Thể thơ “bát ngôn”, mỗi dòng 8 chữ! Theo lý lẽ, bài thơ dài hay ngắn của thể loại thơ này không quy định, nhưng ngắn nhất cũng phải đôi dòng. Với Nguyễn Sỹ Bình thì không bài nào như thế.
Ngắn nhất cũng phải 2 khổ, 8 dòng; dài ngắn tùy đề tài và chủ đề mà tác giả thể hiện!... Luật thơ khá nghiêm cẩn với anh, tuy thể loại thơ này cũng đơn giản, không quá gò bó về quy luật.
Nguyễn Sỹ Bình tuổi cận 60 “đốc chứng” làm thơ suốt 2 năm lại đây, chủ yếu là nửa năm 2022. Tác giả thể hiện khá vững luật thơ “bát ngôn”, cách gieo vần chuẩn mực; đặc biệt là việc linh hoạt sử dụng luật thanh trong thể thơ tạo nên âm điệu dương của nhiều bài thơ, vần chéo (giãn cách), vần ôm đầm ấm...
Cái đáng nể với tác giả khiến tôi đọc liền 103 bài thơ cùng một thể loại (trừ vài bài thất ngôn) mà không mệt; vẫn yêu, vẫn quý bởi Nguyễn Sỹ Bình rất giàu cảm xúc, đậm vốn từ khi thể hiện đề tài và chủ đề của mỗi bài viết...
Thơ là tiếng nói của tâm hồn, là sự rung động của con tim. Điều này thật đúng với Nguyễn Sỹ Bình. Cuộc đời của anh là công việc của một người có học đến nơi đến chốn. Anh từng là bộ đội nghĩa vụ, là cán bộ cần mẫn với công việc của ngành Công thương Việt Nam cho tới tận hôm nay. Bộn bề nhân tình thế thái, tình yêu con người, yêu công việc, yêu quê hương đất nước... là bản sắc bao trùm trong suốt tập thơ...
Cảm xúc về lứa đôi, về nhân tình thế thái khiến Nguyễn Sỹ Bình thao thức. Anh tạc nên thơ: “Đã khuya rồi sao không ngủ đi tôi/Để đôi mắt cứ nhìn vào nỗi nhớ/Ở ngoài hiên gió ầm ào nhắc nhở/Rằng trong lòng đang nổi trận bão giông...” (Không ngủ đêm). Tâm hồn tác giả bừng lên, trở về từ ký ức.
Bài mở đầu tập thơ (ghi ngày 6/4/2022) tự cảm đến nao tình: “Tiếng chuông gió làm không gian xao động/ Đưa hồn anh từ ký ức trở về/ Như bừng tỉnh mọi cảm xúc đam mê/ Về thực tại với bộn bề gian khó” (Giọt thương, giọt nhớ).
Và, anh hồi tưởng lại tất cả, tất cả những gì với người mình yêu thương: “Mình đi qua cả bốn mùa thương nhớ/Từng phút giây lắng đọng với thời gian/Có những lúc thật khắc khoải gian nan/Rồi đọng lại vẫn là thương với nhớ...” (Bốn mùa thương nhớ)... Tình bạn của Nguyễn Sỹ Bình tuyệt đẹp với cả cõi thực lẫn mơ, với cõi trần và cõi của muôn năm. Rất rất đẹp qua từng bài thơ, trong từng con chữ.
Đọc rồi, nhớ mãi (Cảm xúc) rất đỗi tinh khôi: “Rồi hôm nay mình gặp được nhau đây/ Ngồi ôn lại những ngày từng trải/Về thời thanh xuân miệt mài mê mải/ Với thành công thất bại trong đường đời...”. Tình đẹp trong cả mộng mơ qua những tháng năm, qua những mùa vụ rất đậm, rất sâu.
Anh gặp ở đó biết bao điều rất thực mà cũng lại như mộng, như mơ... Bởi anh quá đỗi nhớ về em, đến nỗi anh phải thốt lên: “Em ở đâu mà sao không nói ra/ Đừng bắt tội anh đi tìm em nữa/ Nếu chúng mình chắc chắn là một nửa/ Sẽ bên nhau như số phận an bài...” (Nhớ về em).
Tình yêu và nỗi nhớ trong Nguyễn Sỹ Bình là vô kể. Anh không giống ai, cũng chẳng như ai. Lời là của anh, chữ nghĩa là của anh. Tâm tư và nỗi lòng là của anh. Anh không lặp lại những gì đã nói. Không lấy chữ lấy câu của thiên hạ.
Nó vô tư, hồn nhiên, chân chất, mộc mạc như chính con người anh. Thơ anh chính là như vậy... Anh nhớ về “Khúc giao mùa” với “Hoa ban tím một vùng thương nhớ”. Anh viết về trăng với bao ẩn ý qua cả loạt bài với những tiêu đề mộc mạc thân quen: “Trăng”, “Trăng tỏ”, “Sao băng”... Viết về tháng, năm; về 4 mùa, về các loài hoa; về vợ về chồng.
Đậm hơn cả, nhất hơn cả, nhiều hơn cả vẫn là bạn tình, vẫn là em người vợ môi ấp má kề của anh với trăm công, ngàn việc của cuộc đời. Và, anh “Ước”: Mình là ánh mặt trời để cho con người không tối tăm, để cho em, “Vì yêu em tôi làm tất cả”... Đúng là anh. Không ai khác. Nghĩ sao viết vậy. Thật quý hóa!...
Tâm hồn Nguyễn Sỹ Bình luôn bừng lên, trở về kí ức sâu xa của cuộc đời thực tại với “Quê hương và mẹ”. “Nhìn thấy mẹ trong lòng con héo hon/Thương mẹ quá khi trở trời, trái gió/Mẹ ốm đau con cũng không ở đó/Nhỡ mẹ không còn, báo hiếu sao đây”.
Anh viết về mẹ với đất nước thật sâu đậm qua từng câu hát với mỗi vùng quê: “Mẹ từng hát ru tôi khi còn nhỏ” (Đất nước tôi). “Hà Nội yêu thương trong lòng tôi mãi/ Nơi tôi sinh thanh lịch và hào hoa” (Hà Nội của tôi)...
“Kí ức tháng 5” là một bài viết đẹp về tình người lính với Tây Nguyên những năm anh đóng quân ở đó. Nay trở lại thăm như cốt chỉ để tìm lại những kí ức xa xưa đầy thương nhớ: “Hôm nay trở lại Cao Nguyên lộng gió/Cảnh sắc vẫn đây đồng đội tôi còn đó/Gặp lại nhau biết qua bao tháng ngày/Vẫn hồn nhiên những câu nói tao mày/Mà sao thấy nghe thân thương đến lạ/Kể nhau nghe biết bao điều mới mẻ/Chuyện hôm qua chuyện của cả ngày mai...”.
Chân tình, giản dị mà thâu thiết biết bao. Tình cảm ấy ta còn thấy anh khi viết về mận Tam hoa Bắc Hà; về Côn Đảo nơi những chiến sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc mãi vinh quang; về Đất mũi Cà Mau nơi cuối trời Đất nước; về Cần Thơ miền đất Tây Đô nhiều sông nước thân thương...
Tôi cảm yêu bài “Màu cờ” của Nguyễn Sỹ Bình. Nó thực như cuộc đời vốn vậy. Bởi, “Màu cờ đỏ mà bất cứ nơi đâu/ Đều rực lên tâm hồn của người Việt”... Nó mạnh mẽ vươn lên kiên trung cùng kiệt, nhưng thủy chung ấm áp tình người: “Màu cờ như sức sống tuổi hai mươi/Nhiệt huyết, sục sôi, khát khao, cháy bỏng/ Kiên quyết, vững vàng, nhưng không buông lỏng/Thế lực, âm mưu đụng đến màu cờ”!
Ngày 1/5/2022, Nguyễn Sỹ Bình viết bài “Suy tư” như để tự bạch lòng mình khi sắp sang tuổi 60, tuổi để hưu trí, rất chân tình, ngắn gọn: “Biết tận hưởng những buổi sáng bình minh/ Biết chắt chiu mỗi khi hoàng hôn xuống/ Gạt bỏ những gì đời còn thiếu thương/ Để đam mê tất cả thật chân tình”!...
Chúc mừng anh Nguyễn Sỹ Bình với tập thơ đầu tay “Bốn mùa thương nhớ” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành mới đây!