số đội bóng, trung tâm tự đào tạo, huấn luyện.

Không ai đánh thuế giấc mơ cả. Bóng đá Việt Nam có quyền chơi và mơ mộng vào điều thần kỳ. Giống như Đan Mạch từ suất vớt giành chức vô địch Euro 1992, Hy Lạp vô địch châu Âu 2004, hoặc như U23 Việt Nam từ đội bóng lót đường đã đi thẳng đến trận chung kết U23 châu Á 2018. Nhưng những câu chuyện cổ tích không thể là thước đo chính xác cho sự phát triển toàn diện của một nền bóng đá. Thành công của U23 Việt Nam 2 năm trước là quả ngọt đến từ sự chăm lo của các ông bầu, trong đó phải nói đến bầu Đức với gần 20 năm đầu tư cho bóng đá trẻ. Bằng chứng là sau U23 châu Á 2018 thì thế hệ cầu thủ này tiếp tục thành công ở ASIAD, AFF Cup, ASIAN Cup và giành HCV SEA Games 30.

Con đường phát triển, trong đó nền móng đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam vẫn chưa phải là những bước đi hoàn chỉnh, vì phụ thuộc vào chính các ông chủ chứ không phải đến từ lộ trình bài bản của VFF. U23 Việt Nam, vẫn dưới tay ông Park song lực lượng kế cận nhiều biến động, đã thất bại thê thảm tại VCK U23 châu Á 2020, bị loại ngay từ vòng bảng. Đội tuyển Việt Nam hiện nay cũng đang đối mặt với rất nhiều vấn đề. Thử thách cho ông Park ngày càng lớn với bài toán về lứa cầu thủ cũ, có dấu hiệu quá tải cần thay đổi để chơi tốt hơn tại vòng loại thứ hai World Cup 2022, đồng thời phải dốc sức để khẳng định vị thế ở AFF Cup 2020. Chúng ta có quá ít học viện bóng đá trên cả nước và thiếu đồng bộ khi mỗi nơi đào tạo theo một kiểu khác nhau, thiếu cả những điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ huấn luyện, chuyên gia y tế, dinh dưỡng...

Vậy nên, VFF có quyền mơ mộng! Nhưng họ hãy đánh thuế chính giấc mơ của mình để tạo ra động lực vươn lên, biến nó thành hiện thực, thay vì trông chờ những nguồn lực từ người khác đem đến.

“Trong suốt một năm qua, nhiều người đã hỏi tôi rằng, đến khi nào bóng đá Việt Nam mới có thể tham dự một vòng chung kết World Cup. Tôi muốn nói rằng, Việt Nam đã sẵn sàng nghĩ đến giải đấu này. Để hoàn thành mục tiêu đó, việc phát triển và nuôi dưỡng các tài năng trẻ là điều quan trọng nhất. Nếu có một lộ trình đào tạo bài bản để phát triển lứa cầu thủ trẻ và lập được một kế hoạch rõ ràng, tôi nghĩ Việt Nam sẽ giành vé tham dự World Cup trong khoảng 10 - 20 năm nữa”. - HLV Park Hang Seo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ