Và các tuyển thủ U22, tương lai của đội tuyển quốc gia sẽ lại phải ngồi dự bị, thậm chí không được đăng ký khi về khoác áo câu lạc bộ tại V-League 2023.
Thực tế phũ phàng
Đội tuyển U22 Việt Nam đã không thể bảo vệ tấm Huy chương Vàng bóng đá nam SEA Games do để thua U22 Indonesia ở bán kết. Với nhiều người, đây là thất bại trong khoảnh khắc, thiếu may mắn, hoặc sự non kém mang tính thời điểm của lứa cầu thủ trong tay huấn luyện viên Philippe Troussier.
Nhưng về mặt kết quả, thành tích trên đất Campuchia là bước lùi rất lớn của bóng đá Việt Nam, đặc biệt khi so sánh với 2 kỳ SEA Games trước dưới thời ông Park Hang Seo.
Mỗi người đều có cách cảm nhận và quan điểm riêng. Tuy nhiên, nếu so sánh U22 Việt Nam tại SEA Games 32 với 2 kì đại hội thành công trước đó chỉ với tiêu chí kết quả thì đó là sự “bất công”, và nếu đổ tất cả trách nhiệm lên đầu chiến lược gia người Pháp chẳng khác nào “trăm dâu đổ đầu tằm”.
Hãy nhìn lại SEA Games 30, khi đó ông Park sở hữu gần như dàn cầu thủ dạn dày kinh nghiệm trận mạc như Văn Hậu, Tấn Tài, Đức Chinh, Thành Chung, Quang Hải, Tiến Linh… và 2 cầu thủ quá tuổi được bổ sung là Trọng Hoàng và Hùng Dũng.
Sau SEA Games 30, đã xuất hiện khoảng trống rất lớn về nhân sự. U22 Việt Nam không sở hữu nhiều cầu thủ kinh nghiệm, thi đấu nhạt nhòa ở vòng loại U23 châu Á 2022. Thiếu cầu thủ có khả năng dẫn dắt lối chơi. Nhưng điều đó đã được giải quyết bằng việc bổ sung 3 cầu thủ quá tuổi từ đội tuyển quốc gia là Hoàng Đức, Hùng Dũng và Tiến Linh.
Và ở giải đấu trên sân nhà, U23+3 Việt Nam dưới tay huấn luyện viên Park Hang Seo phải rất nhọc nhằn mới bảo vệ thành công tấm Huy chương Vàng.
Đến SEA Games 32, quy định “không dùng cầu thủ quá tuổi” đã khiến cho vấn đề chất lượng cầu thủ trẻ giữa các đội tuyển trong nhóm đầu khu vực được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết.
Với U22 Indonesia, họ mang tới SEA Games 32 lực lượng rất mạnh với nhiều cầu thủ là trụ cột đội tuyển quốc gia. Trong khi đó, các cầu thủ của U22 Thái Lan cũng thường xuyên được trui rèn ở sân chơi Thai-League, giải đấu cao nhất trong hệ thống thi đấu quốc gia của bóng đá Thái Lan. Đây là yếu tố mang đến sự khác biệt trong cuộc đua Huy chương Vàng ở kỳ đại hội năm nay.
Sự xuất hiện của các ngoại binh ở V-League khiến cho các cầu thủ trẻ không có nhiều cơ hội đá chính. Ảnh: VPF. |
Trong khi đó, phần lớn các cầu thủ U22 Việt Nam không có cơ hội ra sân ở V-League. Nhiều cầu thủ đang thi đấu ở giải hạng Nhất, chưa được hít thở không khí ở môi trường có tính cạnh tranh cao.
Kinh nghiệm thực chiến và bản lĩnh là những hạn chế lớn nhất của U22 Việt Nam. Vậy nên, tấm Huy chương Đồng SEA Games 32 phản ánh đúng năng lực các học trò của huấn luyện viên Philippe Troussier. Chúng ta không thể đứng mãi trên đỉnh cao vinh quang khi chưa tạo ra một nền tảng phát triển bóng đá bài bản.
SEA Games 32 kết thúc, guồng quay của V-League 2023 trở lại và các tuyển thủ U22 Việt Nam sẽ đối mặt với bài toán nan giải ở cấp câu lạc bộ, làm gì để thoát khỏi băng ghế dự bị?
Nhìn vào đội hình U22 Việt Nam, những cái tên thường xuyên được ra sân đá chính, khẳng định được năng lực chỉ đếm trên đầu ngón tay như Lê Văn Đô (Công an Hà Nội), Hồ Văn Cường (Sông Lam Nghệ An), Lương Duy Cương (SHB Đà Nẵng) hay Phan Tuấn Tài (Viettel).
Với 5 bàn thắng, tiền đạo Nguyễn Văn Tùng trở thành chân sút chủ lực của U22 Việt Nam ở SEA Games 32. Tuy nhiên, ở câu lạc bộ Hà Nội, anh vẫn chỉ là dự bị “hạng sang”, xếp sau những tên tuổi lớn như Lucao, Văn Quyết, Tuấn Hải.
Ngay cả khi Văn Quyết bị treo giò dài hạn, cơ hội ra sân của Văn Tùng cũng chưa thật rõ ràng. Huấn luyện viên Bandovic của Hà Nội FC phát biểu: “Văn Tùng là một tài năng trẻ nhưng cậu ấy không có nhiều thời gian tập với đội, chủ yếu là trên U22 Việt Nam. Các cầu thủ trẻ tất nhiên sẽ được phát triển ở đội tuyển trẻ nhưng cũng cần rèn luyện ở câu lạc bộ”.
Thủ môn số 1 của U22 Việt Nam, Quan Văn Chuẩn gần như chưa thể có suất thi đấu cho Hà Nội FC. Trước SEA Games 32, ban huấn luyện đội bóng Thủ đô đưa Chuẩn vào bắt chính trong trận đấu trên sân Bình Định, nhằm giúp anh có thêm sự tự tin trước khi trở lại đội tuyển U22 quốc gia. Nhưng Chuẩn đã bộc lộ sự non kém về kinh nghiệm và tâm lý, mắc nhiều lỗi nghiêm trọng.
Trong màu áo U22 Việt Nam tại Campuchia, Chuẩn thi đấu không tốt. Trận cuối Văn Chuẩn ngồi dự bị để Huy Hoàng bắt chính. Thật khó để Hà Nội FC sử dụng Chuẩn, trừ phi đó là trận “vô thưởng, vô phạt”.
Khuất Văn Khang sẽ phải cạnh tranh với đàn anh Nguyễn Hoàng Đức ở hàng tiền vệ Viettel FC. Trần Quang Thịnh khó có cơ hội thể hiện khi đá cùng vị trí với Huỳnh Tấn Sinh, Elton Monteiro ở Công An Hà Nội… Nguyễn Văn Trường, Vũ Tiến Long, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Quốc Việt… cũng phải đối diện với thử thách tương tự, khi chia tay U22 Việt Nam để trở lại sân chơi V-League.
Màn trình diễn ở SEA Games 32 chưa đủ giúp bất cứ cầu thủ nào trở thành ngôi sao để có được chỗ đứng khi trở về câu lạc bộ.
Huấn luyện viên Philippe Troussier khẳng định lứa cầu thủ U22 Việt Nam hiện tại không kém như mọi người nghĩ và tấm Huy chương Đồng SEA Games 32 chỉ là khởi đầu cho một hành trình mới hướng tới Vòng loại U23 châu Á 2024, Olympic Paris 2024 và cả mục tiêu trong mơ “World Cup”.
Thế nhưng, các tuyển thủ U22 Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với thực tế phũ phàng, không được thi đấu thường xuyên dẫn đến yếu chuyên môn và kinh nghiệm. Và điều đó đưa các tuyển thủ trở về vạch xuất phát như trước thềm Doha Cup, và SEA Games 32 mới đây.
Huấn luyện viên Troussier đối mặt với nhiều vấn đề sau SEA Games 32. Ảnh: INT. |
Vấn đề mang tính hệ thống
Theo chuyên gia Trịnh Minh Huế, một sự thật về trình độ bóng đá của Đông Nam Á nên được nhìn nhận và đánh giá lại kỹ, sâu hơn.
Truyền thông và người hâm mộ Việt Nam mặc định bóng đá Việt Nam 5 năm qua là số 1 khu vực, cho dù 2 kỳ AFF Cup gần đây đội tuyển Việt Nam dưới tay ông Park Hang Seo đều thua đội tuyển Thái Lan. Một quan điểm khác cũng nhận được sự đồng tình từ nhiều tờ báo trong khu vực là bóng đá Việt Nam và Thái Lan có đẳng cấp cao nhất Đông Nam Á.
Nhưng qua SEA Games 32, U22 Việt Nam và U22 Thái Lan đều thua tâm phục khẩu phục U22 Indonesia, không chỉ là tỷ số, mà còn là thể lực, trình độ kỹ, chiến thuật và tâm lý.
Theo ông Huế, khách quan nhận xét thì vị trí thứ 3 của U22 Việt Nam cũng đã tốt. Điều rút ra là cần xem lại hệ thống xây dựng và điều hành nền bóng đá vốn đã cũ và yếu. Hai nền bóng đá Indonesia và Malaysia luôn bị mặc định kém xa Việt Nam thì bây giờ họ đã ngang và vượt chúng ta.
Chuyên gia Trịnh Minh Huế nhấn mạnh, đừng chỉ loanh quanh tìm nguyên nhân sút kém do cầu thủ và huấn luyện viên. Hãy nhìn rộng hơn một nền bóng đá (bóng đá Việt Nam - PV) mà mỗi hạng chỉ loanh quanh chục đội, trong khi Thái Lan luôn có số đội tham dự các hạng nhiều gần gấp đôi chúng ta.
Như vậy, các cầu thủ trẻ sẽ được thi đấu nhiều trận hơn, giúp cho huấn luyện viên các đội tuyển quốc gia có nhiều lựa chọn hơn. Đương nhiên, xác suất cầu thủ tài năng cũng nhiều hơn và đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia sẽ có nguồn nhân lực chất lượng cao.
Quả thực, V-League là nền tảng của đội tuyển quốc gia thì bóng đá Việt Nam đang yếu từ gốc, hoặc phát triển theo mô hình ngược. Ở bất cứ nền bóng đá phát triển nào, càng lên hạng cao càng ít đội, như thế mới thể hiện sự bền vững, sâu rộng.
Đằng này V-League 2023 có 14 đội, trong khi hạng Nhất trầy trượt mùa này mới có 10 đội và hạng Nhì có 14 đội. Sau hơn 20 năm lên chuyên, đến giờ, bóng đá Việt Nam vẫn đang đối mặt với bài toán chuyển giao, giải thể của các câu lạc bộ.
Tham vọng V-League có 16 - 18 đội; hạng Nhất có 20 - 22 đội; hạng Nhì có 20 - 30 đội, hoặc nhiều hơn để các cầu thủ trẻ mỗi năm được thi đấu 25 - 40 trận vẫn chỉ tồn tại… trên giấy.
Huấn luyện viên Philippe Troussier đã nhận ra rất rõ vấn đề của bóng đá Việt Nam. Điều quan trọng, nhà cầm quân người Pháp không chỉ nói suông, không chấp nhận phụ thuộc vào hệ thống, mà ông đã bắt tay vào chiến lược mang tầm nhìn xa hơn.
Sau khi chấp nhận coi SEA Games là một đợt sát hạch, huấn luyện viên Troussier đồng ý đưa lứa U20 tham dự ASIAD 19 tại Trung Quốc vào tháng 9 tới. Thực tế, chiến lược gia người Pháp có thể dùng đội hình U22 vừa đá SEA Games, bổ sung cầu thủ U23 và 3 cầu thủ quá tuổi để có thành tích ở ASIAD. Nhưng quan điểm của ông khác với đồng nghiệp Park Hang Seo, người đã sử dụng đội hình tốt nhất ở ASIAD 18 và vào tới bán kết. Ông Troussier muốn các cầu thủ U20 tích lũy kinh nghiệm ở các sân chơi hàng đầu châu lục.
Quyết định của huấn luyện viên Troussier cũng giải quyết một bài toán khác là sự hài hòa lợi ích giữa các đội tuyển quốc gia và câu lạc bộ. V-League mùa này đã nhiều lần phải gián đoạn vì đội tuyển U22 quốc gia tập trung.
“Tôi nghĩ các đội tuyển cũng cần nghĩ đến lợi ích của các câu lạc bộ, sao cho tất cả hài hòa. Tôi muốn xây dựng đội tuyển quốc gia dựa trên nền tảng là các câu lạc bộ. Khi các câu lạc bộ mạnh, giải vô địch quốc gia mạnh thì các đội tuyển quốc gia cũng sẽ mạnh mẽ hơn”, ông Troussier nêu quan điểm.
Cách làm của ông Troussier đã thể hiện rõ chiến lược lâu dài. Cái đích cuối cùng của ông sẽ là đội tuyển quốc gia. Đây cũng là hướng phát triển của các nền bóng đá tiên tiến.
Ở châu Âu hay các cường quốc bóng đá châu Á, các cầu thủ đã lên đội tuyển quốc gia hầu hết sẽ không được triệu tập ở lứa trẻ. Thay vào đó, họ sẽ trao cơ hội để các lứa trẻ hơn tích lũy kinh nghiệm để trưởng thành. Đấy mới thực sự là chiến lược bền vững để hướng tới những mục tiêu cao hơn. Nhưng muốn thành công cần có sự kiên nhẫn, cũng như sự ủng hộ rất mạnh mẽ từ nhiều phía.
Để các cầu thủ U22 Việt Nam tiến bộ và có thể trở thành trụ cột đội tuyển quốc gia trong tương lai đương nhiên phải chờ vào tài năng của huấn luyện viên Philippe Troussier. Nhưng một mình thuyền trưởng người Pháp chắc chắn không thể thay đổi chất lượng của U22 Việt Nam. Ông Troussier không phải là phù thủy để một mình xoay xở với các cầu thủ dù tiềm năng nhưng thiếu đi môi trường phát triển.
___________________________________________
Kỳ cuối: Ông Troussier và bài toán đội tuyển quốc gia